Thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ với nhiều tiện ích. Bất cứ việc gì cũng có sự can thiệp của công nghệ thông tin. Ngay cả những việc như đi thăm mộ người thân cũng trở nên đặc biệt.
Mới nghe thì có vẻ lạ lùng làm sao, nhưng thực ra mô hình này đã áp dụng ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều đất nước khác. Bia mộ thời công nghệ không còn hình ảnh chân dung, không ghi tiểu sử vắn tắt, chỉ có những mã vạch chằng chéo lên nhau.
Cụ thể, khi quét mã QR xong, người dùng smartphone sẽ được đưa đến một trang web đặc biệt được tạo riêng cho người đã khuất, bao gồm tiểu sử, câu chuyện, ảnh chụp, video và nội dung khác do thành viên gia đình cung cấp. Một số trang web còn có cả cuốn sổ chia buồn, nơi mọi người có thể để lại lời nhắn thể hiện sự cảm thông với gia đình của người đã khuất.
Joe Davies, một lập trình viên sống tại thị trấn Bridgend (xứ Wales, Vương quốc Anh) đã tự thiết kế một mã QR, sau đó cho khắc mã QR này phía trên bia mộ của cha mình. Bất kỳ ai ghé thăm nơi an nghỉ của Charles Davies có thể sử dụng smartphone hoặc máy tính bảng để quét đoạn mã QR được khắc trên bia mộ.
Nó sẽ được dẫn đến một trang web với nội dung đặc biệt được Joe Davies tạo ra cho cha mình. Trong đó Joe đã kể lại lịch sử hào hùng của cha mình, người đã từng tham gia vào những trận đánh ác liệt nhất Chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng đã sống sót trở về sau cuộc chiến.
Còn ở Trung Quốc, từ năm 2013, đã xuất hiện nhiều bia mộ không hề có ảnh và thông tin của người đã qua đời mà chỉ có mã QR. Theo chia sẻ của những gia đình áp dụng cách này để tưởng nhớ người thân, mỗi lần đến viếng, họ sẽ đọc lại thông tin và hình ảnh, video đáng nhớ về người đã khuất và điều đó đem lại nhiều cảm xúc hơn việc chỉ nhìn vào bia mộ.
Còn có một hình thức khác gọi là "mai táng xanh" – nghĩa là cất tro hỏa táng trong một thùng đựng phân hủy sinh học và chôn chúng dưới một cái cây hoặc khóm hoa thay vì bia mộ và gia đình có thể tưởng nhớ người thân yêu đã khuất bằng cách quét mã QR.
Chưa dừng lại ở đó, các gia đình còn có thể thắp hương hay dâng hoa online thông qua mã QR. Thậm chí, thay vì đến trước bia mộ để thắp hương hay đặt vòng hoa, mọi người có thể quét mã QR trước một cái cây trong nghĩa trang.
Khi làm như vậy, họ có thể thắp một nén nhang, một ngọn nến hoặc một bông hoa kỹ thuật số cho người đã khuất. Đây là một phần của dịch vụ xanh do nghĩa trang Anxian Yuan ở tỉnh Chiết Giang cung cấp.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn thúc đẩy các hình thức chôn cất mới bắt nguồn từ việc giá bất động sản tăng cao và thiếu đất để mai táng. Tại Bắc Kinh, một phần đất trong khu nghĩa trang bình dân có giá dao động từ 4.900 USD đến 43.000 USD.
Từ năm 2016, Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn về mai táng xanh, khuyến khích chôn cất trong môi trường sống tự nhiên thay vì lập bia mộ hay khu tưởng niệm. Mặc dù vậy, sự thay đổi này không hề dễ dàng bởi hình thức truyền thống với các nghi lễ phức tạp, xây dựng phần mộ khang trang và những chuyến viếng thăm hàng năm đã trở thành điều không thể thiếu với nhiều gia đình Trung Quốc suốt nhiều năm qua.
Trên mạng, có không ít luồng ý kiến trái chiều xung quanh hình thức trên. Trong khi nhiều người cho rằng quét mã QR để "nhận mặt" người đã khuất là ý tưởng sáng tạo và là cách tuyệt vời để ghi nhớ thêm thông tin về người đó thì một số người lại cho rằng việc này thể hiện sự thiếu tôn trọng.
Đúng là cuộc sống ngày càng hiện đại thì những câu chuyện bi hài ngày càng nhiều. Và biết đâu chừng, chỉ sau vài năm nữa, khi giá đất đắt đỏ, Việt Nam cũng sẽ như Mỹ hoặc Trung Quốc, thiết lập dịch vụ “quét mã QR” hay thắp hương online cho người thân.
Có lẽ, các cụ ông cụ bà ở dưới suối vàng sẽ không thích điều này, bởi chẳng ai muốn thế hệ con cháu lại “tưởng nhớ” họ bằng công nghệ, bằng việc nhận dạng qua mật khẩu, mật mã chứ chẳng phải nhờ những ký ức tuổi thơ.
Truyền thống, đôi khi lại có cái hay riêng của nó. Lấy ví dụ như phong tục Việt Nam, đến ngày giỗ chạp, con cháu cùng nhau làm mâm cúng, ôn lại chuyện xưa, anh chị em nội ngoại hai bên đều thấy mặt nhau, duy trì mối quan hệ thân thiết.
Thế nhưng bây giờ đất chật người đông, tương lai sẽ chẳng còn đất đai để mà chôn cất cho người đã khuất, rồi thì nhang hương hay bánh trái hoa quả bị xả ra lại có thể gây ô nhiễm môi trường. Thế nên, khoa học kỹ thuật đã được đưa vào, nhưng chẳng biết nên cười hay nên khóc.
Bởi nhìn những tấm bia mộ không có hình người, không có ngày tháng năm sinh năm mất, chỉ có mã QR, thật lạ lùng và chua chát làm sao!
Thôi thì suy cho cùng, đúng hay sai còn vào tùy vào thời điểm, tùy quan điểm cá nhân, bởi biết đâu thế hệ sau lại thấy những việc này là điều bình thường. Nhưng nói gì thì nói, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên là nét đẹp truyền thống, với những người có tâm, có hiếu, họ sẽ chọn cách khác thay vì gửi người thân vào những nơi như thế này.
Quan trọng hơn tất thảy, là hãy đối xử tốt với mẹ cha, ông bà khi còn sống, hãy chăm lo cho thật tốt và nói lời yêu thương họ mỗi ngày. Đừng đợi đến khi họ mất rồi tranh nhau ai đốt vàng mã hoành tráng hơn, ai àm đám giỗ to hơn, hay ai quét mã “QR”, dâng hoa thắp hương online nhiều hơn… thì đó mới thực sự là điều kệch cỡm!
Tác giả: Thạch Thảo
-
Người bán rau củ quả online mắc Covid-19, quận Hoàng Mai phong toả một khu dân cư
-
Những đứa trẻ mồ côi do dịch Covid-19: 'Chưa kịp nói lời yêu thương'
-
Tiền Giang: Phó Chủ tịch UBND xã cấp giấy đi đường cho 2 người đàn ông đi… khám thai
-
Hy hữu: Cô giáo tiêm 2 mũi vắc xin cách nhau 10 phút, còn muốn tiêm luôn 4 mũi
-
Chuyên gia cảnh báo thế giới có thể chịu thêm một đợt bùng phát dịch mới vào mùa đông năm nay