Nhiều F0 khỏi bệnh bị hụt hơi, khó thở: BS chỉ 3 điều cần làm để dự phòng di chứng

( PHUNUTODAY ) - Nhiều F0 khi bệnh thì bình thường nhưng sau khi âm tính mới bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, khó thở. Có trường hợp triệu chứng kéo dài tới vài tuần, thậm chí để lại di chứng nặng nề.

Bên cạnh việc số ca nhiễm tăng nhanh, thì vấn đề hậu Covid-19 cũng đang được nhiều người quan tâm. Rất nhiều F0 sau khi khỏi bệnh gặp các triệu chứng kéo dài tới vài tuần, thậm chí tới vài tháng.

PGS.TS.BS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết các triệu chứng hay gặp hậu Covid-19 biểu hiện ở đa cơ quan, trong đó các biểu hiện về hô hấp là phổ biến.

Có cả những trường hợp khi mắc bệnh thì biểu hiện nhẹ nhưng sau khi âm tính mới bắt đầu có các triệu chứng nặng hơn.

Bác sĩ Phương cho rằng nhiều người trẻ không có triệu chứng khi nhiễm bệnh vẫn có thể mắc hội chứng hậu Covid-19. Do đó, người bệnh cần theo dõi những biểu hiện bất thường của bản thân, không nên chủ quan, đặc biệt là các biểu hiện về đường hô hấp.

Các di chứng hậu Covid-19

PSG Phan Thu Phương cho biết, hội chứng Covid-19 kéo dài có biểu hiện đa dạng, có thể gặp ở nhiều cơ quan. Ngoài các triệu chứng hô hấp (ho khan kéo dài, ho khạc đờm, đau họng, hụt hơi, khó thở, đau tức ngực...), người bệnh có thể gặp các biểu hiện về tiêu hóa (buồn nôn, nôn, đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa).

Ngoài ra, một số người bệnh còn gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như mệt mỏi kéo dài, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, lo lắng, giảm tập trung, rối loạn cảm xúc... Bên cạnh đó, một số biểu hiện về thần kinh thường gặp ở các F0 sau khỏi bệnh là đau đầu, chóng mặt, mất vị giác, khứu giác, giảm trí nhớ (sương mù não)...

PSG Phương cho biết với các triệu chứng bất thường thì cần thăm khám và đánh giá về mức độ, đồng thời cần loại trừ nguyên nhân gây bệnh khác trước khi kết luận chúng có thuộc hội chứng hậu Covid-19 hay không.

Ảnh minh họa

Những nhóm người có nguy cơ cao mắc hội chứng hậu Covid-19

- Người trên 60 tuổi, có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, bệnh thận mạn tính, bệnh gan mạn tính, bệnh máu mạn tính, ung thư, suy giảm miễn dịch…

- Người bệnh có chỉ định liệu pháp oxy tại nhà, đặc biệt là nhóm người bệnh nặng phải hỗ trợ thở máy trong thời gian bị nhiễm Covid-19.

- Người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 cơ bản.

3 điều cần nhớ để dự phòng hậu Covid-19

PGS Phan Thu Phương đưa ra 3 khuyến cáo để dự phòng di chứng hậu Covid-19 cho người bệnh gồm:

Tiêm vắc xin để phòng nhiễm bệnh. Theo PGS Phương, đây là điều đầu tiên và quan trọng nhất phải làm.

Thứ hai, nếu không may bị nhiễm bệnh, người bệnh cần tuân thủ khai báo y tế tại địa phương để được quản lý, phân tầng với các mức độ từ không triệu chứng đến mức độ nhẹ, trung bình và nặng.

Theo dõi sức khỏe nếu phát hiện bất cứ một trong những dấu hiệu bất thường như khó thở, thở hụt hơi hoặc ở trẻ em có dấu hiệu bất thường, như:

- Thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít;

- Nhịp thở ở người lớn ≥ 20 lần/phút;

- SpO2 ≤ 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút;

- Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo);

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả…

Khi gặp các biểu hiện bất thường nói trên, hãy thông báo với cơ sở quản lý người mắc Covid-19, trạm y tế xã/phường hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được xử lý cấp cứu và chuyển viện kịp thời.

Thứ ba, khi gặp bất cứ vấn đề bất thường nào về sức khỏe sau khi nhiễm Covid-19, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám hoặc liên hệ với nhân viên y tế để được hỗ trợ, Việc phát hiện sớm các di chứng, biến trứng hoặc bệnh lý mắc phải sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra kịp thời và hiệu quả hơn.

Tác giả: Thanh Huyền