1. Rượu là thuốc chữa bệnh
Đúng vậy, cồn là một chất khử trùng và tannin ở trong rượu tốt cho tim. Thậm chí, các loại sách dược phẩm của Mỹ và Châu Âu còn ghi nhận rượu là một loại thuốc chữa bệnh. Trong cuốn “Sổ tay thuốc hữu dụng” được State Medical Examining and Licensing Boards xuất bản có đoạn:
“Thực chất, (ethanol) là một chất gây mê, sử dụng quá liều sẽ làm trì trệ và tê liệt hệ thần kinh trung ương. Nếu dùng với liều lượng nhỏ sẽ gây nên trạng thái phấn khích, kích thích hô hấp, giãn nhẹ mạch máu da và nội tạng, điều chỉnh vòng tuần hoàn… Rượu được dùng như chất kích thích khuếch tán, lợi tiểu, làm toát mồ hôi và gây buồn ngủ.”
Bên cạnh đó, rượu còn đóng vai trò như dung môi để chế tạo dược phẩm. Tất nhiên, đừng vội mừng bởi không phải tất cả các loại rượu đều như vậy. Nhìn chung, rượu vẫn gây hại nhiều hơn lợi.
2. Rượu có thể bắt lửa bất cứ lúc nào
Trước đây, nếu muốn thử rượu thật hay giả và hàm lượng cồn trong whiskey, người ta thường đổ 1 ít rượu lên thuốc súng. Nếu whiskey khiến thuốc súng bốc cháy, có nghĩa là nó đã đạt đến “nồng độ chuẩn”. Theo quy ước, nồng độ chuẩn xấp xỉ 100 tương đương với khoảng 49,5% lượng cồn trong rượu. Tuy nhiên, ngày nay điểm bốc cháy này cũng có một chút thay đổi – tức là chỉ cần rượu bắt lửa, chứ không cần thiết phải duy trì ngọn lửa cháy đều.
Về lý thuyết, rượu lỏng không cháy. Ngọn lửa xuất hiện là nhờ dạng khí của cồn. Nồng độ chuẩn càng cao thì tùy theo nhiệt độ, nó sẽ tạo ra càng nhiều hơi nước hơn. Ví dụ như khi để 1 que diêm gần rượu vodka 40 độ, que diêm không bắt lửa. Nhưng khi đưa 1 ngọn lửa nhỏ lại gần, nó sẽ đột ngột bùng lên. Nguyên nhân là do ngọn lửa đã làm rượu nóng lên và bốc hơi nhiều hơn. Hay nếu bạn cẩn thận hâm nóng rượu vodka ở nhiệt độ cao, nó sẽ bắt lửa và cháy mãnh liệt. Chỉ có một lưu ý nho nhỏ là đừng dại dột tự làm điều này ở nhà nếu bạn không muốn bị nổ tan xác pháo.
Khả năng bắt lửa của rượu giảm dần theo độ rượu và nhiệt độ. Do đó, những đầu bếp vẫn đổ 1 ít rượu vào chảo nóng để khiến ngọn lửa bùng lên một cách ngoạn mục cho dù chúng chỉ có 12 độ. Ngược lại, kể cả có tới 100% ethanol nguyên chất thì dung dịch vẫn không thể cháy nếu nó chỉ ở ngưỡng nhiệt 12 độ C hay thấp hơn.
3. Có khoảng 4 x 10^24 ly cocktail đang trôi nổi trong vũ trụ
Vào năm 2006, các nhà thiên văn học bắt đầu tìm kiếm những dải mây cồn khổng lồ đang chu du khắp nơi trong dải thiên hà. Chúng thực sự rất lớn bởi một vài đám mây có đường kính xấp xỉ tới 288 tỉ dặm. Thật không may, hầu hết chúng có cấu tạo từ methanol. Trên trái đất, methanol là sản phẩm phụ tạo ra từ quá trình chưng cất, và cũng rất độc hại. Thế nên, những nhà máy sản xuất rượu tốt thường tìm mọi cách để loại bỏ tối đa methanol ra khỏi sản phẩm của mình. Trong suốt thời kỳ cấm nấu rượu ở Mỹ (1920-1933), đã có rất nhiều người chết bởi những tay rượu lậu để nguyên methanol trong thành phẩm chưng cất, vì chúng cho giá thành rẻ hơn và cũng dễ dàng để thực hiện hơn. Thậm chí, theo một số ý kiến, không những không loại bỏ, những tay rượu lậu còn cho thêm methanol để khiến chai rượu kêu to hơn khi mở.
Tuy nhiên điều đó cũng chẳng sao khi bên ngoài vũ trụ vẫn còn rất nhiều ethanol. Nhiều là bao nhiêu? Không ai có thể biết chắc, nhưng theo tính toán, có khoảng hơn 4 x 10^24 ounce ethanol. Nói cách khác, nó tương đương 4 tỷ tỷ tỷ tỷ cốc rượu. Các nhà khoa học vẫn đang tìm câu trả lời cho vai trò của những đám mây và giải đáp lí do tại sao chúng lại có mặt trong vũ trụ. Có giả thuyết cho rằng, chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành những vì sao. Nghe cũng hay đấy chứ?
4. Rượu làm giảm nhiệt cơ thể
Đã bao giờ bạn cảm thấy rất lạnh và quyết định nhấp 1 ngụm rượu mạnh để làm ấm cơ thể chưa? Cảm giác thật sự tuyệt vời phải không? Nhưng nếu bạn nghĩ rằng rượu làm tăng nhiệt độ cơ thể thì bạn đã lầm to rồi. Sự thực hoàn toàn ngược lại. Việc cảm thấy ấm hơn chỉ đơn thuần là sự đánh lừa của não bộ đối với cơ thể mà thôi!
Khi nhiệt độ giảm xuống, máu sẽ nhanh chóng di chuyển xa khỏi da để duy trì nhiệt độ bên trong và đảm bảo sự hoạt động của các cơ quan quan trọng. Rượu làm mạch máu bề mặt cơ thể giãn ra, giúp máu lưu thông lại. Nhưng khi máu đi qua vùng da bị lạnh, nhiệt độ của máu bị giảm xuống kéo theo đó là sự mất thân nhiệt. Nguy hiểm hơn, tình trạng này càng kéo dài lâu, chúng ta còn có thể bị tử vong.
5. Một chai sâm panh có sức ép gấp 3 lần lốp xe
Một chai sâm panh trông có vẻ nhỏ bé nhưng lại phải chịu một áp suất vô cùng lớn bên trong – lên tới 6kg/cm2. Để dễ hình dung hơn, áp suất của lốp xe vào khoảng 2kg/cm2. Chính vì vậy, các chai rượu đều có dây chằng nút chai bằng kim loại để đề phòng chúng bị bật ra khi di chuyển.
Khi sâm panh xuất hiện lần đầu tiên, người ta đặt cho nó biệt danh “le vin du diable”, có nghĩa là “rượu của quỷ” bởi khi mở rượu, nắp chai sẽ phóng vọt ra ngoài. Vậy áp lực trong chai rượu sâm panh đến từ đâu? Câu trả lời rất đơn giản: quá trình lên men. Người ta đã chứng minh rằng, nút chai rượu sâm panh có thể phóng ra với tốc độ 20m/s. Thế nên, hãy cẩn thận khi mở sâm banh bởi chúng có thể khiến bạn bị mù mắt như chơi.