Ký hiệu cực đặc biệt trên tấm thẻ BHYT hưởng số tiền cao nhất, vô tình bỏ qua sẽ rất thiệt thòi

( PHUNUTODAY ) - Bài viết này sẽ chỉ ra cho bạn cách “đọc” mã thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), mặc dù trên tấm thẻ không ghi mức hưởng.

Mã thẻ BHYT bao gồm 15 ký tự, được chia thành 4 ô. Trong đó:

1. Ô thứ nhất (gồm 2 ký tự): là mã đối tượng tham gia BHYT.

2. Ô thứ hai (gồm 1 ký tự): được ký hiệu bằng số (theo thứ tự từ 1 đến 5), là mức hưởng BHYT.

Cụ thể

– Số 1: được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) thuộc phạm vi chi trả BHYT và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế; chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện (quận) lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

– Số 2: được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT và có giới hạn thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế; chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện (quận) lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

– Số 3: được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT và có giới hạn thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế; 100% chi phí KCB tại tuyến xã (phường) và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở (tương đương với 208.500 đồng hiện nay).

– Số 4: được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT và có giới hạn thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế; 100% chi phí KCB tại tuyến xã (phường) và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở (tương đương với 208.500 đồng hiện nay).

– Số 5: được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB, kể cả chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng BHYT; chi phí vận chuyển.

3. Ô thứ ba (gồm 2 ký tự): được ký hiệu bằng số (từ 01 đến 99), là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi phát hành thẻ BHYT.

4. Ô thứ tư (gồm 10 ký tự): là số định danh cá nhân của người tham gia BHXH, BHYT.

Bây giờ, bạn có thể tự xem trên thẻ BHYT của mình để biết mức hưởng là bao nhiêu rồi đó!

Để được hưởng BHYT khi khám chữa bệnh, cần mang theo giấy tờ gì?

– Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, chỉ cần mang theo thẻ BHYT. Chỉ trong trường hợp chưa được cấp thẻ BHYT thì phải mang theo bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh.

Trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở KCB và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án làm căn cứ thanh toán theo quy định và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.

– Đối với trường hợp đang trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT thì phải mang theo giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT và một loại giấy tờ chứng minh nhân thân.

– Đối với trường hợp còn lại thì phải mang theo thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.

Tác giả: Mộc