’Bản đồ Bưu điện Hà Nội sai hoàn toàn về chủ quyền’

09:43, Thứ tư 17/04/2013

( PHUNUTODAY ) - Bản đồ ở Bưu điện Hà Nội có thiết kế sai về vị trí địa lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, rất dễ gây nhầm lẫn cho người xem

(Đời sống) - “Theo thông tư liên tịch hướng dẫn hoạt động xuất bản, in hoặc nhân bản bản đồ thì bản đồ ở Bưu điện Hà Nội (số 75 Đinh Tiên Hoàng – Hoàn Kiếm – Hà Nội) có thiết kế sai hoàn toàn về bố cục, ký hiệu, nội dung cũng như vị trí địa lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Rất dễ gây nhầm lẫn cho người xem, không có giá trị tham khảo”, ông Nguyễn Văn Chính – Trưởng phòng Quản lý Xuất bản – NXB Bản đồ khẳng định với báo Đất Việt ngày 16/4.


[links()]

Ông Nguyễn Văn Chính:
Ông Nguyễn Văn Chính: "Bản đồ ở Bưu điện Hà Nội (bên phải) thiết kế sai hoàn toàn".

Sai và gây hiểu nhầm nghiêm trọng

Ông Chính làm rõ thêm: “Theo thông tư liên tịch Hướng dẫn quản lý hoạt động xuất bản bản đồ mà Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành vào tháng 3/2006:

Trường hợp bản đồ là bản đồ chuyên đề, bản đồ chuyên ngành phải được xây dựng trên cơ sở địa lý, lấy từ hệ thống bản đồ địa hình quốc gia, bản đồ nền, bản đồ hành chính hoặc nền cơ sở địa lý của hệ thống thông tin địa lý lý Quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập và xuất bản.

Trường hợp bản đồ có nội dụng liên quan đến toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam phải thể hiện theo bố cục của bản đồ hành chính Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập và xuất bản mới nhất tính đến thời điểm xin xuất bản.

Trường hợp sản phẩm bản đồ là bản đồ hành chính hoặc có nội dung liên quan đến biên giới, địa giới hành chính các cấp và vùng lãnh thổ phải thể hiện đầy đủ, chính xác các yếu tố liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc phạm vi hành chính của khu vực lãnh thổ đó.

Trường hợp bản đồ là bản đồ hành chính hoặc có nội dung liên quan đến biên giới, địa giới hành chính các nước trên thế giới thì phải thể hiện chính xác biên giới quốc gia, tên nước, tên thủ đô và các địa danh lớn khác trên bản đồ hành chính thế giới, bản đồ các châu lục, các khu vực trên thế giới do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập và xuất bản mới nhất tính đến thời điểm xin xuất bản”.

ất nhiều người đến Bưu điện Hà Nội không nhận ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên bản đồ.
Rất nhiều người đến Bưu điện Hà Nội không nhận ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên bản đồ.

Ngoài ra, về quy định thể hiện Quần đảo trên bản đồ, ông Chính nói: “Theo quy chuẩn bản đồ thì quần đảo cần phải được thể hiện rõ bởi các đảo, trong các đảo cũng cần phải có ký hiệu khác nhau để biết được đâu là đảo san hô, đâu là đảo thường. Nếu chỉ đặt một dấu chấm mà không có chú thích, ghi tên hai quần đảo như bản đồ ở Bưu điện Hà Nội (số 52 Đinh Tiên Hoàng – Hoàn Kiếm) thì người xem không thể biết được đó là quần đảo hay là đảo, không thể biết được đấy là đảo nào”.

“Nếu như Bưu điện Hà Nội cho rằng đây không phải là bản đồ xuất bản mà là bản đồ thể hiện thì cũng là mang tính phổ biến tới công chúng thì cũng phải tuân thủ những nguyên tắc, trên nền pháp lý mà Nhà nước Việt Nam ban hành.

Mà cứ cho bản đồ ở Bưu điện Hà Nội đã thể hiện rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đi chăng nữa thì ngay khi quan sát bằng mắt thường chúng ta có thể quan sát rõ thấy rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Đã Nẵng có màu sắc giống với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Như thế cũng sẽ dễ gây hiểu nhầm và sai quy tắc thể hiện trên bản đồ”, ông Chính phân tích.

Cục xuất bản: Bưu điện Hà Nội thể hiện không đầy đủ, không rõ ràng các đảo và quần đảo của nước Việt Nam

Còn theo bà Phạm Tuyết Nga – Trưởng phòng Quản lý xuất bản (Cục xuất bản – Bộ Thông tin và Truyền thông) cho  rằng dù là bản đồ hay sơ đồ thì cũng có quy chuẩn riêng về cách thể hiện. Không thể tùy tiện đặt về vị trí địa lý cũng như kích cỡ để thể hiện bản đồ.

“Việc bản đồ ở Bưu điện Hà Nội thể hiện không đầy đủ, không rõ ràng các đảo và quần đảo của nước Việt Nam là không đúng. Tuy nhiên, đây là cơ quan thuộc Tập đoàn bưu chính viễn thông quản lý nên chúng tôi không thể gửi văn bản yêu cầu giải trình và sửa đổi”, bà Nga nói.

Sáng ngày 16/4, ông Trịnh Quang Chiến – Chánh văn phòng Bưu điện Hà Nội cho biết: “Ngay sau khi tiếp nhận được thông tin từ báo Đất Việt phản ánh, tôi giật mình, trực tiếp xuống tận nơi để xem xét tấm bản đồ. Tấm bản đồ được bưu điện thể hiện ở đại sảnh của Bưu điện đã thể hiện rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Ông Chiến còn cho rằng: “Những phần thuộc chủ quyền của đất nước Việt Nam được làm nổi bật hơn khi lắp đèn LED màu đỏ ở xung quanh, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể hiện rõ trên bản đồ”.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV báo Đất Việt, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của nước Việt Nam không có đèn LED màu đỏ thể hiện giống như trong phần đất liền hình chữ “S”. Màu của quần đảo được Bưu điện Hà Nội cho là Hoàng Sa cùng màu với đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Lý giải cho vấn đề này, ông Trần Quang Chiến cho biết: “Có gắn đèn LED màu đỏ lên vị trí hai quần đảo nhưng không biết bị hỏng từ bao giờ”.

Ông Chiến nói: “Tấm bản đồ được lắp đặt từ năm 1993 và được đặt ở vị trí trước cửa ra vào nhằm mục đích thể hiện Bưu điện Hà Nội đã “có mặt” ở khắp nơi trên thế giới, đồng thời để khách hàng, du khách, nhân viên chiêm ngưỡng, tham quan”.

Ngoài ra, trong suốt cuộc trao đổi với PV, ông Chiến cũng nói đây là tấm “bản đồ” chứ không phải sơ đồ.

Theo TS Vũ Kim Chi – Giảng viên Bộ môn Bản đồ (Khoa Địa lý – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội) nói: “Chiếu theo kinh tuyến và vĩ tuyến trên bản đồ, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra quần đảo Hoàng Sa nằm xa vị trí đất liền, thậm chí còn cách xa hơn khoảng các từ đảo Hải Nam – Trung Quốc đến nước ta. Tuy nhiên, trên bản đồ của Bưu điện Hà Nội lại đặt đảo Hoàng Sa quá gần với đất liền, nằm hẳn vào bên trong”.

 

  • (Theo ĐVO)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc