Cặp vợ chồng ông điếc bà mù mỗi bữa ăn chỉ 5.000 đồng vẫn yêu chiều nhau

( PHUNUTODAY ) - Dù cuộc sống vô vàn khó khăn nhưng 2 vợ chồng già tảo tần vẫn yêu thương nhau, san sẻ từng bữa ăn chỉ có 5.000 đồng, rau cháo qua ngày khiến nhiều người cảm phục.

Tờ Thanh Niên đưa tin, ở Thủ đô Hà Nội, giá tiền một gói xôi, chiếc bánh bao, bánh mì... bình quân là 10.000 đồng. Thế mà có 2 vợ chồng tảo tần yêu thương nhau, san sẻ từng bữa ăn chỉ có 5.000 đồng, rau cháo qua ngày, thuận hòa đầy yêu thương.

Tuy ít ỏi là vậy, song giá bữa ăn cầm dạ này của một số người lại đủ trang trải cho một ngày ăn uống của đôi vợ chồng già mang bệnh tật ở ngoại thành Hà Nội.

Ấy là bữa ăn của ông Nguyễn Văn Tài (78 tuổi) bị điếc và bà Nguyễn Thị Đầm bị mù ở thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Gia cảnh khó khăn, tuổi già sức tàn nên không cấy hái được.

Ông Tài và bà Đầm lấy nhau từ năm 1943, lần luợt sinh ra 4 người con: Nguyễn Thị Bung, Nguyễn Thị Ninh, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Bột. Song người con gái đầu mất tích đến nay đã 29 năm, con trai út mất từ năm 19 tuổi, hai người con còn lại của bà đều nghèo nên ít có điều kiện.

Anh Bình làm thợ đào giếng, thợ xây kết hôn với chị Nguyễn Thị Thảo (44 tuổi) người cùng làng và sinh được 3 người con, 2 người con đầu đã lấy chồng ở xa, hiện con út đang đi dạy tại Hà Nội.

Do vậy, ông bà phần lớn đều sống dựa vào nhau và tiền trợ cấp hộ nghèo của Nhà nước. Trước đây, chỉ có mỗi ông được hưởng và chỉ được 350.000đ/tháng. Nhưng về sau (năm 2016), do có cháu ngoại đưa ông bà đi giám định sức khỏe để làm chế độ, thì cả ông và bà mới được hưởng trợ cấp 700.000đ/tháng/người.

Ông bưng nước chè cho bà uống.

“Ăn xong không nên nằm ngay, dậy uống nước đi bà ơi!”

Căn nhà cấp 4 này, tọa lạc trên một đồi cao, cách đường nhựa khoảng 200m làm cho việc đi lại của ông bà rất khó khăn, nhất là những lúc trời mưa.

Ban đầu nó chỉ là ngôi nhà đất, nhưng từ khi Hợp tác xã Đồng Lư và nhân dân góp sức xây mới (2006) thì ông bà mới có chỗ ở được như thế này. Bên cạnh gian nhà là căn bếp – là nơi đun nấu, chứa củi,… nhưng đến cả cánh cửa cũng không hẳn hoi – mà chỉ được ghép gượng từ những thanh tre, thanh nứa,… để tránh mưa hắt vào.

Ông bà không nuôi gà vịt, vì phía trước nhà có một cái vực, nên nếu nuôi không may mà chúng sẩy xuống thì mất trắng. Tuy nhiên, còn có một mảnh vườn rộng 360m2 ngay cạnh nhà , trồng dăm ba loại rau quả: cây giềng, ổi, chuối, mít,… gọi là có chút hương vị của quê.

Ông kể, do sức khỏe yếu nên cứ 2 ngày ông đi chợ một lần, mỗi lần mua 20.000đ tiền thức ăn chia cho 4 bữa (trưa, chiều), còn 2 bữa sáng không ăn.

Do những biến chứng của bệnh mắt, lại không có điều kiện đi khám, nên đến 2015 bà chính thức bị mù. Từ đó đến nay, mỗi khi ăn cơm ông đều phải gắp thức ăn cho bà, bưng nước tận tay thì bà mới uống được.

Tuy nhiên, theo lời chị Ninh (người con thứ 2), bà bị mù nhưng khỏe hơn ông nhưng do không nhìn thấy gì nên chỉ suốt ngày quanh quẩn, mọi việc nặng nhẹ đều do ông làm hết. Sức khỏe ông yếu nên thường chỉ đi chợ, cơm nước, gánh nước (vì nhà chưa có giếng khoan), đi lấy trợ cấp,…

Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng ông vẫn hết sức yêu thương và chiều bà.

Chị Ninh kể: "Tôi lập gia đình tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, cách nhà 3km. Do cuộc sống khó khăn, phải tập trung làm ăn, trước kia thì cứ một tháng tôi về 1 lần nhưng nay thấy sức khỏe hai cụ yếu đi nên tôi cố gắng thu xếp 1 tháng về 2 lần".

Sau khi có bài báo đăng tải về bữa cơm 5.000 đồng của ông bà, đã có nhiều mạnh thường quân, các nhà hảo tâm đến thăm, biếu tặng ông bà nào quạt, nồi cơm điện, ấm giữ nhiệt, chảo, bát đũa, rổ rá thau chậu; gạo, mỳ tôm, bánh kẹo, gia vị, dầu ăn, nước mắm, bột giặt, sữa, rau quả,…

Có rất nhiều đôi vợ chồng già khiến chúng ta ngưỡng mộ khi tình yêu của họ lúc đầu bạc răng long vẫn như mới ngày đầu.

Trước đó không lâu, cộng đồng mạng xôn xao với bức ảnh cụ ông dong xe chở theo cụ bà phía sau đi bán mít chín trong vườn. Nhiều người không khỏi ngưỡng mộ hành động lãng mạn của cặp vợ chồng già này. Dù da đã nhăn, tóc đã bạc phơ, đạp từng vòng xe có thể là việc quá sức, nhưng ông vẫn chiều bà, dẫn xe chậm rãi đèo bà phía sau.

Bài viết ngay khi vừa đăng tải đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng: hơn 13.000 lượt yêu thích, hàng trăm bình luận, chia sẻ.

Hình ảnh đẹp gây sốt cộng đồng mạng. (Ảnh: Internet)

 

"Ông bà ngoại mình cũng vậy. Gần 80 tuổi cả rồi, nhưng còn tình cảm lắm! Ngày nào ông cũng chở bà đi chợ, vườn có rau quả gì là hai ông bà hái rồi cùng đi bán. Chỉ ước sau này mình cũng được yêu thương như vậy thôi"- tài khoản M.L bình luận.

"Mình thì bị máy bay delay. Đi một mình, về cũng một mình. Nhìn hai cụ đêm khuya cứ dắt nhau đi lại giữa sân bay thấy tình cảm quá. Không biết sau này thế hệ mình có được như các cụ ngày xưa không"- tài khoản U.P bình luận.

"Cảm phục hai cụ. Yêu thương nhau đến đầu tóc bạc và tuổi đã ở bên kia sườn dốc mà vẫn rất tình cảm. Tiền bạc vật chất đúng là quý, nhưng quý nhân trọng nghĩa, sống tình nghĩa với nhau là điều tuyệt vời nhất" - tài khoản P.T bình luận.

"Hôm nọ ăn cơm bụi, có hai cụ vào ăn. Hai cụ là khách xa nhỡ đường. Cụ ông gắp thức ăn cho cụ bà. Nhìn cảm động không chịu được. Không biết sau này lấy vợ, có tình cảm bằng nửa các cụ bây giờ không"- tài khoản K.M bình luận.

Không chỉ riêng chuyện tình ngọt ngào trong ngày Ngưu Lang- Chức Nữ của đôi vợ chồng già ở Thái Nguyên, mà đâu đó vẫn còn nhiều điều ngọt ngào như thế.

Tưởng đâu chuyện hẹn hò nhau trong rạp phim chỉ dành cho những đôi tình nhân trẻ, thì thời gian gần đây, cộng đồng mạng không khỏi xôn xao với đôi vợ chồng cao tuổi dắt tay nhau đến rạp phim: “Hôm nay lúc mình trực ca, có hai cụ bước vào hỏi vé xem phim bao tiền một cái. Đi làm bao năm nay mà lần đầu mình thấy cảnh tượng này, hai cụ trông ít cũng 70 tuổi rồi. Nghe mình giải thích giá vé xong, cụ bà lắc đầu bảo: "Thôi đắt quá, đi về thôi". Nhưng cụ ông thong thả lấy tiền ra bảo mình: "Cho tôi hai vé nào, bà ấy cứ ao ước được đi rạp chiếu phim một lần đấy". Mình thực sự rất cảm động, nhưng lại không dám xin trả tiền vé hộ hai cụ, sợ hai cụ ngại”.

Lần đầu hẹn hò rạp phim của đôi vợ chồng ngoài 70. 

Một câu chuyện ngọt ngào khác về đôi vợ chồng tóc bạc phơ nắm tay nhau đến bệnh viện được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng. Tuổi đã cao, chân đi chẳng vững vàng, ông vẫn ân cần chăm nom, dỗ dành bà sau những lo toan về bệnh tình: “Có tôi ở đây rồi. Bà cứ bám chặt tay tôi vào nhé!”.

 Cụ ông ân cần động viên chăm nom bà sau những lo toan về bệnh tình.

Cách đây không lâu, cộng đồng mạng từng xôn xao với bức ảnh cụ ông Nguyễn Đức Đạm và cụ bà Nguyễn Thị Quế ngoài trăm tuổi vẫn hạnh phúc yêu thương nhau như ngày còn trẻ. 61 năm bên nhau, có với nhau 6 người con, bao khó khăn thời trẻ ông bà đã trải qua thì giờ đây khi con cái đã trưởng thành ông bà không quên dành cho nhau nhiều cử chỉ ân cần: bón cơm, thay quần áo hay dắt tay nhau đi lễ nhà thờ...

 Ngoài trăm tuổi, hai cụ vẫn minh mẫn chăm sóc nhau.

Bức ảnh gây bão trong năm vừa qua: cụ ông cụ bà ở Thái Nguyên tình cảm ôm hôn và tựa đầu vào nhau khiến không ít người ganh tị. Dấu ấn nguyên vẹn của thời gian với gương mặt nhăn nheo, bộ quần áo đã sờn vai cũ kĩ, nhưng chỉ có tình cảm của hai cụ là điều trường tồn, bất biến. Niềm hạnh phúc ánh lên trong mắt hai cụ làm xóa đi màn sương giá rét nơi phố núi về khuya.

Niềm hạnh phúc giản đơn giữa đêm đông phố núi. 

Tác giả: Vân Tiên