Giấy tờ tùy thân là gì?
Mặc dù “giấy tờ tùy thân” được sử dụng phổ biến hiện nay, nhưng chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể giấy tờ tùy thân là gì. Tuy nhiên, một số văn bản quy định cụ thể một số loại giấy tờ là giấy tờ tùy thân chứ không liệt kê giấy tờ tùy thân bao gồm những gì, cụ thể:
- Theo Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
- Khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
- Theo tinh thần của Nghị định 136/2007/NĐ-CP trước đây quy định Hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế Chứng minh nhân dân hay Luật Căn cước công dân quy định thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam.
- Ngoài ra, nhiều văn bản luật cũng đề cập đến giấy tờ tùy thân trong thành phần hồ sơ của đương sự như Luật Công chứng (điều 40), Bộ luật Lao động (điều 17), Luật Xử phạt vi phạm hành chính (điều 130). Tuy nhiên, tùy trường hợp mà giấy tờ tùy thân bao gồm các loại giấy tờ khác nhau.
Ví dụ: đối với Luật Công chứng thì giấy tờ tùy thân được hiểu theo nghĩa như giấy tờ cá nhân, gồm: Chứng minh nhân dân, kết hôn, khai sinh, sổ hộ khẩu…
Như vậy, có thể hiểu giấy tờ tùy thân là những giấy tờ có giá trị xác định đặc điểm nhận dạng và nhân thân của một người. Nhưng hiện nay chỉ có Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu là được xác định cụ thể là giấy tờ tùy thân.
5 loại giấy tờ tuỳ thân có giá trị sử dụng như nhau từ 01/7/2024
Hiện nay, người dân đang dùng song song các loại giấy tờ tùy thân như sau:
- Chứng minh nhân dân 9 số (được cấp trước 01/01/2021)
- Chứng minh nhân dân 12 số (được cấp trước 01/01/2021)
- Căn cước công dân mã vạch (được cấp trước 01/01/2021)
- Căn cước công dân gắn chip (được cấp từ 01/01/2021 đến nay)
Trên thực tế, các loại giấy tờ này có giá trị sử dụng như nhau trong việc thực hiện các giao dịch, hành chính. Tuy nhiên, so với các loại khác thì Thẻ Căn cước công dân gắn chip mang tính ưu việt hơn bởi có thể tích hợp được nhiều thông tin, nhiều loại giấy tờ, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia…
Luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua thay thế cho Luật Căn cước công dân hiện hành, có hiệu lực từ 01/07/2024. Chính thức đổi tên Luật cũng như đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước.
Căn cứ quy định chuyển tiếp tại Điều 46 Luật Căn cước:
“Điều 46. Quy định chuyển tiếp
(1) Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, được cấp đổi sang thẻ căn cước khi công dân có yêu cầu.
(2) Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.
Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này.
(3) Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Có thể thấy, 5 loại giấy tờ tuỳ thân đều có giá trị sử dụng từ 1/7/2024 sẽ bao gồm:
Một là CMND 9 số
Hai là CMND 12 số
Ba là CCCD mã vạch
Bốn là CCCD gắn chip
Và năm là Thẻ Căn cước.
Đối với thẻ Căn cước công dân mã vạch hay gắn chip đã được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, và nếu công dân có yêu cầu sẽ được cấp đổi sang thẻ Căn cước.
Người sử dụng Chứng minh nhân dân cũng cần lưu ý CMND 9 số lẫn 12 số còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Đối với chứng minh nhân, Căn cước công dân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 - trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Những thay đổi đối với thẻ Căn cước từ 01/7/2024
Ngoài việc đổi tên thẻ Căn cước công dân sang Thẻ Căn cước thì từ 01/7/2024, thẻ Căn cước sẽ có những thay đổi như liệt kê dưới đây:
Mở rộng đối tượng được cấp thẻ
Khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước bổ sung đối tượng công dân được cấp thẻ, cụ thể.
“2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Người dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Như vậy, từ thời điểm Luật Căn cước có hiệu lực, công dân dưới 14 tuổi, bao gồm cả trẻ sơ sinh đều có thể được cấp Căn cước theo nhu cầu của cha/mẹ hoặc người giám hộ.
Không còn thông tin quê quán
Căn cứ Điều 9 Luật Căn cước, một trong những thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm nơi đăng ký khai sinh, thay cho quê quán như Luật hiện hành.
Đồng nghĩa với việc thông tin về quê quán trên thẻ Căn cước sẽ không còn.
Thông tin về nơi thường trú đổi thành nơi cư trú
Tại Điều 18 Luật Căn cước quy định về nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước. Theo đó, một trong những nội dung trên thẻ được thay đổi là thông tin về nơi thường trú được thay đổi bằng nơi cư trú.
Luật Cư trú quy định, nơi cư trú của công dân là bao gồm cả nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Nếu không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú chính là nơi ở hiện tại của công dân.
Như vậy, theo quy định mới, công dân không đủ điều kiện đăng ký tạm trú thì thông tin nơi cư trú trên thẻ có thể là nơi tạm trú.
Thẻ Căn cước mới không còn dấu vân tay ngón trỏ
Cũng căn cứ theo Điều 18 Luật này thì, nội dung thể hiệ trên thẻ Căn cước sẽ lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải, đồng thời bỏ cả đặc điểm nhận dạng. Tuy nhiên những thông tin này vẫn được quản lý trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ.
Việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng nhằm bảo đảm sự riêng tư của công dân trong quá trình sử dụng thẻ.
Có thể sử dụng Căn cước điện tử thay Căn cước vật lý
Theo quy định tại Điều 34 Luật Căn cước thì Căn cước điện tử có giá trị sử dụng tương đương với sử dụng thẻ căn cước vật lý trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước;
Bên cạnh Căn cước vật lý còn cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử của công dân để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đã tích hợp đó.
Những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Căn cước
Cụ thể, Điều 7 Luật Căn cước quy định những hành vi bị nghiêm cấm như sau: Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, GCN căn cước trái quy định của pháp luật. Giữ thẻ căn cước, GCN căn cước trái quy định của pháp luật.
Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước.
Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật thông tin, tài liệu về căn cước, CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước.
Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước khi đã đủ 14 tuổi trở lên đối với công dân Việt Nam.
Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, GCN căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, GCN căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, GCN căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, GCN căn cước giả.
Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử trái quy định của pháp luật.
Khai thác, chia sẻ, mua bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.