Các sử dụng thuốc để điều trị ho, đau họng
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết ho về bản chất là phản ứng bảo vệ cơ thể, nhằm tống xuất mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, trường hợp ho nhiều quá gây mệt, gây khó ngủ thì cần điều trị. Có 2 loại ho là ho khan và ho có đờm nhưng đờm mắc, dính sâu trong đường thở, không ho khạc ra được, thì cách xử lý sẽ khác nhau. Trường ho khan chỉ sử dụng thuốc giảm ho. Ho có đờm thì không nên dùng thuốc giảm ho mà phải chọn thuốc long đờm.
F0 bị đau họng, ho, có thể sử dụng mật ong và các loại bổ phế có thành phần thảo dược để giảm đau họng, bớt ho.
Trường hợp người bệnh bị ho khan, có thể dùng dextromethorphan hoặc alimemazin, diphenhydramin.
Nếu ho có đờm đục, xanh hoặc vàng thì không dùng các loại giảm ho khan nói trên mà cần dùng kháng sinh kết hợp với long đờm (ambroxol hoặc acetyl-cystein).
F0 cũng có thể sử dụng một số loại thuốc trị cảm cúm tổn hợp có thể có 2-3 thành phần vừa giúp hạ sốt, vừa co mạch giảm tiết dịch, vừa chống dị ứng Decolgen (xanh và vàng), Rhumenol, Tiffy.
Lưu ý, nếu F0 bị ho khan thì không cần dùng thuốc long đờm. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng kháng sinh. Đây là loại thuốc cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết điều trị ho không nên nóng vội, không nên tìm mọi cách để hết ho, nhất là đối với trẻ em. Nhiều cơn ho thực sự lại có lợi cho bệnh lý của trẻ, giúp tống ra ngoài dịch nhầy, đờm… giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn.
Người bệnh cần nhận diện cơn ho để xử lý đúng. Đề phòng một số trường hợp ho không phải do Covid-19 mà là bị trào ngược dạ dày thực quản. Nguyên nhân có thể là khi bị Covid-19, dễ lo lắng, mất ngủ, suy nghĩ nhiều... gây tăng tiết acid dạ dày, gây rối loạn co thắt dạ dày thực quản, cũng gây ho khan. Với trường hợp ho có đờm, người bệnh có thể bị viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn. Các trường hợp này cần phải được bác sĩ thăm khám để có hướng xử lý thích hợp. Đối với ho có đờm, có thể do người bệnh bị viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn.
Các biện pháp hỗ trợ giảm triệu chứng ho, đau họng, ngạt mũi
Theo bác sĩ Hoàng, ngoài việc sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng như trên, F0 có thể áp dụng một số các biện pháp hỗ trợ khác giúp tăng cường sức đề kháng, làm giảm khó chịu.
Theo bác sĩ, F0 nên bổ sung các loại nước điện giải trong quá trình điều trị bệnh như oresol, các loại bột hoặc viên pha nước bù điện giải, nước dừa, nước cháo, nước hoa quả hoặc các loại nước bù điện giải khác được bán sẵn trên thị trường... Ngoài ra, mỗi ngày người bệnh có thể uống 1 viên vitamin tổng hợp, ăn đủ chất và ngủ đủ giấc.
Để chống nôn, người bệnh có thể uống nước gừng gấm. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,05% sẽ giúp chống ngạt mũi. Nếu phải dùng thuốc chống nôn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Trong giai đoạn mắc Covid-19, người bệnh có thể xông hơi để giúp cơ thể dễ chịu hơn, từ đó hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, giảm ho, giảm mệt mỏi. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng xông hơi không có tác dụng diệt virus, không nên xông quá nhiều, mỗi ngày một lần và phải thực hiện ở nơi kín gió.
Lưu ý việc sử sử thuốc kháng virus
Bác sĩ Hoàng cho biết thêm, người trên 65 tuổi hoặc mắc các bệnh nền (như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh gan, bệnh thận mạn tính, ung thư, đang sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch dài ngày...) hoặc người chưa tiêm đủ vắc xin có thể cân nhắc dùng sớm thuốc kháng virus molnupiravir hoặc favipiravir (trong vòng 5 ngày đầu tiên khởi phát bệnh).
Lưu ý, thuốc nolnupiravir có thể ảnh hưởng đến gan và thận, vì vậy người bệnh nên sử dụng thêm thuốc bổ gan. Loại thuốc kháng virus này không sử dụng cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.
Trường hợp nồng độ oxy trong máu SpO2 giảm dưới 96%, nhịp thở tăng lên 20 lần/phút, trước khi nhập viện, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được kê đơn thuốc kháng đông, kháng viêm corticoid (thường kèm theo cả thuốc bảo vệ dạ dày và kháng viêm). Lưu ý, các loại thuốc này không nên tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ.