Vì sao có người dễ bị đỏ mặt khi uống rượu, có người lại không: Hóa ra nguyên nhân là đây

( PHUNUTODAY ) - Trong một nhóm bạn ngồi uống bia rượu với nhau chắc chắn sẽ có người mặt đỏ “tưng bừng”, có người lại rất bình thường. Nguyên nhân không phải do nhóm máu, cũng không phải do uống nhiều hay ít mà là do bệnh lý.

Những người bị đỏ mặt sau khi uống rượu thực chất là dấu hiệu của quá trình chuyển hóa rượu kém. Các chuyên gia cho biết, chất ethanol trong rượu khi đi vào cơ thể sẽ được hệ tiêu hóa hấp thụ rồi vận chuyển tới gan để dị hóa. Lúc này, ethanol dưới tác dụng của dehydrogenase sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde. Sau đó, acetaldehyde sẽ tiếp tục trở thành axit acetic, dưới tác dụng của alcohol dehydrogenase nó sẽ tiếp tục chuyển hóa thành carbon dioxide, nước và lipid.

Vì vậy, một người uống rượu có bị đỏ mặt hay không còn phụ thuộc vào việc người đó có chứa chất acetaldehyde dehydrogenase hay không. Nếu không có thì acetaldehyde không thể bị dị hóa và sẽ tích lại trong cơ thể. Chất này có thể làm giãn nở mao mạch và gây ra hiện tượng đỏ mặt.

Xét trên khía cạnh khoa học, ethanol, acetaldehyde và các chất khác khiến chúng ta bị say sau khi uống. Nói cách khác thì nếu cơ thể chuyển hóa những chất này nhanh hơn thì cơ thể sẽ sớm đào thải chúng ra ngoài trước khi có thể gây các phản ứng rõ ràng cho cơ thể.

Theo quan niệm y học, quá trình chuyển hóa các chất của con người không thể tách rời khỏi các enzyme. Mà khả năng chuyển hóa của enzyme thì lại do gen quyết định. Vì thế, ‘tửu lượng’ thế nào là do gen chứ không phải luyện mà được.

Những người bị đỏ mặt khi uống rượu bia sẽ dễ mắc một số bệnh nguy hiểm như

Ung thư

Tiến sĩ Aine McCarthy (Viện Nghiên cứu Ung thư Anh) cho biết: Rượu sẽ khiến cơ thể chúng ta phải chịu nhiều tổn hại. Trong đó, nguy hiểm nhất là nguy cơ ung thư. Lý do là vì acetaldehyde (ALDH2) là một chất độc gây hại. Khi thực hiện chuyển hóa, nó có khả năng gây đột biến ADN và làm tăng nguy cơ ung thư, nhất là ung thư thực quản.

Những người bị đỏ mặt khi uống rượu bia cũng là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư. Nguyên do là nếu một người bị khiếm khuyết enzyme chuyển hóa ALDH2 thì chỉ cần 2 cốc bia/ngày cũng có nguy cơ bị ung thư thực quản cao gấp 10 lần so với người chuyển hóa được chất cồn.

Dễ bị bệnh gan

Việc uống rượu khiến gan chịu nhiều tổn hại. Gan dễ mắc các bệnh như xơ gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ,…

Một lá gan khỏe mạnh sẽ có thể chuyển hóa acetaldehyde thành acetate, an toàn hơn khi chúng ta uống. Tuy nhiên, với những người bị đỏ mặt khi uống thì khả năng chuyển hóa những chất này chậm hơn nên khiến nó tích tụ lâu hơn.

Viêm gan do rượu có thể khiến con người qua đời, nhất là người có tiền sử bị bệnh gan. Những người bị viêm gan C thì rượu là tác nhân đẩy nhanh quá trình xơ hóa. Còn nếu đã bị xơ gan mà uống rượu thì gan sẽ ngày một yếu hơn nữa.

Cao huyết áp

Những người hay bị đỏ mặt sau khi uống rượu bia thì có nguy cơ bị tăng huyết áp hơn bình thường. Đó là kết luận của các nhà khoa học thuộc trường ĐH Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc).

Tác giả: Trần Thu Thủy