Châu chấu là một loại côn trùng nên nhiều người thấy sợ nhưng nhiều cư dân thì món ăn này rất ngon, đặc biệt vào mùa hè và cuối năm khi thu hoạch lúa. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi thường gặp loại châu chấu khi gặt lúa và được bán giá tương đối cao. Có nơi giá châu chấu ngoài chợ lên tới 200.000 đồng.kg.
Châu chấu nhiều dinh dưỡng
Châu chấu tên đông y là trách mãnh đều thuộc họ Acrididae, thuộc bộ cánh thẳng. Châu chấu có protein cao, trong 100gram châu chấu có tới 24,3% protid, 3,6% lipid, 210mg canxi, 270mg photpho, 0,4mg sắt và cung cấp 113 calo.
So với thịt gà thì châu chấu giàu canxi gấp 10 lần. Một số nghiên cứu chỉ ra trong não bộ của loại động vật này có 9 loại phân tử có thể tiêu diệt các vi khuẩn trong đó có vi khuẩn tụ cầu MRSA kháng meticillin và E.coli.
Về phương diện đông y, châu chấu là côn trùng quen thuộc và gần đây được sử dụng nhiều để làm món ăn. Trong đông y, châu chấu có vị ngọt, cay, tính ấm và có tác dụng bồi bổ cơ thể, bình suyễn, trấn kinh… Có thể dùng châu chấu để điều trị suy dinh dưỡng, kinh phong ở trẻ em, hỗ trợ điều trị thủy đậu, ho gà, sởi.
Châu chấu trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người và bây giờ trở thành món đặc sản đắt giá trên bàn nhậu của nhiều nhà hàng. Thế nên dù châu chấu được xem là có lợi cho sức khỏe thì cũng rất cần lưu ý rằng protein trong châu chấu dễ biến đổi sinh độc hại khi để lâu, không còn tươi. Một số người có thể bị dị ứng gây ra sốc phản vệ khi ăn châu chấu.
Chính vì thế để ăn châu chấu cho an toàn và hưởng lợi ích bạn nên chú ý:
Khi mua châu chấu nên chọn loại còn sống, khi làm châu chấu cần nhặt bỏ kỹ lưỡng những con chết, thân đen vì khi đó chúng bị biến đổi chất nguy hiểm. Châu chấu khi chết sẽ bị phân hủy rất nhanh vì trên cơ thể có sẵn các loại vi khuẩn, nấm vì thế nếu tiếc rẻ hoặc cố tình ăn dễ bị ngộ độc.
Khi mua châu chấu về cần đun nước sôi thả châu chấu vào luộc rồi bỏ nước đi, sau đó mới cho châu chấu vào rang. Châu chấu ngoài môi trường dễ bị ký sinh trùng xâm nhập nên sơ chế qua nước sôi sẽ an toàn cho người dùng. Bạn có thể dùng rượu trắng và muối để luộc châu chấu cho sạch.
Châu chấu không nên ăn nhiều một lúc vì có thể gây sót tiểu, khó tiểu, nước tiểu vàng. Vì hàm lượng dinh dưỡng cao nên bạn cũng không nên ăn nhiều một lúc sẽ khó tiêu hóa.
Châu chấu cũng như các loại thực phẩm khác, có người ăn không sao nhưng có người ăn vào sẽ bị dị ứng, điều này phụ thuộc vào cơ địa mỗi người. Do vậy, khi ăn cần phải nghe ngóng cơ thể, ăn từ từ, vừa ăn, vừa theo dõi để tránh dị ứng, ngộ độc. Đã từng có trường hợp nhập viện nguy kịch vì dị ứng châu chấu. Hơn nữa loại này có sự biến đổi protein rất nhanh và có thể bị vi khuẩn ký sinh trùng xâm nhập nên không phải lần nào chúng cũng gây dị ứng hoặc không. Do đó khi ăn châu chấu dù bạn chưa từng dị ứng thì vẫn nên ăn từ từ để đo lường, đặc biệt ở người có cơ địa dị ứng.
Châu chấu phải chế biến kỹ, tránh việc để châu chấu sống trong tủ lẫn cùng thức ăn chín khác vì có thể gây nhiễm khuẩn chéo gây ngộ độc.
Món ăn này có thể lạ với nhiều người, hoặc sau một thời gian không ăn thì cơ thể không quen nên bạn cũng không nên ăn nhiều để tránh gây áp lực cho tiêu hóa.
Tác giả: An Nhiên