Số ca bệnh tăng nhanh: VN cập nhật phác đồ điều trị, thêm triệu chứng lâm sàng ở người nhiễm virus nCoV

( PHUNUTODAY ) - Mới đây, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam đã được Bộ Y tế bổ sung, cập nhật.

Thanh niên đưa tin, ngày 14/7, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3416/QĐ-BYT về việc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng SARS-CoV-2.

Virus lây qua không khí

So với phiên bản cập nhật cuối tháng 4 vừa qua, hướng dẫn lần này của Bộ Y tế có bổ sung virus SARS-CoV-2 lây qua đường không khí.

Bộ Y tế nêu rõ: Virus SARS-CoV-2 có khả năng lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp như giọt bắn, hạt khí dung, không khí và qua đường tiếp xúc. Virus cũng có khả năng lây truyền cao tại nơi đông người, cơ sở y tế và trong không gian kín. Hiện virus đang biến đổi liên tục làm tăng khả năng lây lan và khó kiểm soát hơn.

Thêm biểu hiện lâm sàng

Cũng trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế có bổ sung thêm các biểu hiện lâm sàng của người mắc Covid-19.

Bệnh nhân mắc Covid-19 có thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày, trung bình từ 4-7 ngày. Ở giai đoạn khởi phát, người bệnh có triệu chứng thường gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi, đau cơ; ngoài ra còn có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn, tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hơn 80% bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Một số trường hợp thậm chí không có các biểu hiện lâm sàng.

Bên cạnh đó, gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng với thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới lúc chuyển biến nặng là khoảng 5-8 ngày (phác đồ cũ là 7-8 ngày).

Các biểu hiện nặng bao gồm viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện. Trong đó, khoảng 5% bệnh nhân cần điều trị tích cực tại các đơn vị hồi sức tích cực do có các biểu hiện hô hấp cấp như thở nhanh, khó thở, tím tái...; hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch; viêm cơ tim; sốc nhiễm trùng; suy giảm chức năng các cơ quan (bao gồm tổn thương thận, tổn thương cơ tim), dẫn tới tử vong.

Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu bệnh nhân không bị suy hô hấp thì sẽ hết sốt, các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy sự khác biệt về biểu hiện lâm sàng của Covid-19 ở phụ nữ mang thai.

Đối với trẻ nhỏ, đa số các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 có biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn hoặc không có triệu chứng. Dấu hiệu thường gặp ở trẻ là sốt và ho; các biểu hiện viêm phổi nặng có thể dẫn tới tử vong.

Bên cạnh đó, một số trẻ nhiễm SARS-CoV-2 có tổn thương đa qua quan (tương tự bệnh Kawasaki) như sốt, ban đỏ; sung huyết giác mạc; phù nề niêm mạc miệng, bàn chân, tay; suy tuần hoàn; các biểu hiện tổn thương chức năng tim; rối loạn tiêu hóa; rối loạn đông máu; tăng các chỉ số viêm cấp...

Tử vong xảy ra nhiều hơn các các đối tượng thuộc nhóm người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, người đang mắc bệnh mãn tính kèm theo.

Cập nhật phác đồ điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19

Theo VietNamNet, trong phác đồ điều trị mới nhất, Bộ Y tế hướng dẫn phân loại bệnh nhân nhiễm Covid-19 thành 5 mức độ, bao gồm: Không có triệu chứng; mức độ nhẹ (có biểu hiện viêm đường hô hấp trên cấp tính); mức độ vừa (có biểu hiện viêm phổi); mức độ nặng (viêm phổi nặng); mức độ nguy kịch.

Về nguyên tắc điều trị chung, Bộ thống nhất cá F0 có kết quả dương tính hoặc không có triệu chứng sẽ được điều trị tại buồng bệnh thông thường; các trường hợp diễn tiến nặng, nguy kịch điều trị tại buồng hồi sức tích cực.

Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên hỗ trợ và điều trị triệu chứng chủ yếu dựa trên cơ sở cá thể hóa cho từng trường hợp, đặc biệt là đối với các ca bệnh nặng.