Trẻ F0 khò khè, ho nhiều đờm có cần dùng thuốc: Bác sĩ chỉ 4 cách xử lý an toàn

( PHUNUTODAY ) - Khi con ho nhiều, có đờm, cha mẹ đừng hoảng hốt, vội vàng đi tìm các loại thuốc điều trị. Việc điều trị không đúng cách có thể sẽ khiến bệnh nặng hơn.

Trẻ F0 khò khè, nhiều đờm có cần sử dụng thuốc tiêu đờm, loãng đờm không?

Theo Sức khỏe & Đời sống, BSCK1. Trần Văn Công chia sẻ rất nhiều phụ huynh gọi điện, nhắn tin hỏi về tình trạng con bị ho có đờm, tiếng ho lọc xọc thì cần thuốc gì. Tuy nhiên, theo bác sĩ, thực tế không có loại thuốc nào có thể làm tiêu đờm.

Đờm là sản phẩm của quá trình tiêu viêm. Trong đờm có chứa vi trùng, bạch cầu, xác của chúng và những chất tiết của quá trình viêm.

Trong quá trình ho, đờm sẽ được tống ra ngoài. Ho giúp sẽ bật đờm lên cổ. Với trẻ nhỏ chưa biết khạc nhổ, đờm sẽ được nuốt xuống bụng và theo đường tiêu hóa đi ra ngoài. Trẻ lớn hơn và người người thành có thể khạc nhổ đờm ra ngoài. Một số trẻ không nuốt, không khạc nhổ thì đờm có thể đi ra ngoài thông qua việc ói.

Nếu trẻ có cơn ho, ói ngay sau bữa ăn thì phụ huynh càng sốt ruột và muốn tìm thuốc tiêu đờm cho con. Một số người tự ý tìm các thuốc theo mách bảo trên mạng hoặc tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị cho con. Theo bác sĩ, đây là điều vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe của các bé.

Bác sĩ Công cho biết, các loại thuốc có tác động lên đờm như brombohexin, acetylcystein, guaifenesin… được cho là giúp tiêu đờm, loãng đờm. Về cơ chế hoạt động, chúng cắt các phân tử trong đờm hoặc tăng tiết nước vào đờm để đờm loãng ra. Khi đờm loãng, chỉ cần trẻ ho mạnh thì đờm sẽ bật ra ngoài.

Về lý thuyết là như vậy. Tuy nhiên, bác sĩ đưa ra cảnh báo rằng hầu như các loại thuốc này đều không chứng minh được hiệu quả trên các chứng viêm trên đường hô hấp của trẻ em (như ho cảm, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, suyễn, viêm phổi...).

Vì vậy, trong các bài lý thuyết cũng như trong nhiều hướng dẫn điều trị trên thế giới, những nhóm thuốc này không hề xuất hiện trong phác đồ điệu trị cho trẻ.

Một số thuốc trong nhóm tiêu đờm, loãng đờm này có thể mang lại tác dụng phụ như kích thích trẻ lên cơn co thắt phế quản, đặc biệt là ở những bé có tiền sử khò khè tái đi tái lại.

Cách điều trị tình trạng ho đờm của trẻ

Vệ sinh mũi cho trẻ

Bác sĩ Công cho biết, cách làm tốt nhất khi trẻ đang ho đờm nhiều là hãy vệ sinh mũi trước khi cho trẻ ăn hoặc uống sữa.

Với trẻ lớn trên 6 tháng tuổi, có thể cho bé uống một muỗng nhỏ nước lọc ấm để đờm trong cổ họng trôi xuống bụng.

Ngoài ra, mẹ không nên cho bé ăn quá no vì như vậy dễ kích thích cơn ói của trẻ nhiều hơn.

Để trẻ được ho

Muốn tống đờm ra khỏi cơ thể và giúp con nhanh hết bệnh, cha mẹ hãy để trẻ ho một cách tự nhiên.

Như đã nói ở trên, để làm loãng đờm, cha mẹ nên cho bé uống nước lọc ấm (với trẻ lớn) và uống sữa ấm (với trẻ dưới 6 tháng tuổi). Nước ấm có tác dụng làm loãng đờm và giúp đờm được đẩy ra ngoài dễ dàng hơn.

Dùng một số loại thảo dược thiên nhiên

GS.TS Đỗ Tất Lợi cho biết một số loại thảo dược thiên nhiên có thể giúp giảm ho tiêu đờm là mật ong, gừng tươi, quất. Những thứ này có thể giúp làm dịu các cơn hơn, hỗ trợ chữa lành niêm mạc, bổ sung vitamin cho cơ thể, cải thiện hệ miễn dịch...

Hạn chế ăn những thực phẩm gây kích ứng, làm tăng cơn ho

Cha mẹ nên tránh cho bé ăn những món nhiều đường, nhiều chất béo, nhiều gia vị... vì chúng có thể kích thích họng, tăng đờm nhớt, gây đầy bụng, khó tiêu cho con.

Các loại đồ ăn lạnh như kem, nước đá... có thể khiến niêm mạc của ống hô hấp bị khô và trở nên nhạy cảm hơn trong lúc đang viêm nhiễm, làm tăng phản ứng ho.

Nên tránh cho bé ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ chưa nấu chín kỹ vì những món này không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Tác giả: Thanh Huyền