Phần lớn cha mẹ trên đời yêu con nhưng cách yêu của mỗi người không giống nhau. Có người nhìn vào tưởng như hời hợt nhưng điều đó lại tốt cho con. Có người tha thiết, nhìn vào đã thấy họ yêu con nhưng thực ra lại chẳng hề tốt chút nào cho sự phát triển của con. Ví dụ khi đứa con tập đi, nó vừa ngã thì nhiều cha mẹ phản xạ cực nhanh lao ra đỡ lấy, sợ con đau, và nâng con đứng lên ngay lập tức rồi cưng nựng. Nhưng có những cha mẹ phản ứng rất bình tĩnh, quan sát xem con tự đứng lên thế nào, con đau ra sao rồi có phản ứng tiếp theo.
Nhiều người sẽ nghĩ cha mẹ thứ hai không thương con, không xót con mới bình tĩnh vậy. Thực ra không hoàn toàn đúng. Những người đã tìm hiểu rất kỹ và có sự rèn luyện để sống không hoàn toàn bằng cảm xúc, mà dùng cả lý trí thì việc họ bình tĩnh để con tự đứng lên, quan sát xem con ra sao rồi mới hỗ trợ là người tỉnh táo, mong muốn con biết tự đứng lên. Đó chính là cách để con phát huy nội lực bản thân và tự lập, tự lực. Vai trò của bố mẹ là quan sát hỗ trợ khi cần và thúc đẩy cho con trở thành phiên bản tốt nhất của chính con, chứ không phải là làm thay con, đặc biệt càng không nên làm thay khi chính bản thân con có thể tự thực hiện. Chúng ta không bao giờ theo con từng li từng tí được, không bao giờ đi cùng con mãi mãi thế nên cho con đôi chân vững vàng một nền tảng tốt, một nội lực mạnh mẽ quan trọng hơn nhiều.
Cũng chính vì có những quan điểm và trải nghiệm, nhận thức về yêu thương khác nhau, nên có nhiều cha mẹ trong lòng thì cực yêu con nhưng những hành động và biểu hiện ra ngoài lại không giúp con thấy dễ chịu, gọi là yêu không đúng cách. Và đây là những kiểu cha mẹ thường khiến con mệt mỏi, ngột ngạt muốn “thoát khỏi vòng tay cha mẹ”.
Cha mẹ hay than thở về tiền bạc, nghèo khổ
Nhiều người cho rằng thường xuyên than nghèo khổ để con không vòi vĩnh trông chờ vào tiền của cha mẹ. Nghe quá nhiều về điều đó con cái có thể thấy mọi sự tiêu dùng của mình đều là tội lỗi, mỗi lần muốn xin thứ gì kể cả rất thiết yếu đều cảm thấy có lỗi. Điều đó có thể dẫn đến việc ham muốn từ bên ngoài, có thể dễ theo đuổi lợi ích mà người khác mang lại, hoặc có thể lao vào kiếm tiền mà bỏ qua nhiều điều cần thiết trước tiên, ví như thời gian để bồi dưỡng bản thân, thời gian học tập… Việc cha mẹ than nghèo quá nhiều cũng có thể khiến con trẻ tự ti với bạn bè. Có lẽ chăng là nên cho con ý thức được giới hạn của vật chất, cuộc sống có nhiều niềm vui, tiền rất quan trọng nhưng tiền là phương tiện, còn hạnh phúc đến từ tâm thế của người nghĩ gì về tiền nhiều hơn là số lượng tiền đang có?
Coi thường không khích lệ con cái
Thường xuyên chê bai con, phê bình con cũng là một điều không tốt. Có thể vì bạn muốn con cố gắng hơn nhưng hãy nghĩ xem chính bản thân chúng ta khi đi làm, nhận được lời khen từ đồng nghiệp, bạn bè có phải tinh thần chúng ta hưng phấn hơn hăng không? Sự tự kiêu không tới từ việc bạn khen con, mà tới từ việc bạn khen sai, tung hô quá đà. Ghi nhận và ghi nhận là việc tốt để khích lệ con phát huy hơn phần tốt trong con người, còn để chỉnh sửa điểm chưa tốt có lẽ sẽ hay hơn khi chúng ta phân tích cho con thấy nếu con sửa điểu đó thì sẽ hay hơn biết bao. Nhận thức được giá trị của việc sửa đổi tính xấu con sẽ sửa chứ không phải sửa vì lời chê.
Sự tự tin cũng là một phẩm chất cần thiết khi ra đời. Nhưng cha mẹ thường xuyên chê thì sao con có tự tin? Trẻ con luôn tin lời cha mẹ nói. Hơn nữa theo một luật hấp dẫn thì khi con người nghĩ tới điều gì điều đó càng dễ tới với họ, chúng ta hằn sâu vào tâm trí đứa trẻ về những điều tiêu cực thì có gì hay?
Không chia sẻ mà lại kiểm soát
Không ai làm cha mẹ mà không từng sợ con sai lầm. Chính vì điều đó nên nhiều người kiểm soát con, sợ con đi sai, sợ con vấp ngã, sợ đớn đau, sợ bẽ bàng… Điều đó hoàn toàn có thể nói đều từ việc mong muốn con trở nên tốt đẹp. Nhưng kiểm soát áp đặt, lên kế hoạch, chọn lựa thay con là một cách vô cùng tồi tệ khiến con trở nên mệt mỏi. Càng lớn bọn trẻ càng tìm cách thoát khỏi kiểm soát của cha mẹ, và thật sự rất khó nắm bắt nếu chúng không tự nguyện chia sẻ. Vì thế tốt hơn là chúng ta nên tìm cách chia sẻ phân tích cho con thay vì đưa thẳng lời khuyên và áp đặt lên con. Hơn nữa thế hệ khác nhau cũng đã có những suy nghĩ hành động khác nhau. Điều phù hợp cho chúng ta chưa hẳn đã tốt nhất cho con. Được con tin tưởng và chia sẻ mới là cách tốt nhất để dù con ở đâu, cách nhau bao xa, ta vẫn thấy con rất gần, để hiểu được và chia sẻ được, để được nghe con tâm sự về những khó khăn của con.
Ép con nhận những gì mình cho
Đôi khi con cái không muốn nhận quá nhiều từ cha mẹ vì chúng thích tự lập và không muốn cảm giác “mắc nợ”. Đôi khi những điều cha mẹ cho tưởng là hợp với con nhưng con lại không thích. Thế nên tình yêu bạn trao cho con nhưng con nhận hay không phải để con tự tiếp nhận, không nên ép con phải nhận. Ngay cả việc trao tặng con tài chính, thậm chí chỉ là nấu một món ngon cho con, nhưng nếu con chưa muốn ăn, không muốn ăn cũng đừng nên kể lể “Mẹ đã phải dậy từ sớm”, “mẹ đã bỏng cả tay để làm”…
Điều tốt nhất chúng ta dành cho con là những gì khiến con cảm thấy tự hào, thấy thoải mái tận hưởng cuộc sống, thấy được trưởng thành, hơn là cảm thấy mất tự do, bị mắc nợ cha mẹ.
Tác giả: An Nhiên
-
Hòa thứ nước này vào luộc rau: Món rau xanh mướt, giàu dinh dưỡng không lo bị thâm đem
-
Thêm thứ này vào ngâm khoai tây, đảm bảo làm bim bim giòn tan, người lớn còn mê nói gì trẻ nhỏ
-
Đưa con đi ăn, thấy tóc trong đĩa, bạn sẽ phản ứng thế nào?Điều đó cực kỳ quan trọng với tương lai con bạn
-
Hòa thứ này vào ngâm nộm rau muống: Món ăn trắng tinh giòn sần sật, để lâu cũng không bị thâm đen
-
Mua cá diếc nên chọn con to hay con nhỏ mới ít xương nhiều thịt?