Chia sẻ trên Infonet, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), thành viên Tiểu ban Điều trị Covid- 19 cho hay biến chủng Delta lây lan nhanh là điều mà chúng ta ai cũng thấy rõ trong thời gian qua. Tuy nhiên, có điểm đặc thù mới cần theo dõi. Đó là biến chủng này tấn công trẻ em và người trẻ khá nhiều và không phải là không có tử vong ở người trẻ.
Ths. BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cũng chia sẻ quan điểm này. Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, trong đó trẻ cũng dễ dàng nhiễm bệnh.
BS Hà cho biết: "Giai đoạn đầu, trẻ mắc bệnh ít có bệnh lý nền, tỷ lệ nhẹ nhiều hơn. Tuy nhiên, gần đây do biến thể Delta lây lan rất mạnh nên vi rút bắt đầu tấn công vào nhóm trẻ (chưa được tiêm phòng). Trong số đó cũng có những trường hợp nặng, viêm phổi, song ở nhóm này nếu điều trị hỗ trợ tích cực thì khả năng sống sót cao hơn".
Cũng theo BS Hà, biến thể này có thể làm bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, chưa loại trừ được các yếu tố khác nên chưa thể khẳng định chắc chắn điều này. Nhưng có một điều khẳng định được là khi virus lây lan mạnh, sô lượng bệnh nhân tăng lên gây quá tải cho hệ thống y tế, gây thiếu giường, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị...; nhiều người không được chăm sóc y tế đầy đủ kéo theo tỷ lệ không qua khỏi tăng cao hơn.
BS Hà chia sẻ, với biến thể Delta, thời gian từ lúc phát bệnh (có triệu chứng ban đầu) đến lúc bệnh trở nặng nhanh hơn so với chủng virus cổ điển. Ví dụ, trước đây người bệnh phải qua 7, 8, thậm chí 10 ngày mới chuyển nặng thì nay chỉ sau 3-5 ngày bệnh nhân đã viêm phổi, có thể suy hô hấp. "Thời gian trở nặng ngắn hơn, lượng bệnh nhân lớn càng làm cho hệ thống y tế quá tải", BS Hà nói.
Theo ông, mức độ nặng của bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động. Ngoài vấn đề tuổi tác, bệnh nền, béo phì... còn có phản ứng của cơ thể đối với virus. Người có phản ứng bình thường thì bệnh diễn tiến đơn giản và cũng nhanh lành bệnh. Trong khi đó, có những trường hợp phản ứng quá mức gây tổn hại nặng nề cho các cơ quan trong cơ thể như cơn bão cytokine.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội chỉ ra các gợi ý giúp phát hiện sớm dấu hiệu F0 đang theo dõi, điều trị tại nhà cần được cấp cứu.
Các triệu chứng ở người lớn
- Thần kinh: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả.
- Hô hấp: Khó thở, thở hụt hơi, hoặc nhịp thở nhanh > 25 lần/phút hoặc SpO2 ≤ 94%
- Nhịp tim: > 120 nhịp/ phút hoặc < 50 nhịp/phút
- Huyết áp thấp: Huyết áp tâm thu < 90mmHg, huyết áp tâm trương < 60mmHg
- Đau tức ngực: Đau thường xuyên, cảm giác co thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Chi: Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân; da xanh, môi nhợt, lạnh đầu chi.
- Toàn thân: Bất kỳ tình trạng bất ổn nào mà người bệnh nghĩ rằng mình cần cấp cứu ngay.
Các triệu chứng ở trẻ nhỏ
- Tím tái.
- Không thể uống/bú được.
- SpO2 ≤ 94%.
- Ho, khó thở hoặc thở nhanh: nhịp thở lớn ≥ 60 lần/phút ở trẻ dưới 2 tháng; ≥ 50 lần/phút ở trẻ 2-11 tháng, ≥ 40 lần/phút ở trẻ 1-5 tuổi.
- Thở rên hoặc rút lõm lồng ngực.
- Toàn thân là bất kỳ tình trạng bất ổn nào cần được cấp cứu.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Biến chủng mới Delta plus nguy hiểm như thế nào?
-
Phát hiện triệu chứng nhiễm Delta đã thay đổi rõ rệt: Khác biệt rõ ở người chưa tiêm, tiêm 1 mũi hay 2 mũi
-
Biến thể Delta đang 'bành trướng' thế giới, virus 'khỏe hơn', lây lan nhanh hơn: Chuyên gia khuyến cáo điều cần làm
-
Khoảng thời gian người bệnh nCoV dễ lây cho người khác nhất: 'Còn không rõ mình là F0 từ lúc nào'
-
Vắc xin có đủ "đánh bại" biến chủng Delta ?