Oresol khó uống, có 4 loại nước giàu điện giải giúp F0 mau phục hồi, đỡ mệt mỏi khi chiến đấu với virus

( PHUNUTODAY ) - Ngoài oresol, bạn có thể sử dụng các loại đồ uống khác để bù điện giải cho cơ thể, giúp giảm mệt mỏi trong quá trình điều trị bệnh.

Chất điện giải là các khoáng chất mang điện tích được tìm thấy trong máu, có tác dụng điều chỉnh, kiểm soát sự cân bằng của dịch cơ thể. Natri, kali và magie là 3 chất điện giải chính. Ngoài ra còn có clorua, bicarbonat, phốt phát, canxi.

Nhu cầu chất điện giải hàng ngày sẽ khác nhau dựa theo giới tính, tuổi tác. Ngoài ra, trong một số trường hợp, nhu cầu chất điện giải sẽ được tính theo cường độ/thời gian luyện tập thể thao.

Cả nam và nữ nên giữ lượng natri dưới 2.000 mg; lượng kali cần có là 4.700mg/ngày.

Lượng magie cho nam giới là 330-350mg/ngày và với nữ giới là khoảng 255-265mg/ngày. Khi trở thành F0, nhiệt độ cơ thể tăng lên do sốt có thể khiến lượng magie được bài tiết qua mồ hôi nhiều hơn nên cần bổ sung nhiều magie hơn.

Lượng canxi khuyến cáo là 800mg/ngày với cả nam và nữ.

Một số đồ uống giàu điện giải

Oresol

Oresol là một loại đồ uống dùng để bù nước, bù điện giải thường được dùng khi cơ thể bị mất nước do tiêu chảy hoặc nôn mửa. Oresol có lượng đường thấp hơn nhiều so với các loại đồ uống thể thao thông thường và chỉ chứa các chất điện giải là natri, clorua và kali.

Oresol thường được bán dưới dạng bột và người dùng phải pha đúng tỷ lệ hướng dẫn trên bao bì đề phòng ngộ độc.

Khi không có sẵn oresol, bạn có thể tự pha nước điện giải theo công thức sau: Cho nửa thìa muối ăn, 2 thìa đường, 1 lít nước sạch vào bình lớn và khuấy đều. Chia ra thành nhiều lần uống trong này. Dung dịch điện giải này có thể bảo quản trong tủ lạnh trong vòng 24 giờ.

Ngoài oresol, một số loại đồ uống khác cũng có thể giúp bù điện giải cho cơ thể.

Nước dừa

Nước dừa là loại đồ uống có chứa chất điện giải tự nhiên. Nước dừa ít calo, it natri và nhiều kali hơn so với các loại đồ uống thể thao. 30ml nước dừa có thể cung cấp khoảng 5,45 calo, 1,3g đường, 61mg kali và 5,45mg natri.

Lợi ích đầu tiên của việc uống nước dừa là bổ sung và bù nước cho cơ thể. Hàm lượng kali dồi dào trong nước dừa có thể giúp cân bằng điện giải, tối ưu hóa hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ miễn dịch, hệ thần kinh; hỗ trợ hấp thụ và điều tiết chất lỏng.

Người bệnh bị mệt mỏi, sốt, đau đầu, ngạt mũi, ho, khó thở... có thể dùng nước dừa để bồi bổ cơ thể trong quá trình điều trị bệnh. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy nước dừa có tác dụng dự phòng bệnh tim mạch, viêm khớp... nên rất tốt cho F0 vừa khỏi bệnh.

Nước trái cây

Các loại nước trái cây tươi như nước cam, nước dưa hấu, nước ép anh đào... là nguồn cung cấp dồi dào các chất điện giải như magie, kali, phốt pho. Nước ép trái cây còn cung cấp các chất chống oxy hóa và vitamin giúp cơ thể nhanh phục hồi sức khỏe. 

Lưu ý, bạn nên chọn nước trái cây nguyên chất 100% để tận dụng nguồn vitamin và chất chống oxy hóa tự nhiên.

Nhược điểm của các loại nước trái cây là có hàm lượng natri thấp. Nếu cơ thể bị ra mồ hôi trong thời gian dài và cố bù nước bằng các loại đồ uống không chứa natri thì có thể gây ra tình trạng hạ natri máu.

Sinh tố

Các loại sinh tố từ trái cây, rau củ quả... cũng giúp bổ sung một số chất điện giải cho cơ thể. Lưu ý, không nên bổ sung sinh tố sau khi tập luyện thể dục nặng và kéo dài vì loại đồ uống này có thể khiến bạn cảm thấy quá no. Nên uống sinh tố trước hoặc sau buổi tập ít nhất 1 giờ.

Sữa

Nhắc tới sữa, ai cũng nghĩ nay tới loại đồ uống giúp phát triển chiều cao cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, sữa cũng giàu chất điện giải gồm canxi, natri, kali. Theo cơ sở dữ liệu về thực phẩm và chất dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, 1 cốc sữa bò nguyên chất có thể cung cấp 92,7mg natri, 300mg canxi, 366mg kali.

Ngoài các chất điện giải, sữa còn có chứa carb và protein. Hai dưỡng chất đa lượng này có thể giúp tăng năng lượng cho cơ thể, tốt cho những người đang mệt mỏi.

Theo khuyến cáo về chế độ dinh dưỡng dành cho F0 và F0 khỏi bệnh của Bộ Y tế, nên tăng cường thêm các bữa ăn phụ, trong đó sữa là thực phẩm được ưu tiên. Người bệnh có thể bổ sung 2 cốc sữa/ngày và các sản phẩm làm từ sữa.

Lưu ý, sữa bò có thể không phù hợp với những người không dung nạp lactose.

Tác giả: Thanh Huyền