Câu trả lời của Thanh Thúy dành cho con khi được hỏi "mẹ thương ai hơn" khiến bà mẹ nào cũng phải gật gù

( PHUNUTODAY ) - Chỉ bằng một câu trả lời ngắn gọn thay cho lời nhắn nhủ đến con trai của Thanh Thúy, bà mẹ bỉm sữa nào cũng phải ngay lập tức xin được share bài.

Thanh Thúy vừa hạ sinh đứa con trai thứ 2 trong đầu xuân năm mới vừa qua, đây không chỉ là tin vui của gia đình Thanh Thúy – Đức Thịnh mà còn là của rất nhiều người hâm mộ cặp vợ chồng tài năng này. Rất nhiều người gửi lời chúc mừng đến gia đình Thanh Thúy và khen ngợi cậu con trai đầu với vẻ ngoài rất hoạt bát và thông minh.

Empty
 
Empty

Được biết, con trai của Thanh Thúy năm nay 10 tuổi, cậu bé có cái tên rất ngộ nghĩnh là “ Cà Phê”. Sau khi biết mình có em trai, Phê cảm thấy rất vui, thậm chí là phần phấn khích vì được chào đón cậu em của mình. Thế nhưng đã là trẻ con thì chắc hẳn đứa trẻ nào cũng phải trải qua cảm xúc “ra rìa”, chính vì vậy cậu bé có đôi chút ghen tỵ khi mẹ chăm lo cho em mới sinh.

Biết được con trai đôi khi có cảm giác muốn được như em, Thanh Thúy cũng đã luôn sẵn sàng để giải đáp và cân bằng thời gian dành cho các con. Cô tin rằng bằng sự nỗ lực của mình, hai anh em sẽ luôn yêu thương nhau.

51900638_2084097365004044_941692534793437184_n-1550982940-216-width640height640
 

Gần đây, Thanh Thúy có chia sẻ một đoạn về cuộc sống sau khi đón thêm thành viên mới trong gia đình. Cô muốn gửi đến kinh nghiệm của mình về việc nuôi dạy bé Phê và “trấn an” con khi còn cảm thấy bị mẹ cho  “ra rìa”.

Nguyên văn đoạn chia sẻ như sau:

“Khi mới bắt đầu mang thai, một trong những điều Thuý lo lắng nhất là liệu anh Phê có thương em không, có ganh tị với em không?

Sinh con thứ 2 là chuyện phổ biến trong các gia đình trẻ hiện nay, thế nhưng nhiều cha mẹ không biết làm cách nào để các con luôn hòa thuận, để khi con lớn có em mà không cảm thấy tủi thân.

Tại sao nhiều bé có cảm giác mình bị "ra rìa" khi có em? Chính là do cách cư xử sai lầm của cha mẹ. 

Các ông bố bà mẹ hãy nắm vững những điều cơ bản sau đây: 

  • Không nên để con lớn ngủ một mình 

Sau khi sinh con thứ 2, chúng ta sẽ có vô vàn lý do để cho đứa lớn ra ngủ riêng như là : giường chật quá, sợ con đè vào em, sợ em quấy làm phiền con… 

Thế nhưng chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của con mà cảm nhận. Tại sao vừa có em, tình yêu của bố mẹ dành cho mình lại bị bớt xén đi, đến cả chỗ ngủ cũng bị chiếm mất ? Do đó, các cha mẹ nên tập cho con ngủ riêng từ trước khi có em, hoặc là 1 đứa ngủ với cha 1 đứa ngủ với mẹ, còn không thì cả nhà nằm chung 1 giường cũng không sao.  

  • Không được mang hai con ra so sánh 

Cha mẹ hay những người thân trong gia đình thường rất hay mắc phải lỗi này, ví dụ như đứa con lớn biếng ăn, người lớn lại nói :

“Con thấy em ăn giỏi không? Con lớn rồi mà không ăn giỏi bằng em, anh hai gì mà dở hơn em luôn".

Bạn có thích mình bị mang ra so sánh với một ai đó không ?

Trẻ nhỏ thì cũng như người lớn mình thôi, đó là điều tối kỵ. Thay vì so sánh, bạn nên hỏi thăm con: “Sao con không thích ăn món này vậy ?”

Có thể trẻ biếng ăn vì đồ ăn bạn nấu không ngon. Nếu bạn ăn đồ ăn dở, bạn có nuốt nổi không ? Mà bình thường, bạn cũng có thích hoặc không thích một vài món nào đó mà.

Vậy nên: Đừng ép trẻ ăn !!!

Bạn hãy tạo không khí cho bữa ăn được vui vẻ, và nên nhớ, một bữa ăn chỉ nên kéo dài 30 phút. Còn nếu bạn nấu ngon mà trẻ không ăn hết cũng không sao, ăn ít thì lát tới bữa ăn kế sẽ đói bụng nhiều hơn, ăn ngon miệng hơn. Có ai nhịn đói mà không đói không ?

Còn rất nhiều, rất nhiều những lần người lớn mình hay mang trẻ ra so sánh với đứa con thứ. So sánh con với những đứa trẻ khác chưa bao giờ là cách dạy con hiệu quả và đúng đắn. 

  • Làm công tác tư tưởng cho đứa con lớn trước khi đi sinh. Đại loại như: “Con ơi, sắp tới khi mẹ sinh em ra, mẹ bị đau lắm nên mẹ sẽ không thể quan tâm đến con nhiều hơn, con thông cảm cho mẹ nha!” Điều này sẽ giúp trẻ hiểu ra tại sao mẹ không còn quan tâm tới mình nhiều như trước đây. 
  • Nếu bạn sinh con thứ, hãy khẳng định với con rằng: Con luôn nhận được tình yêu thương trọn vẹn, sẽ không vì bất cứ ai mà thay đổi.

Như có lần, Cà Phê hỏi: “Giữa em và con mẹ thương ai hơn” , thì Thuý đã nói với con như vầy: “Con và em đều là con của mẹ, nên mẹ yêu hai anh em bằng nhau hết. Con hãy tưởng tượng con là cánh tay phải, em là cánh tay trái. Con có thương cánh tay phải hơn tay trái không? Nếu phải chặt bỏ 1 cánh tay nào con có chịu không ?”

Nghe vậy Cà Phê nói ngay: “Dạ con thương cả hai tay như nhau“.

  • “Mẹ hết thương con rồi ...”

Khi gia đình có con thứ 2, người lớn hay nói những câu đùa như vậy. Là cha mẹ, xin đừng để người khác nói với con bạn những điều này. Người lớn đều hiểu câu nói đó là đùa nhưng đứa trẻ không hiểu, chúng sẽ thật sự cảm thấy tổn thương, tuyệt vọng, thậm chí nghĩ cha mẹ muốn bỏ rơi mình thật và điều quan trọng là trẻ sẽ cảm thấy GHÉT EM .

  • Đừng bắt con nhường em chỉ bởi vì con là anh (chị) .

Câu nói này được xem như là câu cửa miệng của những gia đình có đông con: “Con nhường đồ chơi cho em đi, con là anh mà”. Hoặc: “Con là anh nên con không được đánh lại em .”

Thử nghĩ mà xem, liệu có mấy đứa trẻ nghĩ được rằng: “Đúng, mình là anh, nên mình phải nhường em hết” hay là chúng lại nghĩ rằng: “Mẹ không yêu mình, mẹ yêu em hơn nên mới bắt mình nhường em”. Tâm lí của những đứa con lớn trong gia đình sẽ hiểu rằng, mình phải nhường cả cha mẹ cho em.

Cái gì cũng bắt con phải nhường có thể khiến bé cảm thấy tổn thương.

Cứ thế, đứa trẻ sẽ lớn lên với một cảm giác thiếu an toàn trầm trọng, tại sao mình phải nhường? Bởi vì mình không đủ tốt. Đối với những đứa trẻ chỉ cách nhau chưa đến 2 tuổi, cảm giác này sẽ càng mạnh hơn. 

  • Mỗi đứa trẻ đều cần có “khoảng thời gian đặc biệt”

Kể từ khi có đứa thứ 2, cha mẹ càng ít thời gian rảnh rỗi, nhưng dù vậy, bạn vẫn phải dành thời gian để bầu bạn riêng với mỗi đứa con. Nếu có thể, hãy gửi con nhỏ cho người thân rồi cùng con lớn đi chơi riêng. Khi con lớn đi học, hãy thân thiết hơn với con nhỏ. Mặc dù đó chỉ là những sự sắp xếp rất đơn giản nhưng đối với các con, điều đó mang những ý nghĩa sâu sắc cùng tình cảm to lớn.

Thông qua “khoảng thời gian đặc biệt” đó, các con có thể cảm nhận rõ ràng tình yêu mà cha mẹ dành cho mình, kể cả trong lòng có gì bất mãn với cha mẹ hay có nỗi buồn nào đó, con cũng có thể chia sẻ hoặc xóa bỏ tất cả sau “khoảng thời gian đặc biệt” .

Hoặc trước giờ đi ngủ, bạn nằm với con 15 phút để trò chuyện, hỏi thăm con về các hoạt động hàng ngày như: ở trường con hôm nay điều gì làm con vui nhất ? Con có thích lớp học anh văn này không ? Hôm nay chơi đá banh con có đá vô được trái nào không ?...

Mỗi ngày dành chút thời gian để trao đổi về tình hình trong ngày của con, bạn cần biết con mình học thêm được những gì cũng như con có bệnh tật gì không, bạn nhé!

  • Khen con

Mỗi lần nhờ con làm gì giúp mẹ, thì mình đều nói câu “cảm ơn con nha” và khen con “ngoan quá ... giỏi quá ...”

Vì thế anh Phê làm ngay những khi mẹ nhờ gì .

  • Hôn con

Mỗi ngày, Thuý đều ôm và hôn con ít nhất 3 lần: hôn tạm biệt khi con đi học, khi con đi học về và trước khi đi ngủ.

Đây là những điều Thuý thật sự đã làm trong cuộc sống hàng ngày nhưng mới đây, nghe má nuôi của anh hai Phê kể lại, Phê “tâm sự” :

- Mẹ có em rồi, mẹ không còn thương và quan tâm con nhiều như trước đây.

Thuý giật mình tự kiểm điểm lại mình, thấy Thuý không hề quên anh hai, vẫn sáng sáng cùng ăn sáng, soạn đồ cho anh hai đi học. Chiều là mẹ ăn cơm cùng và kiểm tra bài vở đầy đủ, hỏi han các kiểu.

Nhưng ...

Dù có ý thức cố gắng quan tâm đến mấy thì đúng là chắc chắn không thể bằng được như trước kia nữa.

Đứa trẻ nào cũng muốn được quan tâm, được thương yêu, và không bao nhiu là cảm thấy đủ, ngay cả người lớn chúng ta cũng vậy, đúng không ?

Mẹ lại tự dặn lòng phải ráng ý thức dành thời gian cho anh hai nhiều hơn nữa mới được.

“Làm mẹ khó đấy,

Phải đâu chuyện đùa".

Ngay sau khi đăng tải, bài viết đã nhanh chóng nhận được rất nhiều lượt chia sẻ và đồng cảm của các bà mẹ. Hầu hết đều cảm thấy vô cùng tâm đắc, gật gù với cách mà Thanh Thúy chỉ bảo. Có nhiều bà mẹ còn cảm thấy mình đã có chút lơ là với đứa con lớn và khiến chúng bị tổn thương. Nhờ vào những lời khuyên chân thành của Thanh Thúy, họ chợt nhận ra rằng mình cần phải để ý hơn, thương con và chăm con nhiều hơn. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng là con cái do mình dứt ruột sinh ra vì vậy đôi khi đừng vì quá mải mê chăm đứa bé mà quên đi đứa lớn cũng đang rất cần để ý, nuôi dạy.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn