Biến thể Delta đang 'bành trướng' thế giới, virus 'khỏe hơn', lây lan nhanh hơn: Chuyên gia khuyến cáo điều cần làm

( PHUNUTODAY ) - Theo CDC Mỹ và WHO, virus đã trở nên ‘khỏe hơn’ và thế giới cần có những cách ứng phó mới trong trận chiến chống lại Covid-19.

Delta lây nhanh hơn ra sao?

Theo thông tin của tờ Reuters, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, cuộc chiến chống Covid-19 đã thay đổi vì biến thể Delta dễ lây lan.

Một tài liệu nội bộ của CDC Mỹ cho biết, biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ và hiện đang chiếm ưu thế trên toàn cầu. Biến thể này có khả năng lây lan như bệnh thủy đậu và sức lây mạnh hơn nhiều so với cảm lạnh hoặc cúm thông thường. Ngay cả những người đã tiêm vaccine Covid-19 thì vẫn có thể nhiễm biến thể Delta và gây ra bệnh nặng hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đó.

Theo các nghiên cứu, biến thể Delta yêu cầu thế giới cần chuẩn bị cách tiếp cận mới để giúp công chúng hiểu được mối nguy hiểm này. Trong đó, người dân cần phải hiểu rằng những người chưa được tiêm vaccine sẽ có nguy cơ ốm nặng hoặc tử vong cao hơn gấp 10 lần so với những người đã được tiêm phòng.

Delta

Các biện pháp để phòng ngừa được khuyến nghị bao gồm bắt buộc tiêm vaccine đối với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và áp dụng trở lại quy định đeo khẩu trang toàn cầu.

Theo thông tin CDC Mỹ cho biết, thống kê đến ngày 26/7, có khoảng 6.587 người Mỹ nhiễm Covid-19 sau khi được tiêm chủng đầy đủ và phải nhập viện hoặc đã tử vong và ước tính có khoảng 35.000 người nhiễm Covid-19 có triệu chứng mỗi tuần ở Mỹ.

Ở những nước khác trên thế giới chưa có nhiều người được tiêm chủng thì biến thể Delta đã khiến tỷ lệ tử vong và nhập viện tăng cao. Ngay cả các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới, số ca mắc Covid-19 vẫn tăng lên. Mặc dù vaccine phòng dịch giúp giữ cho tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất thế nhưng nền dân số chung vẫn dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là những người từ chối tiêm vaccine.

Tiêm rồi vẫn cần phòng bệnh nghiêm túc

Theo CNN, hơn 80% người trên 65 tuổi ở Mỹ đã tiêm đủ vắc xin và tỉ lệ này cũng tương đương với tỉ lệ người trẻ chưa tiêm ở nước này. Thực tế là ngày càng nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh và họ cũng đang chiếm phần lớn các ca nhập viện ở Mỹ.

Thậm chí, những người đã tiêm đủ vắc xin vẫn có thể mắc bệnh. Không có vắc xin nào có hiệu quả bảo vệ 100%, và hàng ngàn người đã chủng ngừa đã nhiễm Covid-19.

Theo nghiên cứu công bố ngày 30-7 của CDC, ổ dịch tại thị trấn Provincetown, bang Massachusetts có 74% trong tổng 469 ca bệnh đã tiêm chủng đầy đủ, trong đó có 4 người phải nhập viện điều trị.

"Xét nghiệm phát hiện biến thể Delta trong 90% mẫu bệnh phẩm của 133 bệnh nhân", nghiên cứu của CDC nêu.

Đây là nghiên cứu lớn đầu tiên đi ngược lại với bằng chứng ban đầu, trong đó cho thấy những người đã chủng ngừa sẽ không mắc bệnh nặng, thậm chí bệnh do biến thể Delta và các biến thể khác của virus corona.

Giám đốc CDC, tiến sĩ Rochelle Walensky cũng nói vắc xin có thể ngăn chặn 90% trường hợp bệnh nặng nhưng ít hiệu quả hơn trong việc phòng bệnh hay lây nhiễm cho người khác.

"Do đó, ngày càng có nhiều ca nhiễm đột phá và ca lây nhiễm trong cộng đồng dù đã tiêm" - bà Walensky nhận định. Ca nhiễm đột phá chỉ trường hợp đã tiêm đủ vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh.

Nghiên cứu của CDC cũng cho thấy người đã tiêm đủ vắc xin khi mắc bệnh cũng có tải lượng virus tương tự người chưa tiêm chủng. Vì lý do này, CDC khuyến nghị những người đã tiêm chủng vẫn nên đeo khẩu trang khi tham dự các sự kiện công cộng trong không gian kín.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link