Tết Đoan Ngọ thường được diễn ra vào ngày 5/5 Âm lịch và được biết đến với tên gọi dân dã là “Tết giết sâu bọ". Đây cũng là dịp để gia đình sum họp, con cháu đi làm ăn xa quay về quây quần bên ông bà, cha mẹ và thưởng thức những món ăn đặc biệt này.
Cơm rượu nếp
Sẽ không quá lời nếu nói cơm rượu nếp là món ăn phổ biến và được nhiều người tìm mua nhất vào ngày Tết Đoan ngọ. Sở dĩ như vậy là do trong quan niệm người xưa, hệ tiêu hoá chính là nơi sâu bọ “trú ngụ" và sinh sôi nảy nở. Nếu không được “diệt trừ" kịp thời thì chúng sẽ sinh sản nhiều hơn và gây nhiều tác hại cho cơ thể.
Trong khi đó, cơm rượu nếp được làm từ cơm nếp và men rượu và là thực phẩm giàu tinh bột cũng như các vitamin B, B1… nên có thể hỗ trợ “diệt sâu bọ" hiệu quả.
Hoa quả: vải, mận, đào
Vào ngày tết Đoan ngọ, những loại trái cây có vị chua - đắng - chát, ngọt như đào, mận, vải… thường được “ưu tiên" để giết sâu bọ. Ngoài ra, đây cũng là những trái cây thường thấy vào mùa hè nên vừa ngon vừa rẻ. Tuy nhiên, bạn không nên ăn những trái cây này khi đói bụng để không ảnh hưởng đến dạ dày.
Bánh gio
Là loại bánh có dáng thuôn dài hoặc hình chóp, bánh gio có vị thanh mát và mùi hơi ngai ngái đặc trưng từ nước tro. Đây là món ăn truyền thống của nhiều nơi Bắc bộ và được không ít người yêu thích.
Nguyên liệu để làm bánh gio thường gồm có gạo nếp, lá dong hoặc lá chuối, nước tro và mật mía. Bánh tro có tác dụng thải độc, thanh nhiệt lợi tiểu… nên phù hợp cả với người mắc bệnh cao huyết áp, sỏi thận…
Thịt vịt
Trong ngày tết Đoan ngọ, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, rất nhiều người tìm mua và làm các món ăn liên quan đến vịt như vịt luộc, vịt nướng, vịt nấu chao, bún măng vịt, gỏi vịt… Trong tiếng Hán, vịt còn được gọi là “áp" nên mang ý nghĩa xua đuổi, trấn áp sự xâm nhập của tà khí, bệnh tật. Không những vậy, thịt vịt còn giàu dinh dưỡng, có cách chế biến đa dạng và giúp bồi bổ sức khoẻ hiệu quả.
Theo người xưa thì tháng 5 Âm lịch thường là dịp hè, vì thế thời tiết khá nóng nực, oi bức. Trong khi đó thịt vịt lại có tính mát và bổ dưỡng nên phù hợp ăn trong dịp này. Bên cạnh đó, những người có kinh nghiệm thì vịt bắt đầu vào mùa khoảng thời gian này nên thường béo, ngon hơn và không có mùi hôi.
Chè trôi nước
Nếu như bánh gio được ăn nhiều trong ngày 5/5 Âm lịch ở miền Bắc thì đối với người dân miền Nam, chè trôi nước là món ăn không thể bỏ qua trong dịp tết Đoan ngọ. Để làm chè trôi nước, người ta sẽ sử dụng bột nếp và nhồi đến khi có được một khối bột mềm dẻo thì nặn thành những viên tròn nhỏ với nhân đậu xanh. Tiếp đó, họ mang các viên bột này đi nấu cùng nước gừng đường để món ăn có hương thơm và mùi nồng ấm đặc trưng. Tuỳ vào khẩu vị, bạn có thể ăn chè trôi nước cùng nước cốt dừa, đậu phộng hoặc mè rang.
Ngoài những món ăn đặc trưng trên thì người ta còn ăn bánh khúc, chè kê… trong dịp này
Tác giả: Minh Thu
-
Cách làm sạch bồn cầu đóng cặn vàng nhanh chóng, hiệu quả
-
3 cây cảnh được ví như “thần hộ mệnh”, trồng trong nhà vừa giúp khử mùi hôi vừa thu hút may mắn, tiền bạc
-
Người xưa nói "tre trúc nở hoa là tai ương sắp tới": Cây tre trước nhà ra hoa có sao không?
-
Cách bảo quản tỏi cực lâu, để nhiều tháng không hỏng, không ọp
-
Cách đuổi thạch sùng ra khỏi nhà hiệu quả