Trẻ học mẫu giáo có 3 hành vi này cho thấy tiềm năng trở thành học sinh xuất sắc

( PHUNUTODAY ) - Ngay từ khi con học mẫu giáo, cha mẹ đã có thể nhận thấy tiềm năng của con trong tương lai thông qua những hành vi mà trẻ bộc lộ mỗi ngày.

Trẻ thích đọc sách

Phần lớn cha mẹ ngày nay đều coi trọng đến sự phát triển đa dạng của con. Chính vì vậy mà họ dành thời gian cùng con đọc truyện tranh từ khi con còn nhỏ. Đọc sách chính là cách tuyệt vời để trẻ có thể “lang thang” trong thế giới đầy màu sắc của sách tranh và tận hưởng sự kích thích thị giác do màu sắc tươi sáng mang lại. Lúc đầu trẻ sẽ say mê đọc sách tranh, dần dần bắt đầu thử các loại sách khác nhau và hình thành thói quen đọc sách tốt.

Thói quen đọc sách ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy của trẻ đồng thời tác động đáng kể đến việc học tập. Những kiến thức trong sách có thể làm phong phú thêm nhận thức, sự kích thích màu sắc của những cuốn sách tranh đơn giản và tác động của cảnh vật khi đọc sẽ khiến hệ thần kinh của trẻ hoạt động tích cực hơn. Nó có lợi cho sự phát triển giác quan và sức khỏe não bộ của trẻ, trẻ sẽ tự nhiên thông minh hơn và có chỉ số IQ cao hơn.

Mỗi một cuốn sách sẽ mang đến cho trẻ những trải nghiệm khác nhau. Không ai có thể khẳng định cứ đọc sách là sẽ thành công nhưng những người thành công phần lớn đều ham đọc sách. Những kiến thức và kỹ năng mà các cuốn sách mang lại sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ.

Khả năng thực hành mạnh mẽ

Bàn tay vẫn được xem như bộ não thứ hai của trẻ nên cha mẹ hãy cho con được thực hành các chức năng của mình bằng cách mua đồ chơi giúp trẻ rèn luyện đôi tay như đồ chơi xếp hình, lắp ráp,… Những món đồ chơi như vậy không chỉ giúp cha mẹ kiểm tra khả năng linh hoạt của đôi tay trẻ mà còn cho phép bàn tay phối hợp với trí não suy nghĩ và hành động.

Thêm nữa, đến một độ tuổi nhất định thì hầu như đứa trẻ nào cũng sẽ thích vẽ bậy, đặc biệt là thích vẽ lên tường. Với sở thích này của trẻ cha mẹ không nên kìm hãy bởi chính việc vẽ bậy giúp trẻ phát huy hết khả năng của trí tưởng tượng, đồng thời để trẻ thể hiện bức tranh trong tâm trí trẻ thông qua những ngón tay chúng. Thực tế thì đó là biểu hiện cho thấy đôi bàn tay – bộ não thứ hai của trẻ đang phát triển mạnh mẽ.

Nếu một đứa trẻ có khả năng thực hành tốt thì chúng sẽ nhận được nhiều kích thích xúc giác hơn các bạn cùng lứa tuổi. Hệ thần kinh cũng hoạt động tích cực và não cũng nhạy cảm hơn. Hay nói một cách đơn giản là chúng trở nên thông minh hơn.

Siêu tập trung

Có nhiều cha mẹ biết con mình không thể ngồi yên trong lớp, không thể tập trung khi học, thích đi lang thang. Đây là biểu hiện của sự thiếu tập trung ở trẻ. Những đứa trẻ có khả năng tập trung cao sẽ học rất hiệu quả. Những nhiệm vụ học tập mà người khác có thể hoàn thành trong nửa giờ thì chúng có thể chỉ mất mười phút, thậm chí năm phút.

Nếu như muốn cải thiện thành tích học tập của con thì cha mẹ nên rèn luyện sự tập trung cho con. Quá trình này cần thời gian dài vì vậy cha mẹ nên kiên nhẫn. Để rèn luyện sự tập trung cho con cha mẹ có thể khuyến khích con đọc sách, sử dụng hình ảnh và màu sắc, chơi các trò chơi tập trung. Cha mẹ cũng cần ghi nhớ không tạo áp lực cho trẻ, tạo môi trường học tập thuận lợi, dạy trẻ cách quản lý thời gian và cảm xúc.

Trong khi trẻ đang mải mê với một món đồ chơi, nếu không xảy ra vấn đề ảnh hưởng đến an toàn hay sức khỏe của trẻ thì bạn cứ để trẻ tự do sáng tạo trò chơi của mình. Sự quan tâm, hỏi han của người lớn đôi khi lại khiến trẻ bị phân tán sự chuyên tâm, cảm thấy mất hứng và không thoải mái. Cha mẹ có thể đặt ra khoảng thời gian cụ thể và để trẻ được tự chủ khi chơi.

Tác giả: Trần Thu Thủy