Cơn sốt mạng xã hội "thịt thằn lằn thạch sùng chữa hen suyễn", chuyên gia lên tiếng

( PHUNUTODAY ) - Gần đây thông tin thằn lằn chữa hen suyễn đang "bùng nổ" trên mạng xã hội khiến nhiều người "chạy theo". Thực hư ra sao?

Gần đây trên mạng xã hội lan truyền video về việc cho trẻ ăn thịt thằn lằn để trị hen suyễn. Theo đó thằn lằn được chiên lên rồi cho trẻ ăn, đặc biệt tốt với trẻ dưới 6 tuổi để trị hen suyễn. Chủ nhân của video này cũng thường xuyên nói về thằn lằn. Nhiều người xem video và có thông tin còn cho rằng phải cho trẻ nuốt sống thằn lằn.

Thực tế thì câu chuyện này từng lưu truyền trong dân gian từ lâu về phương pháp ăn thằn lằn ở một số vùng quê để chữa bệnh. Xa xưa nhiều người khi đói kém cũng đã nướng thằn lằn làm thức ăn. Nhiều người vào xem video thằn lằn cũng chia sẻ họ từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và từng trải nghiệm với thằn lằn. 

Ý kiến chuyên gia

Theo tran điện tử báo Thanh niên đưa tin, tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền - Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết thạch sùng (thằn lằn) là loài động vật thường sinh sống ở trên trần, tường của ngôi nhà và hoạt động tích cực vào ban đêm.

Trong y học cổ truyền, thạch sùng vị mặn, tính hàn, ít độc, có tác dụng bổ phế thận, tốt tinh huyết, chỉ khái định suyễn, an thần, chống co giật... Thạch sùng thường được dùng để chữa các chứng bệnh như trúng phong tê liệt (liệt bại do tai biến mạch não), trẻ em kinh phong (co giật), trẻ em cam tích, lao hạch, hen phế quản, ho ra máu, viêm đa khớp dạng thấp, các chứng đau do thần kinh, nấm da...

Mặc dù thằn lằn là 1 vị thuốc nhưng khi dùng cần phải chú ý bởi vì:

Thằn lằn thạch sùng có thể bị một số bệnh: Đây là động vật có xương sống nên có thể bị ảnh hưởng bởi mầm bệnh, hoặc bị nhiễm ký sinh trùng. Thạch sùng bị nhiễm nhiều loại ký sinh trùng bên ngoài và bên trong, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Một số loài thằn lằn nhỏ có chứa độc tố có thể bị nhầm lẫn với thạch sùng, nếu không cẩn thận có thể gây ngộ độc khi sử dụng.

Trong loài động vật này có thể có nhiều vi khuẩn, nấm, nhất là khuẩn nguy hiểm Salmonella, một loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm trùng huyết và nguy hiểm đến tính mạng.

Trong gia đình những chú thạch sùng thường ăn muỗi, gián và chúng không quấy phá, khá lành tính.  Việc sử dụng thạch sùng trong y học cổ truyền cho điều trị hen suyễn mặc dù có ghi nhận theo kinh nghiệm dân gian nhưng đến hiện nay vẫn chưa đủ các chứng cứ khoa học để ủng hộ cho cách điều trị này.

Hen suyễn là loại bệnh có thể nguy hiểm khi cơn hen suyễn cấp. Do đó gia đình có người hen suyễn nên tuân theo điều trị của bác sĩ tránh lơ là, đặc biệt khi trời trở lạnh. 

Tác giả: An Nhiên