Xúc động hình ảnh chiến sĩ công an chia tay con qua cửa kính để đi chống dịch

( PHUNUTODAY ) - Làm nhiệm vụ ở tâm dịch Việt Yên (Bắc Giang) một tháng nay, anh Nguyễn Mạnh Hùng chỉ có thể gặp vợ, con trai qua các cuộc gọi video tranh thủ khi có thời gian nghỉ.

Chia sẻ với Zing, Thượng úy Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1992), cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Bắc Giang, cho biết ngày 21/5, anh tới trụ sở Công an huyện Việt Yên nhận quyết định điều động tăng cường cho thị trấn Bích Động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống Covid-19, chiến sĩ công an Nguyễn Mạnh Hùng chia tay con trai theo cách đặc biệt.

Vì đã vào tâm dịch, khi ghé qua nhà lấy đồ cá nhân, anh Hùng tránh tiếp xúc với người thân để đảm bảo an toàn.

Trước khi lên đường, anh chỉ có thể chia tay con trai, bé Bảo Long (3,5 tuổi), qua khung cửa kính. Ban đầu, bé ngạc nhiên vì bố không bế, ôm vào lòng như mọi lần. Nhưng khi thấy bố đưa tay lên, cậu bé nhoẻn miệng cười, vẫy tay chào.

Khoảnh khắc này được vợ Thượng úy Hùng ghi lại. Sau đó, một đồng nghiệp của anh gửi đi dự thi cuộc thi ảnh do Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức và giành giải nhất.

“Tôi khá bất ngờ vì khoảnh khắc của hai bố con lại được nhiều người quan tâm đến vậy”, anh nói.

Chiến sĩ trẻ cho hay trong quyết định tham gia phòng, chống dịch Covid-19 của anh chỉ ghi ngày đi. Bởi vậy, anh xác định tư tưởng khi nào hết dịch mới về.

Gia đình nhỏ của Thượng úy Nguyễn Mạnh Hùng.

Ở tâm dịch một tháng nay, nhiệm vụ của anh Hùng là đảm bảo an ninh trật tự cho các khu dân cư trên địa bàn thị trấn Bích Động trong các hoạt động như tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm.

Hàng ngày, anh đi tuần tra để kiểm soát những trường hợp người dân ra đường trong điều kiện không cần thiết, hàng quán vẫn hoạt động kinh doanh hay nhận nhiệm vụ bảo vệ chốt khi có yêu cầu. Công việc của anh thường kết thúc lúc 23-0h.

Những ngày Thượng úy Hùng vắng nhà, bố mẹ giúp anh chăm sóc người vợ đang mang bầu và con trai nhỏ. Tranh thủ thời gian nghỉ, anh thường gọi điện về động viên bà xã.

“Mỗi lần điện, con trai hỏi bố đi đâu, tôi chỉ biết nói là ‘Bố đi bắt Covid’. Bé còn nhỏ, chưa hiểu nên bảo ‘Bố bắt nhiều về xay sinh tố cho con’ và dặn bố nhanh về”, anh Hùng kể.

Trong Ngày của Cha 20/6, vợ anh Hùng cũng gọi điện, chia sẻ kỷ niệm 2 bố con lên trang cá nhân để động viên chồng.

Giống như nhiều người đang phải xa gia đình, đi làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống Covid-19, chiến sĩ trẻ cho biết anh mong dịch qua đi để sớm được về nhà, ôm vợ và con trai vào lòng.

Từ ngày 27/4 đến nay, tỉnh Bắc Giang ghi nhận tổng cộng 5.411 ca mắc Covid-19, hiện là ổ dịch lớn nhất cả nước. Ngành chức năng tỉnh dự báo trong vài ngày tới, số F0 vẫn phát sinh nhưng chỉ lác đác trong một số khu cách ly tập trung, khu phong tỏa. Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xác nhận đủ điều kiện cho công nhân đi làm trở lại.

Trước đó, một đoạn video ghi lại hình ảnh bé gái đang ăn cơm cùng gia đình bỗng nhận ra mẹ trên tivi nên vội vàng chạy tới bên màn hình khóc to đòi mẹ bế. Đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội đã gây xúc động mạnh mẽ với những dòng trạng thái như: “Bé gái nức nở khi thấy mẹ trên tivi”, “Mẹ ơi sao mẹ lại trên tivi, sao mẹ không về với con đi?”.

Bé Kem, con chị Hạnh khóc nức nở khi thấy mẹ trên tivi. Ảnh nhân vật cung cấp.

Xem clip, đã có hàng vạn bình luận, phản hồi của bạn đọc thể hiện sự chia sẻ, cảm thông với hoàn cảnh của mẹ con cháu bé cũng như đội ngũ y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Nhiều người cho biết đã không cầm được nước mắt khi xem clip ngắn trên.

Được biết, mẹ bé gái là Trung uý, Quân nhân chuyên nghiệp Phùng Thị Hạnh, điều dưỡng Khoa Chẩn đoán chức năng, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y). Chị Hạnh là một trong số hơn 160 y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) vừa được điều động đến tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ chống dịch khoảng 2 tuần nay. Dù con gái còn nhỏ, đang bú mẹ nhưng chị vẫn quyết tâm lên đường làm nhiệm vụ.

Do tính chất đợt công tác này rất cấp bách, chị Phùng Thị Hạnh phải gửi con gái bé bỏng cho người thân chăm sóc. Thế nhưng trẻ nhớ hơi mẹ, nhiều lúc con gái thức dậy nửa đêm khóc gọi mẹ rất đáng thương.

Tác giả: Vân Tiên