Những địa điểm lễ chùa du xuân đầu năm mới nổi tiếng nhất miền Bắc (P.1)

( PHUNUTODAY ) - Mỗi khi Tết đến xuân về là dịp các gia đình đi chùa cầu cho một năm mới an lành, may mắn. Dưới đây là những ngôi chùa linh thiêng nhất miền Bắc nên đến trong dịp Tết Âm lịch.

Chùa Bái Đính – Ninh Bình

Chùa Bái Đính nằm trong quần thể Danh thắng Tràng An, cách trung tâm thành phố Ninh Bình 15 km, cách thủ đô Hà Nội khoảng 95 km; nằm ở phía Tây khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình. Tới Bái Đính, người ta không thể không nhắc tới những kỉ lục mà nó sở hữu: ngôi chùa lớn nhất Việt Nam; tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; chuông đồng lớn nhất Việt Nam; hành lang La Hán dài nhất Đông Nam Á… Năm 2010, chùa Bái Đính cũng là nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam.

 Toàn cảnh chùa Bái Đính

Với quy mô hoành tráng, kiến trúc đồ sộ với những chi tiết được trạm khắc tinh tế, chùa Bái Đính khiến du khách không khỏi choáng ngợp. Ngôi chùa này là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc; những bức tượng đồng được thể hiện tinh tế, tái hiện những linh vật hay tượng Phật; những bức tường vẽ mây vờn núi cùng không gian thanh tịnh khiến mỗi bước chân của du khách đều thư thái, tâm thanh tịnh lạ thường.

Phủ Tây Hồ - cầu tài lộc

Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất trong hệ thống đình chùa của Hà Nội. Không chỉ những người dân Hà Nội, mà đa số du khách khắp nơi khi đến thăm Hà Nội thì đều đến thắp hương cầu phúc ở Phủ Tây Hồ.

Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía đông của Hồ Tây. Ở ngay đầu làng có một ngôi đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên đã được dân gian thần thánh hoá tôn làm Thánh Mẫu (Thánh Mẹ). Hàng năm cứ sau thời khắc giao thừa, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây.

 Phủ Tây Hồ

Hai bên đường dẫn vào Phủ là các hàng bán hoa quả, hương, oản, bánh kẹo, những cành vàng lá ngọc lấp lánh. Nhiều ông đồ cắm cúi viết sớ không kịp nghỉ tay trước hàng đoàn người đứng xếp hàng chờ đến lượt. Việc chen chân vào để đặt được lễ trong phủ thật khó, và không ít người phải đặt lễ lên đầu, hoặc phải bái vọng từ ngoài vào...

Quốc Tử Giám – xin chữ

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày đầu năm khách ra vào nườm nượp. Khách chủ yếu là những học sinh, có em được cha mẹ đưa đến cầu mong một năm mới học hành tấn tới, đỗ đạt.

Nói là "xin chữ" nhưng chính xác ra là mua chữ, giá trung bình năm nay cho một chữ mực tàu giấy đỏ cỡ 100.000 đồng. Bức tường bên phố Quốc Tử Giám dài khoảng trăm mét có tới dăm chục ông đồ, già có, trẻ có ngồi cặm cụi hành nghề. Đa số họ đều là thành viên CLB Thư pháp Hà Nội.

 Người người kéo đến Quốc Tử Giám xin chữ

Sáng mồng Một đi xin chữ thánh hiền, lòng người như phơi phới và thanh tao, cả người cho lẫn người xin. Nhiều bậc cha mẹ cùng con cái ríu rít tới xin chữ. Ấy vậy nên, các thầy đồ lấy bao nhiêu tiền một chữ, ai nấy đều vui vẻ rút hầu bao, không mặc cả thêm bớt như đi mua sắm món hàng hóa thông thường.

Chùa Hương – Cầu bình an

Chùa Hương gồm cả một quần thể chùa Hương Sơn gồm vài chục ngôi chùa thờ phật, vài ngôi đền thờ thần, ngôi đền đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm của chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn huyện Mỹ Đức Hà Nội. Chùa Hương là quần thể chùa được người dân cả nước yêu thích lựa chọn là địa điểm hành hương vào dịp năm mới, vừa đi cầu bình yên tài lộc lại có thể vãn cảnh chùa vô cùng hoành tráng với sông nước đền đài .

 Chùa Hương

Mỗi năm có trên một triệu du khách hành hương kéo dài từ mùng 6/1 đến hết tháng 3 âm lịch. Với nhiều quần thể đền chùa hoành tráng như đền Trần, động Hương Tích, đền cửa võng, chùa Giải Oan, chùa Thiên trù… chắc chắn sẽ khiến bạn may mắn cả một năm sau khi trở về.

Đền Trần – xin ấn

Cứ ngày 14 tháng riêng âm lịch hàng năm, Nam Định tổ chức lễ khai ấn Đền Trần, nơi thờ các vị vua đời Trần. Dù chỉ đêm 14 tháng Giêng mới khai ấn đền Trần nhưng mới mùng 7, mùng 8 Tết, phủ Thiên Trường Nam Định đã tấp nập du khách thắp hương, vãn cảnh đầu xuân. Vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều người đổ về khu di tích Đền Trần, Nam Định xin ấn để cầu tài, cầu lộc, vạn sự như ý.

Đền Trần (Trần Miếu) thuộc Tức Mặc, phường Lộc Vượng, Mỹ Lộc, Nam Định. Đền Trần là công trình thờ tự có từ lâu đời, thờ 14 vị vua triều Trần. Khai ấn đầu năm là một hoạt động văn hoá mang đậm dấu ấn của triều đại phong kiến nước ta.

 

Thế nên, dù Đền Trần có hơn hai chục ngày lễ nhưng Lễ khai ấn là đại lễ được mong đợi nhất trong năm. Theo tương truyền, ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 - 24h của ngày 14 tháng giêng. Vì vậy hàng vạn, hàng triệu người khắp nơi đổ về Đền Trần chen chúc, xô đẩy nhau cũng chỉ mong xin được ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy.

Để xin được ấn vua ban lúc nửa đêm, người ta phải xếp hàng, xin thẻ từ trước đó rất lâu, hoặc đến thời điểm khai ấn. Loại này được đóng trên giấy điệp vàng là dành cho "thường dân".

Còn có một loại ấn được đóng trên tấm lụa đỏ, loại này chỉ có rất ít, và chỉ dành cho các quan chức cấp tỉnh, Trung ương về dự. Cứ 10 khắc trên lụa đỏ chỉ có 1 tấm duy nhất là có giá trị vì được cắt ra từ tấm áo hoàng bào của các đời vua. Và nếu ai may mắn được tấm lụa đó thì coi như đã đắc lộc, đắc thọ. 

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang