Tại sao thịt gà phải ăn cùng lá chanh: Thêm thứ này vào nồi luộc, gà ngon hơn hẳn

( PHUNUTODAY ) - Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao thịt gà phải ăn cùng lá chanh chứ không phải bất cứ loại lá nào khác?

Việc cho lá chanh vào thịt gà khiến món ăn này trở nên thơm ngon hơn.

Thịt gà là món ăn quen thuộc đối với người Việt. Đây còn là món ăn thường xuyên xuất hiện trong các mâm cỗ cúng vào ngày lễ ngày Tết của Việt Nam. Đĩa thịt gà thường được chặt miếng, trình bày gọn gàng sau đó rải lá chanh thái sợi mỏng lên trên. Các món nộm gà, gà rang cũng luôn có thứ gia vị đặc biệt này. Và câu hỏi "Vì sao thịt gà ăn cùng lá chanh" thường được trẻ em nêu ra.

Thịt gà thường ăn kèm lá chanh, lý do vì sao?

Vì sao thịt gà ăn cùng lá chanh?

Theo lý giải của Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Hà Nội), sự kết hợp thịt gà và lá chanh không chỉ làm tăng hương vị cho món ăn mà nó có tác dụng phòng bệnh.

Trong Đông y, thịt gà là vị thuốc có tên là kê nhục. Thịt gà có tính ôn (ấm), vị ngọt, còn lá chanh vị cay ngọt, tính ôn, có tác dụng hoà đàm, tiêu đàm, chữa ho, sát khuẩn. Hai thứ khi kết hợp sẽ bổ trợ cho nhau.

“Da gà dễ gây dị ứng, chứa nhiều vi khuẩn, một số người còn bị ngộ độc khi ăn thịt gà không đảm bảo. Việc rắc lá chanh lên thịt gà ngoài việc tạo mùi thơm, giảm độ ngấy của mỡ ở da gà thì còn có tính sát khuẩn cao, giải độc cho da gà và tránh gây dị ứng”, lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ.

Thịt gà ăn kèm lá chanh sẽ giúp tăng hương vị món ăn mà giảm triệu chứng bị ngộ độc.

Ngoài ra, trong Đông y có bài thuốc rất hiệu nghiệm, đó là những ai bị ngộ độc, dị ứng khi ăn thịt hoặc da gà thì dùng lá chanh sắc lấy nước uống, sẽ giảm được triệu chứng.

"Qua đó có thể thấy, lá chanh kết hợp với thịt gà là vị thuốc chứ không đơn giản chỉ tạo hương sắc, mùi vị. Tuy nhiên, chỉ nên rắc ít bởi dùng nhiều lá chanh thì món ăn sẽ có vị đắng", ông Sáng cho hay.

Cách luộc gà ngon

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

- Gà ta sau khi mua về bạn đem rửa thật sạch. Có thể dùng muối, giấm ăn chà xát lên bề mặt da gà để loại bỏ mùi tanh.

- Gừng cạo sạch thái miếng lớn. Hành tím bóc vỏ đập dập.

Bước 2: Ướp gà

- Xếp gà vào trong nồi lớn rồi thêm vào đây vài lát gừng, muối, rượu nấu ăn, hành khô đập dập và vỏ chanh.

- Dùng tay thoa nhẹ thân gà và các nguyên liệu để gia vị ngấm vào trong da gà. Bước này sẽ giúp thịt gà đậm đà mà thơm ngon hơn.

- Ướp gà trong khoảng 1 tiếng.

Bước 3: Luộc gà

- Bắc nồi nước sạch lên bếp và đun sôi.

- Nước sôi, bạn cho phần thịt gà đã ướp gia vị vào nồi.

- Khi nồi gà sôi lại, hãy vớt gà ra và cho ngay vào bát nước lạnh khoảng 5 giây rồi lại cho vào nồi ngâm khoảng 10 giây thì vớt lên. Lặp lại thao tác này 3 lần để da gà giòn.

- Sau đó, cho gà vào nồi đun. Khi nồi gà sôi thì vặn nhỏ lửa, đun thêm chừng 5 phút rồi tắt bếp. Ngâm gà khoảng 30 phút là chín (tùy vào trọng lượng của gà mà điều chỉnh thời gian luộc cho phù hợp).

* Mẹo hay:

Trong quá trình luộc gà, bạn không nên đậy nắp vung. Việc mở nắp khi luộc sẽ giúp mùi tanh của gà bay đi và không bị đọng lại trong thịt.

Ngoài ra, hãy nhớ hớt bọt ngay khi nồi gà sôi để tránh thịt có mùi không ngon.

Bước 4: Hoàn thành

Vớt gà ra bát nước đá ngâm chừng 1 phút. Nước lạnh sẽ giúp da gà se lại, thịt gà mềm, mướt mọng không bị khô. Khi gà đã nguội hoàn toàn thì đem chặt miếng vừa ăn.

Tác giả: Mộc