Hà Nội thêm 1 ca Covid-19 trong cộng đồng tại Hoàng Mai

( PHUNUTODAY ) - Sáng 20/9, Sở Y tế Hà Nội ông báo từ 18 giờ ngày 19/9 đến 6 giờ ngày 20/9 ghi nhận 3 ca bệnh, trong đó 2 ca tại khu cách ly, 1 ca tại cộng đồng.

Các ca bệnh phân bố tại các quận, huyện: Hoàng Mai (1), Đống Đa (2). Phân bố theo chùm ca bệnh: Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt (2). Chùm sàng lọc ho, sốt cộng đồng (1)

Cụ thể:

Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt (2):

1) N.T.Đ, Nam, sinh năm 2016. Địa chỉ: Văn Chương, Đống Đa. BN là F1 (con) của BN N.B.V. Ngày 19/9 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

2) N.M.T, Nam, sinh năm 2019. Địa chỉ: Văn Chương, Đống Đa. Dịch tễ: BN là F1(con) của BN N.B.V. Ngày 19/9 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Trong đó, 1 ca mắc mới trong cộng đồng:

L.T.T.H, Nữ, sinh năm 1980. Địa chỉ: Vĩnh Hưng, Hoàng Mai. BN làm nghề kinh doanh tự do, nghỉ làm ở nhà gần 2 tháng nay, (hàng ngày thường ở nhà, có đi chợ mua đồ ăn tại chợ và siêu thị gần nhà). Ngày 19/9 bệnh nhân đi xét nghiệm sàng lọc cho kết quả dương tính.

Ảnh minh hoạ Internet

Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 3.925 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.598 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.327 ca.Sau một thời gian dài giãn cách xã hội, khoảng 2/3 quận huyện tại Hà Nội đã được coi là "vùng xanh", chuyển sang trạng thái "bình thường mới". TP cho phép một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên những địa bàn này được hoạt động trở lại từ ngày 16/9.

Vietnamnet dẫn lời PGS.TS Nguyễn Việt Hùng- Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, nên tập trung vào 5 nhóm giải pháp để có thể làm tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, tiếp tục duy trì tiến độ tiêm vắc xin để tăng độ bao phủ, những người đã tiêm mũi 1 cần được tiêm mũi 2 đúng thời gian quy định. Lưu ý, đẩy mạnh truyền thông, động viên để những trường hợp nguy cơ cao diễn tiến nặng và tử vong khi mắc Covid-19 như người cao tuổi, người có bệnh lý nền được tiêm đủ liều vắc xin. Tăng cường truyền thông để tránh tình trạng lựa chọn vắc xin mà trì hoãn tiêm chủng.

Thứ hai, tăng cường xét nghiệm nhưng tập trung nhất vào những khu vực có nguy cơ, nhóm người nguy cơ.

Xét nghiệm là nhằm phát hiện sớm ca bệnh, giúp cách ly, phong tỏa sớm ổ dịch. Do vậy, khi đã triển khai xét nghiệm, cần đẩy mạnh tiến độ, cố gắng trả sớm kết quả (trong vòng 12 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu đối với xét nghiệm RT-PCR) để phát huy tối đa tác dụng của xét nghiệm, tránh lãng phí mà không hiệu quả.

Nếu năng lực địa phương chưa đáp ứng đủ, có thể nhờ sự hỗ trợ của các Bệnh viện trung ương hoặc các tỉnh thành lân cận để đảm bảo thời gian trả kết quả xét nghiệm. Ưu tiên sử dụng test nhanh kháng nguyên khi sàng lọc ngoài cộng đồng; hướng dẫn và khuyến khích người dân tự xét nghiệm định kỳ.Thứ ba, phong tỏa chặt ổ dịch. Theo PGS Hùng, những khu vực nào còn F0 phải được phong toả thật chặt. Tuy nhiên, phong tỏa nên “thật gọn”, tùy mức độ nguy cơ mà thực hiện với từng tòa nhà, từng tầng, từng ngõ xóm chứ không cần thiết phải phong tỏa cả vùng rộng lớn.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò giám sát của tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, khu tập thể… để tránh tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”. Bởi người dân trong khu vực phong tỏa là những đối tượng nguy cơ cao nhiễm bệnh, nếu không kiểm soát tốt việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sẽ làm tăng số lượng F0, lan truyền dịch ra ngoài khu vực phong tỏa.

Thứ tư, triển khai cách ly F1, quản lý và điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà. PGS Hùng đề xuất Hà Nội nên triển khai sớm việc cách ly, theo dõi y tế tại nhà. Bên cạnh đó, không nên kéo dài thời hạn cách ly quá 2 tuần.

Thứ năm, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K, kể cả tại khu vực “vùng xanh”. Theo PGS Hùng, Hà Nội nên đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để người dân tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Cần tăng cường giám sát người dân, với trường hợp vi phạm phải xử phạt nghiêm.

Tác giả: Minh Tú