Hiện nay, F0 cách ly điều trị tại nhà chiếm số lượng rất lớn, do số ca mắc mới tăng quá nhanh, hệ thống y tế quá tải.
Mặc dù đáp ứng những điều kiện nhất định mới có thể cách ly tại nhà, nhưng F0 có thể trở nặng bất cứ lúc nào. Vì thế, người bệnh cần nắm vững những kiến thức cơ bản để bảo vệ mình.
Thời điểm F0 tại nhà cần thở oxy
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số bệnh nhân mắc COVID-19 trong nước vẫn liên tục tăng, TP HCM và một số tỉnh có ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh đã cho F0 điều trị tại nhà. Việc F0 điều trị tại nhà sẽ giảm tải cho ngành y tế, giúp lực lượng y tế có thời gian tập trung điều trị các ca bệnh nặng. Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp F0 tại nhà cần sử dụng máy tạo oxy nhưng chưa biết chính xác phải làm thế nào.
Trao đổi với Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh, trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, giảng viên Đại học Y dược TP HCM về việc F0 điều trị tại nhà thở oxy như thế nào cho đúng, TS.BS Như Vinh cho hay, đối với bệnh nhân mắc COVID-19 khi chuyển biến nặng, oxy có vai trò rất quan trọng. Thời điểm được khuyên thở oxy là khi bệnh nhân tự đo nồng độ bão hòa oxy trong máu dưới 95%.
Đối với những trường hợp bệnh nhân không có thiết bị đo nồng độ bão hòa oxy trong máu, nếu cảm thấy khó thở thì cũng nên dùng oxy. Đối với một người bình thường, khi lượng oxy nhiều hơn một chút cũng không ảnh hưởng tới sức khoẻ. Do đó, nếu F0 điều trị tại nhà cảm thấy khó thở, trong nhà có sẵn máy thở oxy thì vẫn có thể dùng.
Bác sĩ Như Vinh khuyến cáo: "Trong trường hợp SPO2 đo dưới 94%, bệnh nhân ngoài thở oxy thì cần phải được điều trị. Theo phác đồ của Sở Y tế TP HCM hiện nay, khi đó bệnh nhân sẽ phải uống thuốc kháng viêm, kháng đông. Trong lúc đó, bệnh nhân phải báo cho nhân viên y tế biết để nhân viên y tế tới hỗ trợ. Các bệnh nhân F0 tuyệt đối lưu ý không nên có quan điểm có máy thở tại nhà, có thuốc là an tâm điều trị. Lý do là bệnh COVID-19 tương đối phức tạp phải có người theo dõi. Trong trường hợp không ai theo dõi thì phải uống thuốc, thở oxy và báo cho nhân viên y tế địa phương, gọi 115, gọi bác sĩ quen… để hỗ trợ"
Liều thở oxy an toàn
Theo TS. Như Vinh, thông thường các máy thở oxy có tối đa 5 lít/ phút, một số máy lên tới 5-7 lít/ phút. Các loại máy thở oxy này đều có thể sử dụng khi bệnh nhân F0 khó thở. Nếu bệnh nhân thở oxy tại nhà mà Sp02 không lên được 95% thì cần phải gọi nhân viên y tế hỗ trợ.
"Bệnh COVID-19 gây ra thiếu oxy cho nên không có chuyện ngộ độc oxy. Tuy nhiên, cần lưu ý đối với người có bệnh lý nền phổi tắc nghẽn mãn tính khi thừa oxy lại gây ra ức chế hô hấp (ngộ độc y tế)".
Đối với bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính có 2 vấn đề: bệnh nhân bị thiếu oxy mạn; ứ chất C02 trong phổi. Khi đó, nếu bệnh nhân thở oxy liều cao, cơ thể sẽ nhận biết đã đủ và gây ra tình trạng ức chế hô hấp, cùng với đó sẽ làm tăng ứ đọng khí CO2 gây ra tình ra ngộ độc.
"Còn đa phần các trường hợp F0 còn lại khi bệnh nhân thở oxy thấy dễ chịu thì không cần phải tăng oxy.
Nguyên tắc khi thở oxy là phải thở từ thấp lên cao. Ví dụ, bệnh nhân ban đầu thở ở mức thấp sau 15 phút thấy còn khó thở lại tiếp tục tăng lên một chút. Khi nào bệnh nhân thở cảm thấy dễ chịu thì duy trì ở mức thở đó. Nếu bệnh nhân có dụng cụ đo SpO2 ngón tay, đo được lên 95% thì là ngưỡng an toàn, không nên tăng liều oxy thêm", TS.BS Như Vinh lưu ý.
BS CK II Đoàn Thị Anh Đào, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết khi đo SpO2 dưới 93% cần phải nhanh chóng nhập viện. Với số đo nồng độ bão hoà oxy trong máu này, bệnh nhân dùng máy tạo oxy tại nhà có thể nguy hiểm tới tính mạng. Với các máy tạo oxy tại nhà, liều oxy thường thấp, khó có thể cải thiện được tình trạng suy hô hấp cho bệnh nhân. Lúc này bệnh nhân mắc COVID-19 cần phải dùng tới máy tạo oxy áp lực rất cao (HFNC).
Đối với bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà thời điểm từ ngày thứ 5 - ngày thứ 7 cần phải đặc biệt lưu ý vì đây là thời điểm bệnh diễn biến rất nhanh.
"Trên thực tế có rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 nhìn bề ngoài vẫn tươi tỉnh nhưng khi đo nồng độ oxy đã dưới 93%. Khi bệnh nhân có nồng độ oxy thấp như vậy, với các máy thở oxy thông thường dùng tại nhà liều từ 1-2 lít/ phút sẽ không cải thiện được tình trạng suy hô hấp", bác sĩ Anh Đào khuyến cáo.
Tác giả: Thạch Thảo
-
8 lần tự test nhanh Covid-19 tại nhà đều âm tính, đi làm xét nghiệm lại thì cả nhà cùng dương tính
-
'Mẹ đẻ' của vắc-xin AstraZeneca: Bỏ cơ hội kiếm triệu USD để vắc-xin được bán với giá rẻ, cứu hàng triệu người
-
Vừa tiêm vắc xin mấy ngày thì dương tính với Covid-19 là sao: Bác sĩ phân tích để mọi người hiểu
-
Thai phụ 29 tuần đông đặc phổi, 23 ngày thở máy, 7 lần lọc máu: Giờ hồi phục thần kỳ, mẹ con đều khỏe
-
Ông chủ bếp ăn từ thiện qua đời vì Covid-19: "Anh dương tính rồi, em ráng tiếp tục nha"