Vụ 7 người chết khi chạy thận: Bệnh nhân ngộ độc, không phải sốc phản vệ?

( PHUNUTODAY ) - Sự cố 7 người chết khi chạy thận có thể do ngộ độc chứ không phải sốc phản vệ, vì bệnh nhân xuất hiện triệu chứng giống nhau hàng loạt một lúc.

Bệnh nhân ngộ độc, không phải sốc phản vệ?

Sự việc 7 bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đang khiến dư luận xôn xao.

Tờ Đất Việt đưa tin, bác sĩ Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc bệnh viện, Phụ trách đơn nguyên thận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, khi nhận định về sự cố này, GS Đoàn, chuyên khoa dị ứng Bệnh viện Bạch Mai gọi đây là hiện tượng ngộ độc, do bệnh nhân xuất hiện triệu chứng giống nhau hàng loạt một lúc.

Còn nếu là triệu chứng sốc phản vệ thì xảy ra trên từng cơ địa bệnh nhân, không bệnh nhân nào giống triệu chứng bệnh nhân nào.

Bộ Y tế yêu cầu trong 7 ngày, Hội đồng chuyên môn phải đưa ra kết luận bệnh nhân tử vong.  

Ông Khiếu khẳng định, kể từ khi thành lập đến nay, trong quá trình chạy thận có những trường hợp có biến chứng, lẻ tẻ như có 1 bệnh nhân rét run, choáng váng, xử lý ổn ngay.

Đợt này sau chạy thận 45 phút đồng loạt 18 bệnh nhân đều xuất hiện triệu chứng, vị bác sĩ cho rằng đó là một vấn đề gì đó có thể liên quan tất cả các máy.

Theo tiết lộ của ông Khiếu, hiện toàn bộ quá trình điều tra được chuyển sang cơ quan công an. Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế có sự tham gia của 4 chuyên gia đầu ngành sẽ tiếp tục kiểm thảo tử vong, đưa ra đánh giá độc lập về nguyên nhân gây sự cố trên.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu trong vòng 7 ngày Hội đồng khoa học phải đưa ra được kết quả kiểm thảo tử vong.

4 nguyên nhân có thể khiến bệnh nhân tử vong

Nhận định thêm về sự việc này với tờ Dân trí, bác sĩ Hoàng Công Tình, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã chỉ ra 4 lỗi trong quá trình có thể gây đe dọa tính mạng cho bệnh nhân khi chạy thận.

Đầu tiên về quy trình, nếu làm sai quy trình có thể gây tình huống này. Tuy nhiên, theo ông Tình, trong 7 năm qua chạy thận không xảy ra vấn đề gì. Hơn nữa, nếu quy trình sai, máy móc sẽ không thể vận hành.

Thứ hai nếu quả lọc không đảm bảo cũng có thể gây tai biến cho người dùng. Theo đó, trong quá trình sử dụng, tái sử dụng có thể tồn dư hóa chất gây sốc, ngộ độc. Tuy nhiên trong 18 bệnh nhân chạy thận sáng 29/5 thì có 1/3 bệnh nhân sử dụng quả lọc mới cũng xuất hiện triệu chứng tương tự.

Nguyên nhân thứ 3 được bác sĩ Tình chỉ ra đó là có thể do dịch lọc. Dịch lọc cho 18 bệnh nhân này vẫn còn nguyên đai nguyên kiện nhận về từ phòng vật tư. Số dịch lọc này chiều thứ 7 vẫn tiến hành lọc thận cho các bệnh nhân không xảy ra tai biến.

Nguyên nhân thứ 4 có thể là do hệ thống nước đi qua dịch lọc. Trước sự cố một ngày, hệ thống nước được bảo trì theo định kỳ, như vẫn thực hiện từ khi thành lập đơn nguyên chạy thận đến nay.

Công an làm việc lần 2 với công ty bảo trì thiết bị y tế

Cũng liên quan đến vụ việc này, sáng 31/5, cơ quan điều tra tiếp tục làm việc với Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) để phục vụ điều tra nguyên nhân 7 người tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hôm 29/5.

Đây là đơn vị cung ứng vật tư và bảo hành, bảo trì các thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó có các thiết bị lọc máu chạy thận.

Ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết thêm, vào ngày 28/5, tức một ngày trước khi xảy ra vụ tai biến y khoa, Công ty Thiên Sơn đã tiến hành bảo trì, sửa chữa hệ thống lọc nước tinh khiết liên quan đến các thiết bị lọc máu phục vụ bệnh nhân tại Khoa điều trị lọc máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Cũng trong chiều 30/5, lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an và Công an tỉnh Hòa Bình đã cho mở niêm phong một số phòng trong Khoa thận nhân tạo, khám nghiệm các máy móc mà bệnh viện đã sử dụng để chạy thận, lọc máu cho các bệnh nhân.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 7 bệnh nhân tử vong trong quá trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Một bệnh nhân bị tai biến nặng đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình. 10 người còn lại đã được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và đã dần ổn định sức khỏe.

Bộ trưởng Y tế: "Chúng ta thành thật, cầu thị về sự cố y khoa này"

Ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nói như vậy khi cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã lên Hoà Bình làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Y tế tỉnh về sự cố y khoa hi hữu vừa xảy ra khiến 7 bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ trong quá trình chạy thận nhân tạo.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tới thăm các bệnh nhân. 

Đoàn đã đến thắp hương và chia buồn với gia đình bà Nguyễn Thị Minh (65 tuổi), bà Lê Thị Chung 61 tuổi, chị Đinh Thị Thu Hằng (34 tuổi), đều ở thành phố Hoà Bình. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình 3 bệnh nhân tử vong và khẳng định Bộ Y tế sẽ chỉ đạo Sở Y tế, Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hoà Bình phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Công an tỉnh Hoà Bình để sớm tìm ra nguyên nhân vụ việc. Ngay sau đó, Bộ trưởng đã đến thăm bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Nguyên (45 tuổi) là bệnh nhân nặng cuối cùng của sự cố y khoa này hiện đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu (BV đa khoa tỉnh Hòa Bình). Được tăng cường từ Hà Nội lên, bác sĩ Phạm Cơ Thạch, Khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cho biết, sức khỏe của bệnh nhân Nguyên đang có dấu hiệu tốt lên, hệ thống Ecmo của BV Bạch Mai đã được mang lên cùng với các trang thiết bị y tế chuyên dụng khác để phục vụ tốt nhất công tác điều trị cho bệnh nhân.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh và BV đa khoa tỉnh Hoà Bình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo Sở Y tế thành lập Hội đồng chuyên môn mời các chuyên gia đầu ngành để sớm tìm ra nguyên nhân để ổn định tình hình và sớm thiết lập lại hoạt động của khoa Thận nhân tạo của BV. “Tôi chia sẻ với đồng nghiệp về sự cố này. Chúng ta cần phối hợp với cơ quan chức năng để sớm làm rõ nguyên nhân. Chúng ta thành thật, cầu thị về sự cố y khoa này. Quy trình đã ban hành, tự chúng ta biết quy trình của chúng ta chỗ nào cần khắc phục… để việc tìm nguyên nhân nhanh hơn, công bố nguyên nhân cho gia đình bệnh nhân, cho công luận để giảm bớt áp lực cho BV, sớm ổn định tình hình hoạt động của BV”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, về quy trình của Bộ Y tế đã ban hành theo chuẩn y tế thế giới, mỗi năm có hàng triệu người chạy thận an toàn. “10 năm nay các đồng chí báo cáo vẫn vận hành bình thường, giờ không bình thường, chắc chắn phải có sự cố ở một khâu nào đó”, Bộ trưởng nhận định.

Trước mong muốn của Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình Trần Quang Khánh về việc sớm khôi phục lại hoạt động của khoa Thận nhân tạo để hơn 100 bệnh nhân suy thận không phải vất vả di chuyển lên Hà Nội chạy thận, Bộ trưởng Y tế cho biết: “Hiện giờ rất khó khăn về mặt pháp lý bởi mọi hồ sơ, dụng cụ đang niêm phong chúng ta không thể vào được. Vì thế, để 100 bệnh nhân được quay lại, không phải tốn kém vất vả, ổn định BV thì phải nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, để cuộc điều tra chấm dứt, công bố nguyên nhân, công khai trước dư luận”.

Tác giả: Vân Tiên