Trình độ học vấn của cha mẹ khác nhau, mức độ chú trọng đến học tập của con cái khác nhau
Cha mẹ có học vấn cao có thể đọc được các lý thuyết và phương pháp dạy con mới. Từ đó, trẻ được tiếp cận trước với những bài học phát triển trí thông minh, khả năng giao tiếp,..
Báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh cho thấy trình độ học vấn của người cha là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự thành công trong học tập sau này của đứa trẻ. Cũng theo báo cáo này, những đứa trẻ có cha có trình độ học vấn cao hơn có cơ hội thành công ở trường cao hơn 7,5 lần so với những đứa trẻ có cha sở hữu trình độ học vấn thấp.
Nhưng thực tế vẫn có rất nhiều trường hợp ngoại lệ đến từ những nỗ lực, cố gắng của người con. Có những cha mẹ thiếu thốn mọi mặt về kiến thức, kỹ năng để nuôi dạy con cái thì đứa con vẫn có nhiều cơ hội để có thể lớn lên và nuôi dưỡng những phẩm chất tốt. Ngược lại thì có không ít đứa trẻ lớn lên với nhiều khiếm khuyết về kiến thức, kỹ năng và cả thể chất mặc dù được sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ chúng là những người có trình độ cao.
Khả năng tài chính của cha mẹ khác nhau dẫn đến trình độ học vấn của con cái khác nhau
Người phải vất vả lo lắng cơm áo gạo tiền thường khó có sức lực nghĩ đến việc học hành của con cái. Hiện có nhiều cha mẹ làm việc ở thành phố và gửi con về quê ở với ông bà. Họ chỉ có thể nuôi con bằng cách làm việc vất vả chứ không thể hỗ trợ thêm về học tập hay giáo dục con cái.
Cha mẹ giàu có thì có thể dễ dàng thuê giáo viên giỏi, cho con vào trường tốt và nuôi dưỡng những sở thích khác nhau cho con cái. Còn cha mẹ nghèo chỉ có thể chu cấp cho con cái cơm ăn, quần áo và giáo dục bắt buộc. Nên thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực và ý chí của chính đứa trẻ.
Năm 2016, Đại học Harvard công bố kết quả của một nghiên cứu kéo dài 30 năm với 107 người Mỹ ở nhiều tầng lớp xã hội, từ lao động tới thượng lưu. Kết quả cho thấy ảnh hưởng vị thế của cha mẹ tới thế hệ sau vượt xa những gì chúng ta tưởng. Ảnh hưởng này đến từ nhiều yếu tố, không chỉ về tiền bạc mà còn bao gồm độ bền vững của hôn nhân, khả năng cảm thông, mạng lưới xã hội và hiểu biết của cha mẹ.
Kết quả đáng chú ý là điều kiện gia đình ảnh hưởng lớn tới khả năng tốt nghiệp đại học của một người. Đứa trẻ lớn lên trong gia đình có thu nhập thấp dù có đạt điểm tốt khi học cấp 2 thì cơ hội tốt nghiệp đại học vẫn ít hơn hẳn so với những ai điểm thấp nhưng sống trong gia đình thu nhập cao. Bên cạnh đó, cha mẹ có trình độ giáo dục cao thì sẽ càng khích lệ con cái học cao hơn.
Tất nhiên, có điều kiện, tài sản là yếu tố cần, thậm chí là tiền đề cho sự khởi điểm xuất phát của một đứa trẻ nhưng chưa đủ. Nếu cha mẹ giàu có chỉ biết đến tiền, không quan tâm dạy con thì con cũng không thể thành tài.
Tầm nhìn cha mẹ khác nhau dẫn đến quan điểm khác nhau về việc giáo dục con cái
Bộ phim Người Bố Đấu Vật kể về câu chuyện của một người cha tên là Mahavira ở Ấn Độ, nơi mà nam giới được coi trọng hơn nữ giới. Ông từng là một đô vật với nhiều tham vọng lớn, nhưng luôn hối hận vì đã không giành được huy chương vàng cho đất nước. Vậy nên ông đặt hết kỳ vọng vào con, hy vọng một ngày nào đó một đứa con trai có thể giúp ông thực hiện ước mơ của mình. Tuy nhiên, số phận trớ trêu, vợ ông lần lượt sinh bốn cô con gái.
Ban đầu ông bố rất tuyệt vọng vì phụ nữ không thể trở thành đô vật, giấc mơ sẽ không thể trở thành hiện thực. Tuy nhiên sau này, ông phát hiện có 2 cô con gái có tài đấu vật nên bắt đầu huấn luyện. Cuối cùng cô con gái lớn đã trở thành quán quân quốc gia. Cô đã phá vỡ suy nghĩ hạn hẹp truyền thống về giá trị của phụ nữ - những người chỉ có thể dựa vào chồng để tồn tại và dành thời gian với xoong, chảo.
Có câu: “Từ tầng 20 nhìn xuống chỉ thấy cảnh đẹp. Từ tầng 2 nhìn xuống chỉ thấy rác rưởi”. Cuộc đời của một người thành công hay không phụ thuộc vào việc họ có tầm nhìn xa trong cuộc đời hay không và tầm nhìn xa của một đứa trẻ phần lớn đến từ khuôn mẫu của cha mẹ mình.
Cuộc sống không bao giờ có một khuôn mẫu cố định và có muôn ngàn cách để sống, phấn đấu. Ngay cả khi đang ở hố sâu của cuộc đời, cha mẹ có tầm nhìn sẽ nói với con cái của họ rằng nên học cách nhìn lên bầu trời và ước mơ về không gian vô tận. Người cha người mẹ dám “phá vỡ” một con đường khuôn mẫu, con cái dám thử thách những lựa chọn khác; người cha người mẹ khuyến khích và đứa trẻ tự tin hơn; người cha người gánh vác nhiều trách nhiệm hơn và đứa trẻ có thêm nhiều thuận lợi.
Có nhiều người trẻ không thiếu nỗ lực, sự chăm chỉ. Cái họ thiếu là khả năng nhìn thấy hướng đi. Nếu không có sự hỗ trợ của gia đình, trong những giai đoạn khó khăn, họ dễ bối rối, khó vượt qua. Đó là do sự thiếu định hướng cuộc đời.