F0 dùng tía tô rất tốt: Ngoài đun nước uống còn dùng theo 3 cách này để trị ho, tăng đề kháng

( PHUNUTODAY ) - Lá tía tô không chỉ là một loại gia vị trong nấu ăn mà còn được dùng như một vị thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, F0 điều trị tại nhà hoàn toàn có thể sử dụng lá tía tô để tăng cường sức khỏe, trị một số triệu chứng bệnh.

Lợi ích của tía tô đối với sức khỏe

Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trong Đông y, tía tô có tính ấm, vị cay, không độc. Đây là loại rau gia vị phổ biến và cũng thường được dùng làm vị thuốc trị cảm mạo, chữa ho có đờm. Hạt tía tô có thể dùng để pha trà hoặc làm thuốc.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, tía tô có giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin A, C, canxi, sắt, phốt pho... Tía tô không chỉ dùng làm rau gia vị mà còn có tác dụng hỗ trợ trị bệnh cực tốt, đặc biệt là trị ho.

Chuyên gia cho biết tía tô cực kỳ tốt cho những F0 điều trị tại nhà. Người bệnh có thể sử dụng tía tô để tăng cường sức khỏe và nhanh hồi phục hơn.

4 cách dùng lá tía tô tốt cho F0

Cháo tía tô

f0-dung-tia-to-rat-to-01

Món cháo trứng trộn với hành, tía tô là món ăn được nhiều người sử dụng để giải cảm, giúp giảm đau mỏi người.

Các F0 điều trị tại nhà cũng thường gặp tình trạng mệt mỏi, khó chịu, ăn kém có thể ăn cháo trứng với hành hoa, tía tô để cải thiện vấn đề.

Cháo trứng bổ dưỡng, thêm hành hoa, tía tô giúp giải cảm, giảm đau mỏi, kích thích vị giác rất phù hợp với người đang mệt mỏi.

Nước lá tía tô pha mật ong

f0-dung-tia-to-rat-to-02

Tía tô có tác dụng trị ho còn mật ong có tính kháng viêm, kháng virus rất mạnh. Bạn có thể đun nước lá tía tô và pha thêm một chút mật ong để uống mỗi ngày giúp trị ho và tăng cường sức đề kháng.

Uống nước tía tô mật ong ấm vào trước bữa ăn khoảng 30 phút còn giúp chị em giảm cân, trắng da, ngừa lão hóa hiệu quả. Theo kinh nghiệm dân gian, người dân thường sử dụng tía tô để đun nước xông da mặt hoặc đắp lá tía tô trị nám cũng rất tốt.

Nước tía tô, chanh, đường phèn

f0-dung-tia-to-rat-to-03

Ngoài cách uống nước tía tô với mật ong, bạn có thể pha nước tía tô với chanh và đường phèn.

Chanh giàu vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng. Đường phèn cũng có tác dụng trong việc điều trị ho. Từ lâu người ta đã sử dụng đường phèn trong các bài thuốc trị ho, đau rát họng dân gian như quất/tắc chưng đường phèn...

Vì vậy, nếu không muốn uống mật ong, bạn có thể pha nước tía tô với một chút nước cốt chanh và đường phèn.

Nếu không muốn thêm bất cứ mùi vị gì, bạn hoàn toàn có thể uống nước lá tía tô nguyên chất.

Dùng lá tía tô đun nước xông

F0 điều trị tại nhà có thể gặp các triệu chứng như nghẹt mũi, đau đầu... Lúc này, bạn có thể đun nước xông để giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn.

Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, để tăng thêm công dụng, bạn có thể kết hợp lá tía tô với kinh giới hoặc sả, chanh để đun nước xông.

Khi xông, hãy dùng khăn bông trùm kín đầu, chỉ xông phần mũi, không xông toàn bộ cơ thể để tránh mất nước. Ngoài ra, không xông khi bị sốt cao.

Một số lưu ý khác khi sử dụng lá tía tô

Lá tía tô mua về nên rửa sạch, ngâm nước muối khoảng 10 phút rồi mới sử dụng.

Khi đun nước lá tía tô, không nên nấu quá 15 phút vì dễ khiến tinh dầu trong lá bị bốc hơi hết, làm giảm hiệu quả.

Nước lá tía tô không dùng hết có thể bảo quản trong tủ lạnh nhưng không để quá 24 giờ. Càng để lâu giá trị dinh dưỡng càng giảm.

Không nên uống nước lá tía tô trong thời gian dài vì nó có thể gây ra tình trạng chướng bụng, khó tiêu hoặc làm ảnh hưởng tới huyết áp.

Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai muốn sử dụng nước lá tía tô nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link