Trà xanh
Bạn có thể uống 4-5 cốc trà xanh một ngày để giúp cơ thể giải nhệt, giải độc. Ngoài ra, nó còn có tác dụng phòng ngừa một số bệnh như tăng huyết áp, tăng cholesterol... Nên uống trà xanh vào buổi sáng, trưa, chiều; tránh uống vào buổi tối vì loại đồ uống này có thể gây mất ngủ.
Nước dừa
Vào mùa hè, dừa là loại đồ uống giải khát thông dụng và được nhiều người yêu thích. Theo Đông y, nước dừa có vị ngọt ấm, không độc, có tác dụng tăng cường khí lực.
Nước cam, chanh
Các loại hoa quả như cam, chanh có tác dụng sinh tân dịch, cải thiện tình trạng khô khát, trừ nhiệt, dùng để chữa bệnh khô nóng do nhiệt. Trong những ngày nắng nóng, uống một cốc nước cam, chanh sẽ giúp cơ thể dịu lại, giảm nóng bức, khó chịu.
Nước râu ngô
Bạn có thể dùng râu ngô tươi hoặc khô nấu cùng mía lau, lá dứa để lấy nước uống. Râu ngô vị ngọt, tính bình, có tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can. Người bị tăng huyết áp, tiểu đường cũng có thể dùng loại nước này.
Rau má
Bạn có thể lấy 50g rau má tươi, rửa thật sạch rồi xay nhuyễn. Lọc lấy nước và pha thêm với nước lọc hoặc nước dừa để uống. Ngoài ra, có thể dùng rau má để nấu canh hoặc hãm lấy nước uống thay trà trong ngày.
Rau má vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu; thường được dùng trong các trường hợp sốt, chảy máu cam, táo bón do nhiệt, mụn nhọt, rôm sảy...
Bột sắn dây
Bột sắn dây vị ngọt, tính bình có tác dụng giải nhiệt, sinh tân dịch, chữa cảm mạo, phát sốt, ban sởi mới phát, khát nước, mụn nhọt...
Trong bột sắn dây còn có chất isoflavon giúp tăng lượng máu lên não, hỗ trợ giảm huyết áp.
Đậu đen
Đỗ đen giàu chất xơ, chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch, mỡ máu, đột quỵ. Vào ngày hè nắng nóng, bạn có thể nấu đỗ đen lấy nước uống hoặc dùng chè đỗ đen sẽ rất tốt cho việc giải nhiệt cơ thể. Tuy nhiên, khi ăn chè đỗ đen không nên cho quá nhiều đường; không ăn thường xuyên trong nhiều ngày để tránh lạnh bụng, ảnh hưởng tiêu hóa.