Bạch công tử - ông Hoàng chết không có đất chôn (II)

14:57, Thứ hai 09/05/2011

( PHUNUTODAY ) - Bạch công tử (Lê Công Phước hoặc George Phước) từng là một tay chơi nổi tiếng ở miền Nam trong các thập niên 1920, 1930. Cùng với Hắc công tử Trần Trinh Huy, tức Công tử Bạc Liêu, Bạch công tử để lại nhiều giai thoại về ăn chơi hoang phí.

[links()]
Nghe bản Dạ cổ hoài lang bên mộ Bạch công tử

Để thực hiện bài viết này, tôi đã có mấy ngày tìm đến những nơi còn lưu lại dấu tích của Bạch công tử trên đất Mỹ Tho xưa (nay là tỉnh tiền Giang). Tôi đã đứng ngắm đến mê mẫn ngôi nhà cổ của Bạch công tử trên đường Đinh Bộ Lĩnh – thành phố Mỹ Tho (này là Nhà Văn hóa thành phố Mỹ Tho) với khuôn viên rộng mênh mông được bao bọc bởi những con đường lớn. Bất cứ “đại gia” nào ở thập niên 2010 cũng ước ao có được 1 ngôi nhà như thế.

Kế bên ngôi nhà là rạp hát Huỳnh Kỳ được Bạch công tử xây dựng đầu thập niên 1930, ngày nay rạp hát đồ sộ ấy được dùng làm Siêu thị Tiền Giang. Và tôi đã đến nơi heo hút ấp Thanh Kiết – xã An Thạnh Thủy – huyện Chợ Gạo để bùi ngùi đứng trước ngôi mộ nhỏ nằm trong khu vườn tạp, trên mộ bia ghi “Bạch công tử - George – Lê Công Phước”. Trong khu vườn có căn nhà xập xệ của ai đó cất ở tạm để giữ đất. Khi tôi đến, chủ nhà đi vắng, đang định tìm người sở tại để hỏi thăm về chuyện ngôi mộ, chợt tôi nghe văng vẳng tiếng đờn ca giữa buổi trưa tĩnh lặng vùng quê.

Tìm đến nơi phát ra tiếng đờn, lời ca, tôi đến nhà 1 lão nông, căn nhà tuềnh tàng trống trước trống sau, ông lão ngồi trên bộ ván ngựa khải đờn kìm, vừa hát bài Dạ cổ hoài lang: “Từ là từ phu tướng - Báu kiếm sắc phán lên đàng - Vào ra luống trông tin chàng - Năm canh mơ màng - Em luống trông tin chàng - Ôi gan vàng thêm đau - Đường dù say ong bướm - Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang …”. Bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời năm 1918, sau phát triển thành bản Vọng cổ, làm thay đổi bộ mặt sân khấu cải lương, sau hơn 90 năm vẫn đầy sức truyền cảm.

Hình ảnh người phụ nữ bị bắt buộc phải chia duyên rẽ thúy, đêm nghe tiếng trống nhớ đến người xưa… Bản Dạ cổ hoài lang - vọng cổ đã từng làm mê mẫn, rung động bao tâm hồn ngay từ khi nó mới ra đời. Chàng thanh niên phong lưu Trần Công Phước đã lớn lên cùng thời với bản Dạ cổ hoài lang, hẳn ông cũng đã từng mê mẩn bài hát, để rồi cả cuộc đời ông đã gắn bó với bài Vọng cổ, với sân khấu cải lương, cùng lúc với 1 cuộc đời phóng túng trụy lạc khác của ông.

George Phước đã từng ngất ngây hạnh phúc, lên đài vinh quang chính nhờ nghệ thuật cải lương. Sân khấu cải lương cũng từng nhờ ông mà có những cách tân, phát triển nhất định. Khi ông suy sụp, khánh kiệt, bệnh tật và chết trong cô độc, nghèo khó, sân khấu cải lương khi ấy có bị ảnh hưởng ít nhiều.

Và nay, khi cải lương lâm vào khủng hoảng trầm trọng, chưa biết tương lai sẽ ra sao, tình cờ tôi đã đến nơi mà Bạch công tử khi chết được chôn nhờ trên đất người và được nghe lại bản Dạ cổ hoài lang bất hủ. Dừng tay, cất phím đờn, khi biết tôi đến viếng mộ Bạch công tử, ông lão chậm rãi nói với đôi mắt nhìn xa xăm: “Bạch công tử đã từng lập nên gánh hát Huỳnh Kỳ lớn nhất miền Nam và giao cho vợ là cô Bảy Phùng Há làm chủ gánh, tạo nên hiện tượng cải lương vào thập niên 1930. Thế nhưng, chỉ được 7 năm, do sa vào con đường ăn chơi sa đoạ, bao nhiêu tiền của ông ném hết vào sòng bạc, tiệm hút, gái tơ…

Gánh hát Huỳnh Kỳ suy sụp, đào kép lần lượt bỏ đi, cô Bảy rơi vào cảnh khốn cùng, ẵm 2 đứa con bị bệnh đi tìm chồng thì gặp Bạch công tử đang vui sống với một giai nhân nổi tiếng tên là Marie Anne Nhị ở khách sạn Minh Tân…Bạch công tử có tội với cha là Đốc phủ Sủng và có lỗi với cô Bảy Phùng Há và các con, nhưng nói cho công bằng, ông từng có công lớn đối với sân khấu cải lương”.

Bạch công tử
Bạch công tử

 Nói rồi, ông lại tiếp tục đờn và cất giọng khàn khàn hát tiếp bài Dạ cổ hoài lang: “Chàng là chàng có hay? - Đêm thiếp nằm luống những sầu tây - Bao thuở đó đây sum vầy - Duyên sắc cầm lạt phai”.

Đi Tây học cải lương

Như trong bài trước đã viết, sau 5 – 6 năm được cha là Đốc phủ Sủng đổ cả núi tiền cho đi du học bên Pháp, nhưng vì chỉ tập trung vào chuyện ăn chơi, khi trở về nước Lê Công Phước không có bất cứ mảnh bằng gì trong tay. Nói cho công bằng, ông có học được một thứ, nhưng không được cấp bằng, đó là nghệ thuật sân khấu. Là một người đã mang trong mình nỗi đam mê đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương mới manh nha, khi chơi bời ở Paris, George Phước cũng hay lân la tới các rạp hát vừa để chứng tỏ bản lĩnh ăn chơi của mình, nhưng cũng phần nào làm nguôi nỗi nhớ coi hát ở quê nhà.

Bạn bè thường thấy George Phước cắp tay nàng công chúa Olga có dòng dõi Sa hoàng đi vào các nhà hát hàng đầu của Paris như Théâtre des Champs-Élysées, Théâtre de la Renaissance,  Théâtre Sarah-Bernhardt,…Dường như những vở kịch, hát kịch ở phương Tây đã gợi mở điều gì mới lạ, nên George Phước đã bớt chút thời gian ăn chơi để đến dự lớp học về sân khấu tại Trường Kịch nghệ Paris, là cái cơ duyên để sau này khi về nước ông đã góp phần cách tân sân khấu cải lương theo chiều hướng hiện đại, chen vào đặc tính sân khấu Châu Âu.

 Thực ra, do điều kiện Việt Nam là nước thuộc địa của Pháp, nên ngay từ lúc mới ra đời, cải lương đã chịu ảnh hưởng của 2 dòng sân khấu: sân khấu tuồng truyền thống của Việt Nam và sân khấu kịch hiện đại của Pháp. Sân khấu tuồng Việt Nam mang đặc trưng chung của sân khấu Châu Á là cấu trúc vở diễn theo kiểu tự sự, trong khi sân khấu kịch Pháp mang đặc trưng chung của sân khấu Châu Âu là cấu trúc vở diễn theo kiểu khép, chặt, biểu diễn theo phong cách tả thực.

Trong khi các gánh hát thời ấy chỉ bắt chước một cách vô thức xu hướng sân khấu phương Tây và đã tạo nên những thành công nhất định, thì Lê Công Phước nhờ dự các lớp học tập bài bản về sân khấu ở Paris mà có chút hiểu biết về học thuật, soi rọi những đam mê về cải lương truyền thống và kịch nghệ phương Tây, cũng như hiểu được khả năng thích ứng, giao hòa giữa chúng.

Sân khấu tuồng truyền thống và sân khấu kịch hiện đại không chỉ là hai thực thể độc lập như nhiều người đã làm, mà còn là hai yếu tố, hai mặt đối lập, tồn tại thống nhất, biện chứng trong một tác phẩm. Thực tế cho thấy, sự thống nhất biện chứng giữa hai yếu tố kế thừa truyền thống của sân khấu tuồng và yếu tố tiếp nhận hiện đại của sân khấu kịch đã tạo điều kiện cho cho sân khấu cải lương phát triển rất ấn tượng trong những thập niên sau đó, mà Bạch công tử là người đi tiên phong.

Bên cạnh việc trong máu có sẵn niềm đam mê nghệ thuật cải lương và được học chút ít về sân khấu trong thời gian du học bên Pháp, còn một yếu tố khác không kém phần quan trọng đã giúp Bạch công tử sớm thành công khi lập gánh hát cải lương Huỳnh Kỳ. Đó là việc ông là người Mỹ Tho, gia đình ông đang có tiếng trên đất Mỹ Tho. Chính vị trí “trung tâm” giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ của thành phố Mỹ Tho đã giúp nơi đây trở thành điểm hội tụ của cải lương và điều đó góp phần không nhỏ vào thành công vang dội của gánh hát Huỳnh Kỳ do Goerge Phước lập nên đầu thập niên 1930.

f
Sông Bảo Định trước chợ Mỹ Tho, nơi đoàn ghe bầu của gánh hát Huỳnh kỳ đậu ngày trước.

Cho đến thập niên 1920, đường bộ vẫn chưa phát triển ở lục tỉnh Nam kỳ. Ngoài con đường “thiên lý” (nay là quốc lộ 50) từ Sài Gòn qua Cần Giuộc, Cần Đước (thuộc Long An ngày nay), Gò Công, Chợ Gạo, rồi kết thúc ở Mỹ Tho, vùng đất lục tỉnh Nam Kỳ chưa có tuyến đường bộ nào khác nối với Sài Gòn. Mà con đường nói trên phải qua nhiều sông lớn, đò ngang cách trở, nên việc giao thương giữa miền Tây và Sài Gòn đến cuối thế kỷ trước vẫn chủ yếu bằng đường sông.

Cuối thập niên 1880, sau khi đã cơ bản ổn định việc áp đặt ách thuộc địa lên toàn cõi Đông Dương, thực dân Pháp bắt đầu quan tâm đến phát triển giao thông nơi đây, mà công trình gây tiếng vang đầu tiên là tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho dài 70 cây số, là tuyến đường sắt đầu tiên ở Đông Dương. Ban đầu xe lửa phải qua phà ở Bến Lức (sông Vàm Cỏ Đông) và Tân An (sông Vàm Cỏ Tây), nhưng chỉ mấy năm sau 2 chiếc cầu sắt Bến lức và Tân An như những “kỳ quan” (trong mắt của người miền Tây khi ấy) đã giúp cho xe lửa chạy một mạch giữa Sài Gòn – Mỹ Tho.

Đối với người dân miền Tây, tuyến đường sắt này thật sự là điều khó tưởng, nó đã giúp việc đi lại thuận tiện, nhanh chóng, thay cho việc di chuyển trên ghe xuồng lênh đênh trên sông nước. Từ khi có tuyến đường sắt, Mỹ Tho trở nên sầm uất, vì ghe tàu từ khắp miền Tây đều tập trung về đây để từ đó theo xe lửa về Sài Gòn và ngược lại. Trở thành trung tâm giao thương, Mỹ Tho cũng nhanh chóng trở thành nơi hội tụ của văn hóa, nghệ thuật. Mọi trào lưu, xu hướng xã hội đều có điểm xuất phát là thành phố Mỹ Tho. Câu ca dao “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ - Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu…” ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Trong điều kiện đó, Bạch công tử từ Pháp trở về nước và lập nên gánh hát Huỳnh Kỳ, xây dựng rạp hát hiện đại Huỳnh Kỳ tại trung tâm thành phố Mỹ Tho và nhanh chóng nổi tiếng khắp Nam kỳ. Thực ra, trước khi thực sự dấn  thân vào sân khấu cải lương, Lê Công Phước đã có cuộc “diễn tập” khi ông tài trợ cho gánh hát Phước Cương đi lưu diễn bên Pháp vào năm 1931. Mục đích của chuyến đi là để thỏa cái chí chơi ngông của Bạch công tử, để các bạn bè trong làng sân khấu “tâm phục khẩu phục” George Phước như là người ăn chơi sành điệu trên đất Paris.

Còn có nguyên nhân khác: Lê Công Phước muốn giới thiệu cho người dân Paris (kể cả người Pháp và người Việt sang du học, định cư ở đây) về sân khấu cải lương Việt Nam đã được hiện đại hóa theo kịch nghệ phương Tây mà chính george Phước đã có công học tập đưa về Việt Nam áp dụng. Niềm kỳ vọng đó của Bạch công tử không phải là viễn vông, bởi trên thực tế khán giả Paris dù nhiều người không biết tiếng Việt, nhưng họ đã thưởng thức được những vở diễn như "Phụng Nghi Đình", "Xử Án Bàng Qúy Phi", "Tứ Đổ Tường"…tại nhà hát Théâtre de la Renaissance và tại hội chợ Vincennes.

Dư luận Paris đã hoan nghênh chuyến lưu diễn lần đầu tiên của cải lương Việt Nam trên đất Pháp, trong đó công đầu thuộc về George Phước. Thành công đó đã thúc đẩy Bạch công tử dồn hết tâm trí, tiền của vào nghệ thuật cải lương sau đó ít lâu ở tại quê nhà.

Lập gánh hát không phải vì mê cô Phùng Há

Có ý kiến cho rằng, Công tử Phước George từ bên Pháp về, ăn chơi khét tiếng đất Mỹ Tho, đã vì mê cô Bảy Phùng Há (NSND Phùng Há sau này, cũng sinh trưởng tại Mỹ Tho) mà bỏ tiền lập ra gánh hát hiện đại nhất thời đó là Huỳnh Kỳ. Thế nhưng, theo tìm hiểu của người viết bài này, điều đó không chính xác, mà phải theo chiều ngược lại, tức vì mê cải lương nên lập ra gánh hát Huỳnh Kỳ đã làm cho Bạch công tử mê luôn cô đào chính Phùng Há và thành chồng thành vợ suốt 7 năm trời, có với nhau 2 đứa con.

Nói như thế, là vì ngay trước khi quen biết cô Bảy Phùng Há, thậm chí trước khi cô Phùng Há vào nghề hát, George Phước đã yêu thích cải lương và bỏ công đi học về sân khấu ở Paris. Mối lương duyên sau này giữa họ chẳng qua chỉ là “tư tưởng lớn gặp nhau” trên con đường hoạt động nghệ thuật.

Ngay má Bảy Phùng Há, sau này khi đã lớn tuổi, cũng thừa nhận rằng bà đến và làm vợ Bạch công tử không phải ham mê địa vị gia đình đốc phủ sứ, cũng không phải vì sự giàu sang phú quý của gia đình ông, mà là do Bạch công tử rất quý trọng bà, quý trọng nghề ca hát, không coi đó là “xướng ca vô loại” như nhiều người đương thời, mà còn khuyến khích, động viên, trân trọng.

Gánh hát Huỳnh Kỳ được thành lập với một lực lượng diễn viên hùng hậu được chiêu mộ từ các đoàn hát nổi tiếng khắp miền Nam khi ấy, do cô Bảy Phùng Há làm đào chánh, bà còn được giao điều khiển về nghệ thuật, chiêu mộ nhân tài. Thời đó các gánh hát khác đều đi bằng ghe chèo, thậm chí là thuê ghe chở nghệ sĩ, dụng cụ từ điểm diễn này qua điểm khác,  thì Bạch công tử lại sắm một lúc tới 4 chiếc ghe bầu có gắn máy dùng để chở đào kép đi lưu diễn và được trang bị như là du thuyền.

Đoàn ghe được trang hoàng lộng lẫy thường xuyên đậu trên sông Bảo Định, trước chợ Mỹ Tho. Trước khi gánh hát ra đời cả nửa năm, Bạch công tử đã đặt mấy xưởng đóng ghe ở Mỹ Tho đóng cho ông 4 chiếc ghe bầu loại lớn, trong đó có 1 chiếc được thiết kế giống như du thuyền bên Châu Âu, tức cũng có phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp, nhà vệ sinh, chỗ để đọc báo, thư giản…, tất cả đều được gắn máy động cơ nhập cảng từ Pháp.

g
Rạp hát Huỳnh Kỳ, nay là siêu thị Tiền Giang.
Mỗi lần gánh hát Huỳnh Kỳ xuất quân đi lưu diễn, không khí rầm rộ giống như vua quan đi kinh lý. Những người lớn tuổi còn nhớ rõ, chiếc đi đầu được thiết kế như du thuyền có lầu chở Bạch công tử và bà Phùng Há, phía trước có cột cờ và treo lá cờ màu vàng của vua chúa, biểu tượng của gánh Huỳnh Kỳ. Chiếc thứ hai nhỏ hơn dùng để chở diễn viên, ghe được ngăn thành nhiều phòng cho từng người, mỗi phòng có ô cửa sổ, trên ghe cũng có bếp ăn, nhà vệ sinh tươm tất... Chiếc ghe thứ ba dùng để chở thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng đá.

Chiếc cuối cùng chở dụng cụ kết hợp làm nhà ở cho đào kép, người phục vụ. Nhờ vậy mà đào kép của gánh Huỳnh Kỳ không ăn nhờ ở tạm như các gánh hát khác, điều mà cho đến tận bây giờ các đoàn hát vẫn chưa khắc phục được. Mỗi khi đến một điểm diễn mới, Bạch Công tử cho đào kép, nhân viên lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay xã giao với chính quyền địa phương.

Tất cả cùng hát bản Đoàn ca, được sáng tác riêng cho đoàn Huỳnh Kỳ, để chào khách, rồi cờ vàng của đoàn được kéo lên cột cao và Bạch Công tử móc súng lục ra đưa lên trời nổ liền mấy phát báo hiệu gánh hát Huỳnh Kỳ bắt đầu diễn nơi đó. Trong khi đó, khán giả đã được thông báo trước, đứng chen trên bờ vẫy tay chào những đào kép thần tượng của mình. Liền sau đó, do đã liên hệ từ trước, đội bóng đá của đoàn hát thi đấu giao hữu với đội bóng của địa phương, vừa để tạo mối giao lưu, vừa thu hút khán giả đi xem hát. Dù cho ai thắng thua, đội bóng địa phương cũng được chiêu đãi bữa chiều và tặng vé mời xem hát.

Những vở diễn ăn khách nhất của gánh hát Huỳnh Kỳ lúc đó là Giọt máu chung tình, do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ và Phùng Há trong vai Bạch Thu Hà; Người đàn bà không tên; Sơn hà xã tắc; Kim Tinh Nương xuất hiện...Gánh hát Huỳnh Kỳ với thực lực hùng hậu, lưu diễn miền Tây đi đến tỉnh nào cũng đông đảo khán giả, thiên hạ quanh vùng bơi xuồng coi hát đậu chật bến, và đây là thời kỳ mà gánh hát Huỳnh Kỳ lên như diều gặp gió.

Cứ thế, gánh hát Huỳnh Kỳ đi đến đâu là làm sôi động một góc miền Tây, hiện tượng “cháy vé” thường xuyên diễn ra. Không chỉ để lại dấu ấn trong lòng người dân miền sông nước, gánh Huỳnh Kỳ của Bạch công tử còn hớp hồn khán giả Sài Gòn mỗi khi họ về đây hát. Trong hồi ký Nổi trôi trong ánh đèn màu, nghệ sĩ Bảy Nhiêu đã viết: "Đến 3 giờ chiều thì vé các hạng của gánh Huỳnh Kỳ đều hết. Nhiều người thất vọng đón buổi tối để mua cho được vé đêm mai".

Nhắc đến thời kỳ vàng son của cải lương dưới màu cờ của gánh hát Huỳnh kỳ, nhiều nghệ sĩ tiền bối đều ngã mũ khâm phục. Trong hồi ký của mình, NSND Ba Vân cũng có nhắc tới gánh hát Huỳnh Kỳ, ông xem Bạch công tử như là người ơn, vì đã có công đóng góp, tạo điều kiện cho sân khấu cải lương phát triển trong giai đoạn mới phôi thai.

Những canh tân đáng ghi nhận

Như đã nói, với niềm đam mê nghệ thuật cải lương có sẵn, lại được học về sân khấu ở Trường Kịch nghệ Paris, rồi luôn sẵn tiền, Bạch công tử đã có chí hướng và điều kiện thực hiện những “cách tân” trong sân khấu cải lương và mang lại những thành quả to lớn. Không chỉ là người đầu tiên đem cả một đoàn hát Phước Cương qua tận trời Tây biểu diễn để giao lưu sân khấu giữa 2 nước, Bạch công tử cũng là người đầu tiên đưa đoàn cải lương này đi lưu diễn miền Bắc và cũng đạt được thành quả to lớn.

Tại Hà Nội và Hải Phòng, nhờ danh tiếng của Bạch công tử và nhờ nhiều bạn bè trên đất Bắc lăng xê, gánh hát Phước Cương với những tài danh đương thời như Năm Phỉ, bảy Nhiêu, Tư ánh, Năm Châu đã làm nên hiện tượng văn hóa trên đất Bắc.

Các “đại gia” trên đất Bắc như triệu phú Bạch Thái Bưởi, gia đình Bạch Thái Tòng, Bạch Thái Tam tiếp họ như thượng khách, luôn đem xe nhà đến rước đào kép cải lương miền Nam đi ăn cơm các nhà hàng sang trọng nhất. Lần ấy, kép Bảy Nhiêu được Chu Mậu, người được coi là “Công tử xứ Bắc”, tặng một bộ đồ hiệu Habit để mặc trên sân khấu trong vở "Áo người quân tử" làm cho khán giả ngạc nhiên và thích thú, nhất là kép Bảy Nhiêu ca thật mùi câu vọng cổ miền Nam.

Thành công của gánh Phước Cương trên đất Bắc đã là tiền đề cho nhiều đoàn cải lương trong Nam đi lưu diễn miền Bắc sau đó. Cùng với việc tổ chức gánh hát thật chuyên nghiệp, hiện đại, George Phước cũng cho xây dựng rạp hát tên Huỳnh Kỳ ở trung tâm thành phố Mỹ Tho, cạnh nhà của ông. Rạp hát hiện đại nhất miền Tây khi ấy là nơi gánh hát Huỳnh Kỳ làm “hậu cứ” và biểu diễn thường xuyên. Ngày ấy, bất cứ đào kép nào cũng mơ ước được đứng hát trong rạp Huỳnh Kỳ, nơi đây đã là cảm hứng để cho ra bao tài năng cải lương hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Chính rạp hát này đã gắn với sân khấu cải lương miền Tây suốt 70 – 80 chục năm, dù sau đó Bạch công tử đã khánh kiệt và bán nó lại cho người khác. Ngày nay, dù đã gần 80 năm trôi qua, nhưng rạp Huỳnh Kỳ ngày nào vẫn không thua kém về mức độ đồ sộ so với bất kỳ rạp hát nào trong vùng, nó đã được “mông má” lại để làm mợt siêu thị lớn của thành phố Mỹ Tho.

Với sự xuất hiện của đoàn cải lương Huỳnh Kỳ với những phương tiện, trang bị hiện đại, đào kép được sống đàng hoàng, hình ảnh của sân khấu cải lương đã đẹp lên rất nhiều trong tâm tưởng người người dân nói chung và giới mộ điệu cải lương nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Năm, nay đã 90 tuổi, hiện sống ở xã Mỹ Lệ - huyện Cần Đước, người đã từng nhiều năm theo nghiệp cầm ca, kể lại: “Khi đi xem gánh hát Huỳnh Kỳ, định kiến về cải lương và nghiệp cầm ca nói chung đã bị xóa nhòa trong tôi, họ xuất hiện thật sang trọng, cuộc sống thật sung túc, vì lẽ đó mà tôi đã quyết tâm học đờn để theo gánh hát. Sau này tôi đã trải qua nhiều đoàn hát, nhưng không đâu tạo dựng được môi trường nghệ thuật hoàn thiện như gánh hát Huỳnh Kỳ ngày ấy”.

Cũng cần nhắc thêm, chính Bạch công tử đã sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại đầu tiên trong sân khấu cải lương ở gánh hát Huỳnh Kỳ và rạp hát Huỳnh Kỳ như: đèn điện, đèn chiếu xa, micro treo và hệ thống tăng âm,…

Thế nhưng, mọi thứ diễn ra quá ngắn ngủi, chỉ trong vòng có 7 năm. Nếu Bạch công tử không sớm khánh kiệt, tiếp tục đầu tư cho cải lương, có lẽ bộ môn nghệ thuật truyền thống này còn phát triển rực rỡ hơn nữa trong quá khứ. Thói ăn chơi vô độ, cực kỳ sa đọa đã làm cho Bạch công tử bán dần ruộng đất, nhà cửa, rồi bán cả rạp hát, gánh hát…Ông đã lâm trọng bệnh và chết trong nghèo khổ vào năm 1950, đó cũng là lúc sân khấu cải lương miền Nam gặp nhiều khó khăn.
     
Kỳ tới:  Chuyện tình Bạch công tử - cô Bảy Phùng Há.

Thiên Thanh


[links()]
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc