F0 ho nhiều không dứt có phải do virus lan vào phổi: Bác sĩ chỉ rõ ho thế nào mới cần đi khám

( PHUNUTODAY ) - Nhiều F0 gặp phải tình trạng ho kéo dài và lo lắng không biết virus có làn xuống phổi hay không. Hãy nghe bác sĩ giải thích về vấn đề này.

Nguyên nhân khiến F0 bị ho nhiều, ho dai dẳng

Ho là một trong những triệu chứng điển hình của Covid-19. Người bệnh có thể ho nhiều, gây ra khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt. Đôi khi, người bệnh đã dùng các biện pháp trị ho dân gian hoặc dùng thuốc ho nhưng không hiệu quả nên lo lắng về nguy cơ Covid-19 làm ảnh hưởng tới phổi.

Nói về vấn đề này, BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn, đã có một số chia sẻ trên Dân trí. Bác sĩ cho biết, với biến thể Omicron đang chiếm đa số tại Hà Nội hiện nay, triệu chứng ở đường hô hấp trên mà người bệnh thường gặp là ho, đau rát họng, xổ mũi...

Theo bác sĩ, F0 lo ngại về việc ho là triệu chứng ảnh hưởng đến phổi là chưa đúng.

Bác sĩ cho biết người mắc Covid-19 có triệu chứng ho do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là viêm họng, trào ngược dịch dạ dày... Một số trường hợp có tổn thương tại phổi, tại tim (chẳng hạn như bệnh nhân bị ứ huyết ở tim kích thích phổi gây ho...).

F0-ho-nhieu-co-phai-do-virus-lan-vao-phoi-01

Khi nào cần đi khám?

Khi bị ho nhiều, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên uống nhiều nước, uống đủ 2 lít nước/ngày; dùng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để súc miệng; sử dụng các biện pháp dân gian như gừng, tỏi, đường phèn, mật ong để giảm ho... Nếu các triệu chứng ho vẫn không thuyên giảm, có thể sử dụng thuốc ho theo đơn kê của bác sĩ.

BS Hường cho biết để để xác định chắc chắn bệnh nhân Covid-19 có bị tổn thương phổi hay không thì cần phải xem xét kết quả chiếu chụp, xét nghiệm mới có thể đưa ra được chẩn đoán. Nếu bệnh nhân chỉ ho húng hắng vài tiếng thì không sao. Khi cơn ho gây khó chịu, thức giấc giữa đêm, khó thở hoặc đi kèm nhiều triệu chứng khác thì người bệnh cần phải đến bệnh viện để thăm khám.

Một sai lầm cần tránh khi F0 điều trị tại nhà

Bác sĩ Hường cảnh báo về một sai lầm mà nhiều F0 hay mắc phải là sử dụng kháng sinh. Không ít người do sợ Covid-19 ảnh hưởng tới phổi nên khi mới mắc bệnh đã vội vàng uống kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh này là không đúng bởi ho ở người mắc Covid-19 là do hội chứng trào ngược hoặc tổn thương xơ phổi thì dùng kháng sinh sẽ không có hiệu quả.

Kháng sinh chỉ được dùng khi có nhiễm trùng và việc sử dụng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu người bệnh ho nhiều hoặc gặp bất kỳ triệu chứng gì cũng nên gặp bác sĩ để được thăm khám, chỉ định chứ không nên tự ý mua và uống kháng sinh.

"Thuốc kháng sinh là con dao hai lưỡi, nếu không nhiễm trùng mà dùng sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí gây dị ứng, tổn thương men gan, chức năng thận", bác sĩ Hường khuyến cáo.

Theo Dân Việt, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 cho biết Covid-19 là bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra và thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus. Tuy nhiên, một số trường hợp cần sử dụng kháng sinh đề dự phòng nhiễm khuẩn. Khi cơ thể bị nhiễm virus, sức đề kháng suy giảm thì nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm sẽ cao hơn.

Người có nhiều bệnh nền, sức đề kháng vốn kém thì sẽ nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn cao hơn. Trường hợp F0 bình thường hay bị viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm xoang... cũng có thể cân nhắc sử dụng kháng sinh để dự phòng sớm. Tuy nhiên, không nên dùng 2 loại kháng sinh để dự phòng, chỉ dùng một loại là đủ. Điều quan trọng nhất là người bệnh cần sử dụng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dùng.

BS Hoàng cho biết, việc sử dụng kháng sinh về cơ bản không gây nguy hiểm như kháng viêm corticoid nhưng nó cũng có thể khiến gan, thận bị quá tải trong khi cơ thể đang kiệt quệ do virus tấn công.

Bên cạnh đó, việc dùng kháng sinh không đúng cách có thể khiến virus bị nhờn thuốc. Khi đó, thuốc sẽ không còn tác dụng ở những lần nhiễm khuẩn sau.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link