Dấu hiệu nguy hiểm khi con bị ngã đập đầu xuống đất cần mang đến bệnh viện

( PHUNUTODAY ) - Khi bé nhà bạn bị ngã đập đầu xuống đất, bạn cần phải là gì để nhận biết vết thương của bé quá nghiêm trọng.

Không ít bố mẹ luôn xem nhẹ việc con bị ngã đập đầu xuống đất bởi quan niệm " ngã mới lớn được". Tuy nhiên, điều này luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của trẻ. 

Hộp sọ là vỏ bọc tốt nhất giúp bảo vệ não bộ. Nó được bao phủ bởi lớp da với hệ thống mạch máu chằng chịt. Cần phân biệt chấn thương hộp sọ và chấn thương não bộ. Trong đa số trường hợp, khi ngã trẻ chỉ bị chấn thương hộp sọ mà thôi. Nếu da bị rách thì máu có thể chảy rất nhiều. Mạch máu dưới da bị vỡ cũng có thể gây tụ máu, tạo nên khối u bướu lớn. Cục bướu này sẽ xẹp đi nhanh chóng nếu được chườm lạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Đối với trẻ nhỏ, sự nguy hiểm nhất là mối lo ngại sau khi bé ngã chính là tổn thương não bộ, dưới dạng chảy máu hoặc chấn động não do va đập. Khối xuất huyết hoặc tình trạng phù nề sẽ gây chèn ép não, thể hiện ra ngoài bằng một loạt dấu hiệu, sau đây gọi là dấu hiệu chấn thương sọ não.  

Hãy theo dõi những triệu chứng khi trẻ bị ngã đập đầu xuống đất

Có một số trẻ sau khi bị té u đầu sẽ không có nhiều triệu chứng rõ rệt ngoài vết u. Nhưng vài hôm sau lại có dấu hiệu co giật, sốt, nôn ói… Đây là những dấu hiệu rất quan trọng để mẹ có thể nhận ra ngay tình trạng biến chứng nguy hiểm sau cú trẻ bị ngã đập đầu xuống đất. Các dấu hiệu khác cảnh báo những diễn biến xấu sau cú té đập đầu bao gồm: buồn ngủ, ngủ li bì, khó chịu, kém ăn, khóc quấy, cử động khó khăn ở một vài nơi trên cơ thể.

Vì vậy, các mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám.

Những biểu hiện của trẻ sau khi bị ngã đập đầu xuống đất cần đưa đến bệnh viện

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trường hợp bé bất tỉnh: Nếu bé bị bất tỉnh, dù chỉ vài giây, cũng có thể nghĩ rằng lực va đập đủ mạnh để gây khối máu tụ. Nếu bé khóc thét ngay sau khi ngã thì cha mẹ có thể yên tâm là con mình vẫn tỉnh táo.

Rối loạn tri giác: Ngay sau ngã, bé vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại có những dấu hiệu bất thường như kích động khó dỗ, lơ mơ, tiếp xúc kém (bé không thể tập trung chú ý vào bạn, không nhìn vào mắt bạn, không làm theo yêu cầu của bạn, không nhận ra người thân trong gia đình…). Nếu bé chống cự không cho bạn chườm lạnh thì bạn có thể yên tâm là bé vẫn tiếp xúc tốt.  

Nếu bé nôn từ 3 lần trở lên thì cần đi khám bác sĩ. Thông thường, sau khi ngã, ngay cả khi không có chấn thương sọ não, nhiều bé vẫn có thể nôn 1 hay 2 lần, do khóc, ho hoặc đơn giản là do sự va đập của hộp sọ. Đề phòng trường hợp bé nôn, trong vòng vài giờ đầu sau khi bị ngã, chỉ nên cho bé uống nước trong hoặc bú sữa mẹ, không nên cho bé dùng thức ăn đặc.

Đi loạng choạng, mất thăng bằng: Sau khi ngã, nhiều bé có thể kêu chóng mặt. Điều này không có gì nguy hiểm. Nhưng nếu bé bị mất thăng bằng và ngã lên ngã xuống khi đi thì cần đi khám bác sĩ ngay. Khi bé chơi, hãy theo dõi xem bé có làm được mọi chuyện như trước không (ngồi thẳng, đi lại vững vàng, di chuyển tay chân bình thường) hay bé loạng choạng, kéo lê chân, mất phương hướng… Nếu bé chưa biết đi thì để ý xem có gì bất thường khi bé ngồi, bò hoặc dùng tay không.Quấy khóc nhiều bất thường, không thể dỗ.

Đau đầu liên tục, đặc biệt xấu nếu đau đầu ngày càng tăng. Dấu hiệu mắt: Trong vòng 24 giờ sau ngã có thể xuất hiện các dấu hiệu như mắt lác, đồng tử hai bên không đều, bé vấp ngã hoặc lao vào các đồ vật như thể không nhìn thấy chúng. Trẻ lớn có thể nhìn mờ, nhìn đôi (nhìn một hóa hai). Chảy máu hoặc chảy nước từ lỗ mũi hoặc lỗ tai

Tác giả: Hồ Thị Huyền Trang