Đêm ngủ có nên bật điều hoà 28-29 độ không?
Điều hoà là thiết bị làm mát được nhiều người sử dụng vào mùa hè. Tác dụng làm mát của nó rất tốt nhưng lượng điện tiêu thụ lại khá cao. Vì vậy, khi sử dụng điều hoà, mọi người cũng phải cân nhắc khá nhiều.
Trong quá trình sử dụng thiết bị này, việc để nhiệt độ bao nhiêu có ảnh hưởng đến lượng điện tiêu thụ. Về lý thuyết, nhiệt độ của điều hoà càng thấp thì lượng điện tiêu thụ càng nhiều. Ngược lại, cài đặt điều hoà ở nhiệt độ cao sẽ giúp tiết kiệm điện.
Theo các chuyên gia, điều hoà sẽ mang lại công dụng làm mát tốt nhất khi nhiệt độ ngoài trời dưới 48 độ C và nhiệt độ trong phòng trên 19 độ C.
Trong khi đó, muốn tiết kiệm điện khi sử dụng điều hoà, bạn nên để nhiệt độ trong phòng chênh lệch khoảng 6-10 độ so với nhiệt độ ngoài trời.
Ví dụ như nhiệt độ ngoài trời khoảng 38 độ C thì nhiệt độ trong phòng nằm trong khoảng 28 độ C là đủ mát mà không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nếu để điều hoà hoạt động ở nhiệt độ dưới 25 độ C thì thiết bị sẽ ngốn nhiều điện hơn và cũng tạo ra sự chênh lệch khá lớn giữa bên trong và bên ngoài phòng, dễ dẫn tới tình trạng sốc nhiệt cho con người khi bước ra ngoài.
Nhiều người cho rằng việc để điều hoà ở khoảng 28-29 độ C vào ban đêm sẽ giúp tiết kiệm điện. Điều này đúng về lý thuyết nhưng cũng phải cân nhắc với tình hình thực tế. Việc cảm nhận nhiệt độ của mỗi người là khác nhau. Đối với một số người, mức nhiệt 28 độ C là vừa đủ. Tuy nhiên, cũng có người cảm thấy mức này vẫn nóng và cần phải hạ nhiệt độ xuống thấp hơn. Thay vì chọn cố định một mức nhiệt, bạn nên lựa chọn theo cảm nhận của bản thân. Mức nhiệt độ trên 26 độ C là đã giúp bạn tiết kiệm được kha khá tiền điện rồi.
Cách sử dụng điều hoà tiết kiệm điện
Chọn chế độ Sleep vào ban đêm
Khi sử dụng điều hoà vào ban đêm, bạn có thể sử dụng chế độ Sleep (chế độ ngủ). Với chế độ này, điều hoà sẽ tự động tăng nhiệt độ sau một khoảng thời gian nhất định (thường là 1 tiếng). Qua một khoảng thời gian cố định, điều hoà sẽ tăng thêm 1 độ C. Qua khoảng 2-3 lần tăng thì điều hoà sẽ duy trì nhiệt độ ở mức nhiệt đó cho tới khi bạn tắt điều hoà.
Chẳng hạn như khi đi ngủ, bạn để điều hoà ở mức 26 độ C và chọn chế độ Sleep thì sau 1 tiếng, điều hoà sẽ tăng nhiệt độ lên 27 độ C. Sau 1 tiếng tiếp theo, điều hoà tăng tiếp 1 độ nữa thành 28 độ và duy trì ở mức này. Thời gian và mức độ điều chỉnh nhiệt độ có thể khác nhau ở từng dòng điều hoà.
Sử dụng thêm quạt
Khi mới bật điều hoà, bạn có thể bật thêm quạt để không khí trong phòng lưu chuyển tốt hơn, hơi lạnh được đưa đến khắp phòng nhanh hơn. Cách này giúp làm mát phòng nhanh và tiết kiệm điện hơn so với việc bạn hạ nhiệt độ điều hoà xuống rất thấp vói mong muốn làm mát nhanh.
Sau khi căn phòng đã đủ mát, hãy tắt quạt và để điều hoà hoạt động bình thường.
Không bật tắt điều hoà liên tục
Nhiều người cho rằng chỉ cần bật điều hoà cho phòng đủ mát là có thể tắt đi và sử dụng quạt. Sau đó, khi phòng nóng lên thì lại bật điều hoà. Tuy nhiên, cách này khiến điều hoà phải khởi động lại liên tục gây tốn điện và thiết bị cũng nhanh hỏng hơn. Bạn nên chọn mức nhiệt ổn định và để điều hoà hoạt động liên tục. Máy sẽ tự ngắt nghỉ khi nhiệt độ trong phòng đạt mức cần thiết. Trước khi ra khỏi phòng 30 phút, bạn có thể tắt điều hoà và sử dụng quạt để cơ thể làm quen với nhiệt độ, tránh tình trạng sốc nhiệt khi bước ra bên ngoài.
Tác giả: Thanh Huyền