Bác sĩ dặn 5 việc không nên làm trước và sau khi trẻ tiêm vắc xin nCoV: An toàn là trên hết

( PHUNUTODAY ) - Hiện nay, việc tiêm phòng nCoV cho trẻ đang được tiến hành ở nhiều tỉnh thành. Các bậc phụ huynh có chung tâm lý lo lắng khi con em mình tiêm ngừa, vậy cần lưu ý gì trước và sau khi tiêm phòng cho trẻ?

2 điều không nên làm trước khi tiêm vắc xin cho trẻ như sau:

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt trước khi đưa con đi tiêm

Vì lo lắng cơ thể của con mình có thể phản ứng mạnh với vắc xin, nhiều bố đã cho trẻ uống thuốc hạ sốt hoặc nước tía tô để phòng ngừa sốt trước khi tiêm chủng.

Thế nhưng theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, đây là việc làm không cần thiết.

Chuyên gia này giải thích, cũng giống như người lớn, trẻ em sau khi tiêm vắc xin có thể gặp một số phản ứng ở mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu... Đây là những phản ứng bình thường khi vắc xin kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể và sẽ tự khỏi sau vài ngày.

Vì thế, việc dùng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt trước khi tiêm vắc xin để ngăn ngừa các tác dụng phụ sau tiêm chủng không được khuyến cáo.

Cho trẻ uống nước tía tô trước khi đi tiêm

Bác sĩ Chính cho biết, theo y học cổ truyền, tía tô là loại dược liệu có tác dụng hạ sốt, giúp giảm đau, giải độc, vã mồ hôi, hỗ trợ điều trị mề đay, mẩn ngứa.

Thế nhưng chưa có tài liệu chính thống nào đề cập về tác dụng phòng ngừa phản ứng phụ sau tiêm vắc xin của tía tô, cũng như chưa có khuyến cáo nào từ các chuyên gia là nên cho trẻ uống nước tía tô trước khi tiêm chủng.

Hơn nữa, nếu uống quá nhiều nước tía tô sẽ gây đầy hơi, chướng bụng và một số tác dụng không mong muốn khác có thể xảy ra cho trẻ.

3 điều không nên làm sau khi tiêm vắc xin cho trẻ bao gồm

Không theo dõi kỹ sau khi trẻ được tiêm vắc xin

Sau khi tiêm vắc xin xong, nhiều bố mẹ cho con mình về nhà luôn mà không theo dõi kỹ các phản ứng.

Mặc dù hầu hết phản ứng ở trẻ sau tiêm chủng đều ở mức độ nhẹ, một số ít ở mức độ vừa, nhưng vẫn có một số trường hợp trẻ phản ứng ở mức độ nặng (phản ứng phản vệ), dù rất hiếm, thế nhưng cũng không được chủ quan.

Bởi khi trẻ bị phản vệ sau tiêm vắc xin từ độ II trở lên, nếu không được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời, có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Vì vậy theo Bác sĩ Chính, sau khi tiêm trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi 28 ngày sau khi tiêm. Đặc biệt cần theo dõi trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng.

Bôi đắp lên vết tiêm khi thấy biểu hiện sưng đỏ

Nhiều người dùng các loại thuốc, lá cây, thậm chí lòng trắng trứng bôi, đắp lên vết tiêm khi thấy có biểu hiện sưng đỏ. Thế nhưng đây cũng chỉ là phản ứng phụ thông thường của vắc xin.

Bác sĩ Chính khuyến cáo, không được tự ý bôi hoặc đắp các thứ lên vết tiêm. Bởi vì điều này có thể sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào cơ thể trẻ, gây nên nhiễm trùng vết tiêm, thậm chí là bội nhiễm, từ đó dẫn đến nhiễm khuẩn huyết vô cùng nguy hiểm.

"Khi vết tiêm sưng, đỏ, cha mẹ có thể chườm mát để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ. Nếu như thấy bé đau quá, có thể sử dụng thuốc giảm đau (paracetamol) sau khi đã xin ý kiến của bác sĩ. Khi bế trẻ cần tránh chạm vào vết tiêm của con", bác sĩ Chính khuyến cáo.

Vận động mạnh, hoạt động thể thao quá mức sau khi tiêm

Ít nhất trong 3 ngày sau tiêm vắc xin cho trẻ, cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo cần yêu cầu trẻ tránh vận động mạnh và hoạt động thể thao cường độ cao

PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng cảnh báo: “Sau tiêm, các bé hoạt động mạnh sẽ tăng thêm áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không may trẻ gặp phản ứng phụ này. Theo các số liệu thống kê tới nay, viêm cơ tim xảy ra nhiều hơn ở mũi thứ 2 và xảy ra ở bé trai nhiều hơn trẻ gái”.

Tác giả: Thạch Thảo