Sữa mẹ dính máu có thực sự gặp nguy hiểm
Sữa mẹ khi tiết ra bị vấy máu, có màu hồng, nâu, đỏ trong những ngày đầu sau sinh thường khiến sản phụ và người thân hết sức lo lắng. Tuy nhiên, hiện tượng này không hề nguy hiểm cho cả mẹ và con, đây có thể là biểu hiện của một tình trạng lành tính mang tên "Hội chứng đường ống gỉ", thường gặp ở những bà mẹ sinh con đầu lòng.
Các mẹ thường hay phát hiện trong sữa có lẫn máu khi vắt ra, trong miệng của bé sau khi bú mẹ hay trong chất nôn hoặc phân của trẻ.
Nguyên nhân của việc sữa mẹ có dính máu
·Núm vú bị nứt, trầy xước
Vấn đề này thường là do sai sót kỹ thuật như tư thế mẹ bế bé sai hoặc bé nắm bắt vú không đúng cách.
Ứ máu mao mạch:
Theo Sức khỏe và đời sống, hiện tượng này được gọi là 'Hội chứng đường ống gỉ', do sữa có màu gỉ sắt thường xảy ra ngay sau khi sinh ở một bên hoặc cả hai bên nhưng không gây đau đớn cho mẹ. Các bà mẹ sinh con đầu lòng có thể nhận thấy sữa vắt ra có màu hồng hay da cam. Nguyên nhân là do lưu lượng máu tới vú và ống dẫn sữa gia tăng khi mẹ bắt đầu cho con bú - điều này rất cần thiết cho sự phát triển của các tế bào tiết sữa. Phần lớn việc chảy máu này sẽ tự mất đi trong vòng 3-7 ngày đầu từ khi cho bé bú và sẽ không xuất hiện lại. Tuy nhiên nếu hiện tượng này kéo dài quá 7 ngày thì các mẹ nên đi khám bác sĩ.
Bị vỡ mao mạch
Hiện tượng này xảy ra khi các mẹ đang luyện tập núm vú khắc phục chứng núm vú tụt vào hoặc bị dẹt. Ngoài ra, những va chạm mạnh vào bầu vú hoặc mô núm vú khi vắt sữa tay hoặc hút sữa bằng máy sai cách cũng có thể gây chấn thương và vỡ mạch máu vú.
U nhú trong ống dẫn sữa
Đây là bệnh nang xơ ở vú do có khối u nhỏ lành tình trong ống dẫn sữa. Với loại u này thường chỉ xuất hiện ở một bên vú và không sờ được bằng tay. Do đó, nếu máu chảy kéo dài hơn 1 tuần thì nên đi khám bác sĩ.
Cách xử lý
Phát hiện máu trong sữa mẹ không có điều gì đáng lo ngại, hiện tượng này xảy ra khá thường xuyên, nhất là ở những bà mẹ sinh con đầu lòng. Do đó, nếu bé tiêu hóa bình thường thì các mẹ cứ yên tâm tiếp tục cho bé bú hoặc dùng sữa vắt ra. Bởi lượng nhỏ máu sẽ không gây ảnh hưởng đến bé. Đồng thời lượng máu này sẽ bị thải ra theo đường tiêu hóa.
Trong trường hợp các mẹ cảm thấy quá đau thì có thể không tiếp tục cho con bú, bạn có thể hút sữa trong 1 hay 2 ngày và đợi núm vú bình phục. Chú ý phải hút sữa 8-10 lần mỗi ngày để có đủ sữa cho bé. Đi khám bác sĩ nếu chảy máu kéo dài quá 1-2 tuần.