Cảnh báo 12 trường hợp các mẹ bầu phải sinh bằng phương pháp mổ.( P2)

( PHUNUTODAY ) - Bài viết sau sẽ cung cấp thêm cho các mẹ bầu các trường hợp bắt buộc sinh mổ đẻ để đảm bảo an toàn cho thai phụ và thai nhi.

7. Cổ tử cung không mở

 Ảnh minh họa. Nguồn: yeutre.vn.

Cổ tử cung được coi là “cửa ngõ” của tử cung, nối tử cung với âm đạo. Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, cổ tử cung khép chặt và được khoá kín bởi nút nhầy. Nhờ đó mà tử cung kín và vô trùng, bảo đảm cho sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

Quá trình chuyển dạ được mô tả bằng sự giãn và mở cổ tử cung. Trong suốt thời gian mang thai, cổ tử cung của bạn sẽ vẫn như bình thường trước khi bắt đầu mỏng dần khi sự chuyển dạ đến gần. Ước tính cổ tử cung sẽ giãn khoảng 1cm sau mỗi giờ chuyển dạ. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho tất cả mọi người vì mỗi phụ nữ có tốc độ giãn nở khác nhau

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngay cả với những cơn đau đẻ dữ dội cũng không làm giãn nở cổ tử cung đủ để em bé đi ra. Do vậy, trường hợp này cũng phải được chỉ định sinh mổ.

8. Sinh non

 Ảnh minh họa. Nguồn: tinnong.thanhnien.vn.

Theo các bác sĩ thì sinh trước tuần thai thứ 37 sẽ được tính là sinh non. Thường các bà bầu sẽ rất lo lắng bởi sinh non thì sẽ gặp khá nhiều rủi ro khó lường trước được. Trẻ có thể bị khuyết tật ở não, chậm phát triển, các cơ quan chưa phát triển hoàn thiện thậm chí còn bị đe dọa cả về tính mạng nữa.

Việc sinh non có thể xảy ra với bất cứ ai, kể cả với những người vốn được coi là có nguy cơ sinh non thấp. Do đó việc nhận biết những dấu hiệu sinh non là vô cùng hữu ích. Trường hợp này cũng sẽ được chỉ định đẻ mổ cấp cứu.

9.  Rau tiền đạo

Rau tiền đạo là bánh rau bám lan xuống đoạn dưới và đôi khi tới lỗ trong cổ tử cung gây cản trở đường ra của thai nhi khi chuyển dạ đẻ. Rau tiền đạo là một trong những nguyên nhân chính gây chảy máu trong ba tháng cuối của thai kỳ, trong chuyển dạ và sau đẻ. Do đó mà rau tiền đạo còn là một cấp cứu trong sản khoa. 

1/200 phụ nữ mang thai bị rau tiền đạo trong tam cá nguyệt thứ 3 (ba tháng cuối thai kỳ). Việc điều trị bao gồm nghỉ ngơi và theo dõi thường xuyên. Nếu gặp phải rau tiền đạo, sinh mổ là điều cần thiết.

10. Dị tật bẩm sinh 

 Ảnh minh họa. Nguồn: trethovn.net/.

Trong tất cả những người tàn tật ở Việt Nam, có đến 32% là do những dị tật bẩm sinh. Gần 70% những trường hợp dị tật thai nhi này lại xuất phát từ chế độ dinh dưỡng khi mang thai và những tác nhân từ môi trường. Do đó, nếu thai nhi được chẩn đoán mắc một dị tật bẩm sinh, thai phụ cần được mổ để giúp giảm các biến chứng khác trong quá trình sinh.

11.Tiền sản giật

Tiền sản giật thường gặp ở phụ nữ sinh con đầu lòng.Tiền sản giật được coi là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất thai kỳ, xuất hiện từ giữa tam cá nguyệt thứ 2 với tần suất khoảng 5-8% thai kì. Tiền sản giật có thể phát triển sớm hơn ở trường hợp nặng hoặc có thể chỉ là vấn đề nhỏ trong cả thai kì, thậm chí có khi chỉ xuất hiện sau khi sinh.

Tình trạng này cản trở việc cung cấp máu và oxy từ nhau thai đến em bé. Những trường hợp mẹ bị tiền sản giật nên được sinh mổ để đảm bảo an toàn.

12. Suy thai

Suy thai là một quá trình bệnh lý do tình trạng thai thiếu oxy trong máu hoặc thiếu oxy tổ chức khi thai đang sống trong tử cung. Hiện nay, người ta còn gọi suy thai là tình trạng bất ổn của thai nhi bao gồm: Giảm thành phần oxy trong máu, giảm oxy trong tổ chức, tình trạng tăng ion hydro trong máu (thai nhi nhiễm toan), biểu hiện với những thay đổi về nhịp tim thai được ghi nhận bằng máy theo dõi nhịp tim thai (ví dụ: Nhịp giảm biến đổi lặp lại, nhịp giảm muộn, nhịp nhanh, nhịp chậm hoặc tình trạng bất thường).

Suy thai cấp thường xảy ra đột ngột trong quá trình chuyển dạ, đe doạ tính mạng đứa bé, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, thể chất của đứa bé trong tương lai nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Lúc này, bác sĩ sẽ phải mổ lấy thai khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho bé.

Tác giả: Hồ Thị Huyền Trang