Những biểu hiện của bệnh van tim?
Hẹp, hở van tim khiến tim phải làm việc nhiều hơn mới đủ máu cung cấp cho cơ thể. Trái tim đáp ứng với tình trạng này bằng nhiều cách: buồng tim giãn ra để tăng thể tích chứa máu, cơ tim dày lên giúp bơm máu mạnh mẽ hơn. Ban đầu, những thay đổi này giúp tim làm việc hiệu quả hơn, vì vậy người bệnh có thể không hề nhận thấy bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào. Nhưng theo thời gian, những cố gắng của tim không còn hiệu quả sẽ làm suy yếu chức năng tim và gây ra nhiều triệu chứng, bao gồm:
- Khó thở: đặc biệt sau khi bạn hoạt động gắng sức hoặc khi nằm ngửa
- Mệt mỏi: cảm thấy chóng mặt hoặc quá yếu, không thể thực hiện được các hoạt động bình thường.
- Đau thắt ngực: cảm giác áp lực, đè nặng trong ngực, đặc biệt là khi bạn hoạt động thể lực hoặc gặp thời tiết lạnh.
- Đánh trống ngực: cảm giác tim đập mạnh bất thường, bỏ qua nhịp và hồi hộp.
- Sưng phù: ở mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng.
Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng có thể khác nhau ở từng người, và không liên quan đến mức độ hẹp, hở của van. Nhiều người bệnh van tim nặng có thể không gây ra triệu chứng nào, trong khi một số người chỉ hở van nhẹ cũng có thể gây nhiều triệu chứng nghiêm trọng.
Phân loại các dạng bệnh van tim
Bệnh van tim được chia thành hai loại chính là:
- Hẹp van tim: Van không thể mở ra hoàn toàn làm cản trở máu chảy qua.
- Hở van tim: Van không thể đóng khít, khiến máu chảy ngược trở lại.
Tùy thuộc vào loại van tim mà có các dạng bệnh cụ thể như sau:
Bệnh van động mạch chủ
Tâm thất trái bơm máu tới các quan trong cơ thể qua động mạch chủ. Giữa động mạch chủ và tim có van động mạch chủ để ngăn máu cháy ngược.
- Hẹp van động mạch chủ: van động mạch chủ không thể mở rộng. Khoảng 10% số trẻ sinh ra đã mắc căn bệnh này sẽ xuất hiện các triệu chứng tim mạch nghiêm trọng và cần được điều trị ngay.
- Hở van động mạch chủ: Khi máy chảy qua, van động mạch chủ đóng lại không chặt khiến máu chảy ngược lại tim.
Bệnh van hai lá
Van hai lá cho phép máu đi từ buồng tim trên bên trái (tâm nhĩ trái) xuống buồng tim dưới bên trái (tâm thất trái).
- Hẹp van hai lá: là tình trạng bẩm sinh hiếm gặp. Ở người trưởng thành, nguyên nhân gây hẹp van hai lá là do sốt thấp khớp.
- Sa van hai lá: là tình trạng hai lá van khép không đúng cách, thường gặp ở nữ giới trong khoảng từ 14 đến 30 tuổi. Sa van hai lá ở nam giới có thể tiến triển nặng gây ra hở van hai lá nặng.
- Hở van hai lá: là tình trạng van 2 lá không thể đóng khít khiến máu trào ngược trở lại tâm nhĩ trái.
Bệnh van ba lá
Van ba lá nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải cho phép máu chảy 1 chiều từ nhĩ xuống thất.
- Hẹp van ba lá: là tình trạng van động mạch phổi không thể mở ra hoàn toàn, thường là do sốt thấp khớp và cùng xuất hiện với hẹp van hai lá.
- Hở van ba lá: là tình trạng van ba lá đóng không kín, thường do tăng huyết áp phổi, suy tim, nhồi máu cơ tim, viêm nội tâm mạc hoặc chấn thương tim.
Bệnh van động mạch phổi
Van động mạch phổi nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi để dẫn máu lên phổi trao đổi oxy.
- Hẹp van động mạch phổi: là tình trạng van động mạch phổi không thể mở ra hoàn toàn.
- Hở van động mạch phổi: là tình trạng van động mạch phổi đóng không kín, thường gây ra bởi tăng huyết áp phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chứng ngưng thở khi ngủ…
Điều trị bệnh van tim
Việc điều trị bệnh van tim phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và triệu chứng. Hầu hết các bác sỹ tim mạch đều khuyến khích bệnh nhân bắt đầu với điều trị duy trì, bao gồm: Theo dõi phù hợp, bỏ hút thuốc lá và áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh.
Các loại thuốc thường được chỉ định cho người bệnh van tim:
- Thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh calci: Giúp kiểm soát nhịp tim và lưu lượng máu.
- Thuốc lợi tiểu: Để giảm tình trạng ứ trệ tuần hoàn
- Thuốc giãn mạch: Để mở rộng/làm giãn các mạch máu
Trong trường hợp nặng hơn, người bệnh cần làm phẫu thuật sửa van hoặc thay van mới. Valvuloplasty – thủ thuật tạo hình van tim cũng có thể được sử dụng để điều trị hẹp van.
Tiên lượng bệnh van tim phụ thuộc vào loại hình và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Khi được chẩn đoán mắc bệnh van tim, bạn cần theo dõi và khám sức khỏe thường xuyên, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ để làm chậm quá trình phát triển của bệnh.