8/3 ’nhạt’ dần trong mắt phụ nữ Việt

00:05, Thứ ba 08/03/2011

( PHUNUTODAY ) - "Đôi khi phụ nữ mệt mỏi vì sự sáo rỗng từ phía đàn ông trong ngày 8/3. Lối "mặc cả ngầm" rằng "chiều chuộng chỉ ngày này thôi nhé", "hoa phát chẩn" và cả quà vật chất được "cân" kỹ giá trị khiến họ#160;mất vui...".

"Đôi khi phụ nữ thấy mệt mỏi vì sự sáo rỗng từ phía đàn ông trong ngày 8/3. Lối "mặc cả ngầm" rằng "chiều chuộng chỉ ngày này thôi nhé", "hoa phát chẩn" và cả quà vật chất được "cân" kỹ giá trị khiến họ mất vui...".
Nhà tâm lý - hoạt động xã hội học, TS. Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học Việt Nam) phân tích như vậy về tâm lý nhiều phụ nữ Việt Nam trong ngày Quốc tế Phụ nữ. Dưới đây là trao đổi của ông xung quanh ứng xử của "một nửa thế giới" với ngày của họ.

- Thưa tiến sĩ, ở nhiều nước, 8/3 là ngày kỉ niệm phụ nữ đấu tranh đòi quyền bình đẳng, tự chủ. Ở Việt Nam, ngày này lại dần trở thành ngày đàn ông tôn vinh, chiều chuộng và nâng niu phụ nữ. Ông có nghĩ sự thay đổi này có vẻ chưa đúng với tinh thần ngày 8/3 - "phụ nữ bình đẳng, tự chủ"?
Tôi đồng ý rằng ngày Quốc tế Phụ nữ ở Việt Nam đang biến nghĩa đi. Ban đầu kỷ niệm ngày 8/3 là để đòi tăng lương giảm giờ làm, bênh vực và chống phân biệt đối xử với phụ nữ, đặc biệt là lao động nữ. Hoạt động này trở thành một trào lưu chính thống: đấu tranh cho quyền bình đẳng, quyền sống, quyền phát triển của phụ nữ.

Mô tả ảnh.
TS. Trịnh Hòa Bình: "Món quà của người đàn ông dành những người phụ nữ của mình, trước hết phải là sự thật tâm".

 

Nhưng dần đần 8/3 trở thành ngày tôn vinh, xưng tụng họ. Trong trường hợp này, người đàn ông chia sẻ với phụ nữ, như một đồng minh, xét về phương diện giới. Và tinh thần chiều chuộng 8/3 trở thành một định chế, một chuẩn mực rằng ngày đó đàn ông phải tặng hoa, phải nói lời hay ho tốt đẹp, ngày đó phải để cho phụ nữ được an nhàn.

Tuy nhiên nâng niu phụ nữ theo lối "mặc cả ngầm" rằng "chỉ ngày này thôi nhé" (những ngày còn lại chị em sẽ vẫn đầu tắt mặt tối) thì lại là một cách hiểu méo mó. Và dù ngày 8/3 trở thành dịp đàn ông nâng niu phụ nữ thì nó vẫn nhắc nhở về tinh thần tôn vinh và giải phóng phụ nữ, để cho phụ nữ tự phát triển.

- Để nhắc nhở tinh thần tôn vinh và giải phóng phụ nữ, theo tiến sĩ món quà hay nhất đàn ông tặng họ nên là gì? 
Món quà của người đàn ông dành những người phụ nữ của mình, trước hết phải là sự thật tâm. Phải cho thấy người tặng quà nhìn nhận, khích lệ, biết ơn và yêu thương phụ nữ. Thái độ thật tâm này được mày râu thể hiện không chỉ qua việc tặng một nhành hoa, đưa một món quà hay gửi một lời nói, trao một cử chỉ yêu thương để thừa nhận rằng phụ nữ phải được giải phóng và phát triển.

Thái độ này phải được thể hiện bằng việc tổng xét lại toàn diện: Mình đã thực sự để người phụ nữ của mình được hưởng sự đối xử vì sự tiến bộ chưa, người phụ nữ ấy đã được giải phóng, được tôn vinh thật sự hay chưa.

- Nhưng quan niệm về quà 8/3 cũng đã thay đổi; những món quà tinh thần không còn khiến nhiều phụ nữ cảm động; nhiều chị ghét nhận hoa hồng...

Vâng, có thể xã hội đang xơ cứng vì đồng tiền và quà 8/3 đang bị giảm giá trị nhân văn. Đây đó có "sự tha hóa" trong hành vi tặng và nhận quà. Người tặng quà băn khoăn về mệnh giá của quà cáp, người nhận quà cũng "cân" giá trị vật chất của gói quà (hoặc cái phong bì) để xác định anh ta yêu quý mình đến đâu. Có vẻ có một sự đồng lõa từ cả hai phía và vì sự đồng lõa sai lầm này, quà 8/3 không còn đẹp và được phụ nữ trân trọng như ý nghĩa đích thực của nó nữa.

- Nhiều phụ nữ bối rối khi bị chúc tụng, tặng quà. Họ càng không thấy thoải mái khi người đàn ông của họ nói lời âu yếm, chui vào bếp, hớt hải tìm quà, hoặc chìa ra một cái phong bì. Có người thậm chí còn nói “không có cảm giác gì” trong ngày 8/3 và không có ngày này cũng được. Ông nghĩ sao về những phát ngôn này? Liệu có phải phụ nữ nhạt dần với ngày “thế giới tôn vinh họ”?

Thực ra đôi khi người phụ nữ thấy mệt mỏi vì sự sáo rỗng từ phía đàn ông trong ngày này. Bởi vì trong hàng trăm lời nói yêu thương trong ngày này, tỉ lệ khá lớn là những lời "có cánh" chứ không phải là thực tâm.

Nhất là ở các cơ quan, nhiều người nghĩ cái ngày này là để phụ nữ đòi một cái gì đó hơn ngày thường. Thế là đàn ông lũ lượt ôm hoa đến để... phát chẩn. Thậm chí cơ quan lấy tiền quĩ ra để bố trí cho riêng chị em một buổi liên hoan, một chuyến picnic như là chỉ có làm như thế thì mới là tôn vinh phụ nữ, khiến cả đàn ông lẫn phụ nữ đều không thấy vui.

Mô tả ảnh.
Phụ nữ Việt nhạt dần với ngày được thế giới tôn vinh? Ảnh minh hoạ. Nguồn: getty imageges.

 

- Để vui một cách thật sự và tận hưởng Ngày Phụ nữ, đa số chị em thường cho phép mình thoả mãn các thú vui rất "đàn bà": shopping, cafe, tiệc tùng, quà vặt. Ông nghĩ sao về hiện tượng này từ góc độ nghiên cứu xã hội học?
Người phụ nữ thích tự thưởng hơn bởi vì khi người ta đưa ra những cái quyết định tối hậu về chuyện tự thưởng như vậy tức là họ làm chủ hoàn toàn bản thân. Họ nhận ra những lời chúc mừng sáo rỗng, những món quà ban phát giống như là ân huệ, như là một cố gắng, một nỗ lực hơn là sự thành tâm. Và chị em thấy không hay ho gì khi đối tác không hoàn toàn tự nguyện, không thực sự vui khi biếu, tặng, cho. Thế nên phụ nữ tự thưởng cho mình, để thấy mình được giải thoát, mình cao hơn cái phần quà biếu mà người đàn ông trao chỉ để làm cái việc không thể tránh trong ngày 8/3.

Thái độ "nhạt" với quà 8/3 hoặc hành động "tự thưởng" trong ngày này chính là sự khẳng định đầy quyết đoán quyền tự chủ, bình đẳng của phụ nữ Việt.

- Xin cảm ơn ông!

  • Phước Hạnh (thực hiện)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc