Em Ngô Thị Quỳnh Như, lớp 10A9, rưng rưng nước mắt kể với phóng viên báo Người lao động: Nhà em nghèo, cha mẹ phải đi làm thuê. Đôi dép của em có giá 135.000 đồng, bằng gần 2 ngày làm thuê của mẹ. Vậy mà em mới đi học 2 ngày đã bị thầy giáo cắt bỏ. Hôm bị thầy cắt dép, em phải đi chân trần trên quãng đường hơn 2 km để về nhà.
Em Ngô Thị Quỳnh Như. |
Anh Ngô Văn Tòng và chị Trương Bạch Tạo (cha mẹ cháu Như) cho rằng hành vi của thầy giáo là không thể chấp nhận được. Theo chị Tạo, sau khi em Như bị cắt dép, chị phải đi mua nợ giày ba ta để con đi học theo nội quy nhà trường.
Hoàn cảnh cháu Lê Phú Cường (học cùng lớp với em Như) còn bi đát hơn vì là hộ đặc biệt khó khăn, nhà ở tạm trên phần đất mượn của người quen nên khả năng mua dép mới thay thế càng xa vời...
Theo hai em Như và Cường, lớp 10A9 có tổng số 40 học sinh nhưng đến hơn 50% học sinh bị thầy tịch thu, cắt dép. Các em cho biết đầu tuần, thầy chủ nhiệm thông báo nội quy, thời gian bắt buộc mang giày ba ta trắng đi học là ngày 26/8. Tuy nhiên mới đến ngày 21/8, thầy Võ Văn Thường, giáo viên - Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường, xuống từng lớp kiểm tra và tịch thu, cắt dép vì cho rằng học sinh vi phạm nội quy nhà trường.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, thầy Thường và Ban giám hiệu trường chỉ thừa nhận một vài trường hợp bị tịch thu, cắt dép.
Sự việc xảy ra đã hơn 1 tuần nhưng học sinh, phụ huynh chưa nhận được phản hồi nào từ thầy Thường cũng như lãnh đạo nhà trường. Tuy nhiên, Ban giám hiệu lại khẳng định đã trực tiếp xin lỗi phụ huynh và mua dép mới bồi thường cho học sinh.
Trao đổi qua điện thoại, thầy Lương Phong Nhã, Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thủy, thừa nhận có xảy ra việc tịch thu, cắt dép của một vài học sinh. Còn thầy Võ Văn Thường biện minh rằng vì nhắc nhở nhưng các em không chấp hành nên buộc phải tịch thu giữ lại đến cuối năm sẽ trả lại.
Năm học 2012-2013, Trường THPT Vị Thủy ban hành nội quy bắt buộc học sinh đi học phải mặc đồng phục (quần tây, áo sơ mi, giày ba ta trắng).
Những giọt nước mắt của học trò nghèo vì bị cắt dép, những nỗi bức xúc của các bậc phụ huynh đã khiến không ít người liên tưởng đến giọt nước mắt của người nông dân khi gần đây đứng trước cảnh nợ nần bởi giá nông sản xuống thấp chưa từng thấy.
Đứng thứ nhất, thứ nhì trên biểu đồ xuất khẩu nông sản toàn thế giới là vậy mà nông dân nhà ta vẫn buồn rười rượi bởi thua lỗ. Quanh năm làm ăn chỉ trông cậy vào ông trời. Nếu may mắn mưa thuận gió hòa thì giá cả lại bị chèn ép nên người nông dân liên tục thua lỗ.
Quả thực, chưa khi nào giá lúa lại xuống thấp như hiện nay. Gần đây, người ta đau xót khi ví von rằng phải 3 kg thóc mới mua được 1 kg ốc bươu vàng. Cái loài vật là kẻ thù của nhà nông ấy lại được xem như loài có giá hơn cả cây lúa 4 tháng trời mới được thu hoạch. Tổng cục Thống kê đã chỉ ra rằng trong số người nghèo ở Việt Nam có đến 83 % là nông dân. Đúng đến đắng lòng khi nhìn cảnh nông dân đầu vụ lúa đi vay từ giống đến phân bón, thuốc trừ sâu, chờ tới ngày hái quả thì lại bất lực chịu các doanh nghiệp thu mua ép giá.
Và vì thế không ít người đã phải đau lòng, xót xa bỏ ruộng lúa nhưng rồi cái nghèo cứ đeo bám, theo đuổi để rồi chảy nước mắt mà than trời, kêu đất nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.