Hiện nay cả nước, tất cả những người đủ 14 tuổi trở lên đều được cấp giấy tờ tuỳ thân là căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Khi người dân nhận CCCD gắn chip, cần xử lý CMND cũ như sau để tránh gặp rắc rối, phiền hà sau này.
CMND cũ được xử lý như thế nào khi công dân đi làm CCCD?
Theo Điều 15 Thông tư 07/2016/TT-BCA (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 40/2019/TT-BCA), khi đổi sang CCCD gắn chip thì việc xử lý CMND được quy định như sau:
Trường hợp CMND 9 số và 12 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì cấp giấy hẹn trả thẻ CCCD gắn chip cùng CMND chưa cắt góc cho công dân để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ CCCD gắn chip. Khi trả thẻ CCCD gắn chip, tiến hành cắt góc CMND, ghi vào hồ sơ và trả lại CMND.
Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ CCCD gắn chip qua đường chuyển phát thì tiến hành cắt góc và trả CMND ngay khi làm hồ sơ.
Theo đó, khi thực hiện làm CCCD gắn chip thì CMND 12 số và 9 số còn rõ nét sẽ bị cắt góc và trả lại cho người dân và CMND bị cắt góc không còn giá trị pháp lý và thẻ đó bị hủy.
Sau khi có thẻ CCCD gắn chip mới, người dân cần làm gì?
Sau khi nhận được CCCD, công dân cần xin giấy xác nhận số CMND khi chuyển sang thẻ CCCD gắn chip để đồng bộ thông tin với các giao dịch dân sự . Nếu bạn đăng ký nhận thẻ CCCD gắn chip mới qua đường bưu điện mà không có giấy xác nhận nếu có nhu cầu thì vẫn có thể liên hệ nơi bạn làm CCCD để được cấp thêm.
Khi làm các thủ tục như đăng ký tài khoản ngân hàng, bảo hiểm xã hội,… người dân sử dụng CMND 9 số thì khi được cấp CCCD gắn chip mới, việc cấp giấy xác nhận số CMND cũ tạo thuận lợi cho người dân lẫn các cơ quan, tổ chức khi thực hiện thủ tục xác nhận. Nếu không kịp xin giấy xác nhận này, cũng không phải lo lắng, bạn phải luôn đem theo bên mình giấy tờ cũ mặc dù nó đã bị cắt góc hoặc đục lỗ. Còn nếu như CMND bị mất, hoặc hư hỏng nặng, tốt nhất bạn nên xin giấy xác nhận này cho chủ động mọi công việc.
Để tránh gặp rắc rối, phiền hà sau này với thẻ CMND cũ người dân nên giữ lại bản gốc, chụp lại tất cả thông tin trên thẻ CMND cũ có cắt góc. Việc làm này là cần thiết bởi vì rất nhiều thông tin quan trọng đều liên quan đến thẻ CMND cũ như các tài khoản trên các ứng dụng hoặc các ví điện tử, tài khoản ngân hàng,... thường yêu cầu người dân nhập các thông tin như số CMND, địa chỉ thường trú, ngày cấp, nơi cấp,...Mặt khác, các giấy tờ trước đây như tờ khai sơ yếu lý lịch, giấy tờ tùy thân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội,... đều có liên quan đến thông tin CMND cũ. Chính vì vậy, khi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cập nhật đồng bộ và đầy đủ, tốt nhất người dân nên lưu giữ lại tất cả các thông tin này để thuận tiện trong quá trình giao dịch.
Theo Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014, thời hạn cấp CCCD có thể kéo dài từ 7 ngày cho đến không quá 20 ngày làm việc. Nếu trong khoảng thời gian này người dân có làm các thủ tục hành chính thì cần có CMND cũ photo công chứng đầy đủ để chủ động mọi tình huống có thể xảy ra.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Số CCCD gắn chip chứa thông tin gì về chủ thẻ?
-
Sau khi sổ hộ khẩu bị thu hồi, người dân làm Căn cước công dân gắn chip thế nào?
-
3 mốc tuổi cần đổi CCCD gắn chip ngay nếu không muốn bị phạt
-
Thẻ CCCD gắn chip và 12 thông tin quan trọng mà người dân nên biết để không thiệt thòi
-
5 loại giấy tờ cần cập nhật ngay sau khi làm thẻ CCCD gắn chip để tránh gặp rắc rối