Tôi trách mẹ ly hôn nên không thể dạy cứu vãn hôn nhân, nhưng lời tiếp theo của mẹ đã khiến tôi ngỡ ngàng

( PHUNUTODAY ) - Những gì mẹ nói sau khi nghe lời trách móc của tôi đã khiến tôi ngỡ ngàng và nhận ra sai lầm của mình.

Tôi lấy chồng được 5 năm, sinh liên tiếp 2 đứa con. Cuộc sống không thiếu thốn và kinh tế nhưng cũng không quá dư giả. Chúng tôi cũng không vướng bận quá nhiều về gia đình chồng vì chúng tôi ở xa nhau. Nhưng vợ chồng tôi khắc khẩu, cứ nói chuyện là chỉ được vài phút thì có tranh luận. Chuyện cũng đã quen từ khi còn yêu nhau. Thực sự nhiều lúc tôi tự hỏi không biết tại sao ngày ấy chúng tôi cãi nhau liên tục mà vẫn cưới nhau.

Nhiều lần không kiềm chế được, chúng tôi đã tranh luận nảy lửa trước mặt con cái khiến con bé khóc ré lên thì cả hai mới dừng lại. Đối với gia đình tôi, vợ chồng nói lời nhẹ nhàng ngọt ngào mới lạ chứ nói sẵng với nhau mới là bình thường. Mẹ lên thăm tôi và chứng kiến cảnh vợ chồng tôi cãi nhau, bà nói riêng với tôi: “Đàn ông nó bảo thủ nóng tính, thì đàn bà mình nên bớt nói lại, đàn ông chết vì sự nhẹ nhàng, chứ con thắng thua để được gì, một người thắng là cả hai cùng thua thôi”. Tôi bực mình nói lại “Mẹ có thấy anh ấy nói ngang không, không lẽ phụ nữ thì cứ phải xuống nước ngay cả khi chồng sai?”. Mẹ bảo “Không phải ai sai ai đúng, mà con muốn điều gì ở đây thôi. Ở phía người đàn ông cũng thế, nhưng quan trọng chúng ta thay đổi ở phía chúng ta trước đã”.

Trong lúc nóng nảy tôi đã nói với mẹ: “Nếu vậy tại sao ngày ấy bố mẹ ly hôn”. Lời nói ấy của tôi đã khiến mẹ im lặng. Mẹ đi về phòng chơi với các cháu. Đến khi tôi đang giặt quần áo, mẹ ra nói: “Sự đổ vỡ của bố mẹ là một bài học cho con. Ly hôn thì dễ hơn cứu vãn hôn nhân nên đôi khi ai cũng muốn chọn cái dễ để làm. Cứu vãn được hôn nhân mới là khó. Bây giờ nếu con không thắng chồng con thì tự khắc chồng con sẽ dịu lại, khi nào con còn muốn thắng nó thì nó còn mạnh mẽ tranh luận. Người khéo là tưởng như thua nhưng lại thành thắng. Và mẹ đã không cứu vãn được gia đình cho các con là vì ngày ấy, mẹ cũng đã muốn thắng bố con. Bây giờ bố con hạnh phúc hơn, vì người phụ nữ ấy tưởng như luôn luôn ở dưới vế bố con nhưng thực ra cô ấy lại trên bố con vài phần. Trong gia đình khi có một người thắng là tất cả cùng thua, khi không ai thắng thì tức là đều thắng. Mẹ nhận ra mẹ sai nên mẹ chấp nhận trả giá, nên mới sống khiêm nhường suốt bao năm qua như vậy”.

Đêm đó tôi đã nghĩ nhiều về lời mẹ nói và ân hận vì đã lỡ lời với mẹ. Những người từng ly hôn không có nghĩa là không được nói về cách làm thế nào để hạnh phúc, ly hôn rồi bước ra rồi có lẽ nhìn lại sẽ rõ hơn. Những người như vợ hai của bố tôi, từng nghe nhiều người xung quanh nói rằng cô ấy không có tiếng nói trong gia đình, hóa ra chính cô ấy mới là người đáng nể bởi không cần dùng ngôn từ tranh cãi để “điều khiển” gia đình. Bố mẹ ly hôn hay từng thất bại trong hôn nhân không có nghĩa là những người không đủ tư cách dạy con cái về giữ gìn hôn nhân, mà quan trọng sau đổ vỡ họ đã nhận ra điều gì, nhìn thấy gì.

Tôi cũng chợt nhận ra vì sao nhiều người nói tôi giống y hệt mẹ tôi ngày trẻ. Nhưng nhiều năm gần đây tôi thấy mẹ sống trong lặng lẽ bình yên hơn. Nếu như ngày ấy, không phải bố đã kịp lấy vợ hai, thì có lẽ khi nhận ra mẹ tôi đã muốn quay lại cứu vãn. Chỉ tiếc là khi bố mẹ chia xa, đến lúc mẹ nhận ra thì bố đã ở với người khác và người đàn bà ấy chẳng nói nhiều, chẳng cần thắng bố nhưng lại “cầm cương” được bố.

Tôi nhìn nhận lại những cuộc cãi vã của vợ chồng mình và cũng thấy nhiều trận hài hước vô bổ. Nhiều khi chúng tôi cãi nhau chỉ vì tranh luận một tình tiết trên bộ phim, hay chỉ vì tôi kể chuyện chồng cô bạn tôi ngoại tình trong khi chồng tôi không muốn nghe nên tôi trách anh ấy không cho tôi tâm sự, đôi khi lại chỉ vì cái nhà hàng hôm nay cho tỏi vào khoai tây là hợp hay không hợp… Đôi khi cũng có những chuyện liên quan trực tiếp tới gia đình mình như chồng tôi quên tắt vòi nước, tôi kêu rên mà anh không xin lỗi còn trách tôi nói nhiều… Đôi khi chỉ là tôi chẳng muốn nhường chồng bởi vì sợ mình sẽ ở vế dưới, tôi phải thể hiện uy lực nóc nhà của mình. Hóa ra cuộc sống, nếu nhìn nhận lại theo hướng khác thì mọi chuyện đã khác đi nhiều.

Hôm sau tôi chở mẹ ra bến xe, khi nghe tôi xin lỗi, mẹ nói “Mẹ mới cần xin lỗi con, vì nhiều năm mẹ không dám thẳng thắn nói với con về việc mẹ đã nhận ra mình sai của mình trong hôn nhân với bố con. Nếu mẹ dám nói sớm về lỗi sai của mẹ thì có lẽ con đã ngộ ra sớm hơn. Dám nhận cái sai của mình và mang cái sai của mình ra cho con cái làm bài học cũng không phải dễ”.

Tác giả: An Nhiên