Đời sống) - Nhiều người tin rằng nước lấy ở ngã ba sông (điểm gặp nhau của sông Lô, sông Đà, sông Hồng) là nước thánh, nước thiêng của các vua Hùng, nên đã bỏ tiền ra mua những can nước sông ô nhiễm, đục ngầu, cát ở khu vực này với giá 200.000đồng để lấy may.
[links()]
Những cửa hàng chuyên lấy nước, cát ngã ba sông như thế này ngày càng mọc nhiều ở Bạch Hạc |
Trên đường hành hương về Phú Thọ dự lễ giỗ Tổ vua Hùng, nhiều người dừng ở cầu Việt Trì để xuống khu Bạch Hạc mua nước, cát tại khu ngã ba sông để cầu may... Có người thần thánh hóa nước sông này đến mức họ cho rằng chính ngã ba sông thuộc P.Bạch Hạc (TP Việt Trì) là nơi những vị vua ngày xưa xuất binh đánh thắng quân giặc. Do vậy, nước, cát lấy ở điểm ấy linh thiêng và hiệu nghiệm lắm.
Vì thế dịch vụ bán nước, cát ngã ba sông này tăng cao. Quán của bà lão Th. hay nhiều quán khác ở đây đều có dịch vụ bán can đựng nước. Giá mỗi can nhựa loại 20 lít là 50.000 đồng, có chỗ “chém” đến 70.000 đồng. Nếu muốn có nước ngã ba sông đổ đầy can phải mất thêm 150.000 đồng, vị chi cả tiền can và nước là 200.000 đồng. So với nước lọc đóng bình tinh khiết có giá 20.000 đồng thì những can nước sông ô nhiễm, đục ngầu này có giá cao gấp 5-10 lần.
“Còn giá cát thì tùy tâm” - một chủ hàng cho biết. Cái tùy tâm ở đây là không cần đong, đo số lượng nhưng khách muốn mang một mớ cát từ ngã ba sông về phải mất cho chủ thuyền 100.000 đồng.
Do nhu cầu của nhiều người mà dịch vụ chở thuyền lấy nước, cát ngã ba sông mọc lên ngày càng nhiều ở Bạch Hạc.
Thậm chí cả chùa Tam Giang - Đại Bi cũng ăn theo dịch vụ này. Trong chùa Đại Bi có cả một đống can nhựa đựng nước đục đục, vàng vàng, giống như nước ngã ba sông đươc đặt ở khu hậu điện.
Hòm công đức ghi rõ hòm cát nước |
Để đáp ứng nhu cầu của phật tử, nhà chùa cũng trang bị đủ loại can từ 2-20 lít. Thậm chí khách muốn lấy nước đựng vào chai nước suối 500ml cũng có. Người phụ nữ mặc áo nâu sồng trực tiếp dẫn phóng viên Tuổi Trẻ vào khu hậu điện để chắt nước thao thao giải thích chùa này là chùa Đại Bi, làm việc thiện, không bao giờ kinh doanh bất cứ thứ gì. Khách muốn công đức bao nhiêu sau khi lấy nước cũng được. Tại cửa chùa còn có một chiếc hòm công đức ghi rõ “hòm cát nước”.
Trong lịch sử ghi chép thì đoạn ngã ba sông thuộc P.Bạch Hạc này chẳng có vị vua nào đánh thắng trận cả. Chỉ có Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật 30 năm trấn thủ phòng tuyến Tam Giang, Bạch Hạc.
Trần Nhật Duật đã có công trong chiến thắng của quân và dân ta ở lần đánh đuổi thứ hai và thứ ba giặc Nguyên Mông xâm lược. Ở cụm đền, chùa Tam Giang - Đại Bi có tượng thờ Trần Nhật Duật và có tục lấy nước sông vào ngày đại lễ. Nhiều người đã lợi dụng chuyện thắng trận có thật của Trần Nhật Duật và một nghi thức đẹp từ ngàn xưa để thần thánh hóa rồi biến nước và cát sông thành hàng hóa bán kiếm tiền.
Cũng nhờ có lễ hội mà nhiều dịch vụ buôn bán, làm ăn tự nhiên mọc ra để kiếm lời cho một số người quanh khu vực đó.
Trong lễ hội ấn đền Trần, Nam Định hồi đầu năm nay cũng diễn ra cảnh tượng tự. Khi khách thập phương đổ về dự lễ khai ấn đền Trần ngày càng đông, Ban tổ chức phát ấn từ sáng sớm và giá của mỗi lá ấn được quy định là 15.000 đồng – tức với 15.000 đồng bỏ vào hòm công đức, người dân được phát một lá. Theo quy định, mỗi người được phát từ một đến ba bản ấn. Tuy nhiên có nhiều người sẵn sàng đưa tiền triệu để ngã giá với các ông thủ ấn, và rồi có hẳn một xấp ấn trên tay.
Mua bán ấn tại đền Trần. |
Ngay sau khi có được ấn, nhiều người đã bán sang tay cho những người không có thời gian chờ đợi với giá từ 50.000 đến 100.000 đồng/ấn tùy theo độ sốt ruột của khách mua
Các cụ thủ từ còn nhạy bén hơn với nhu cầu của khách thập phương khi hướng dẫn khách tỷ mỷ nơi phát ấn, số tiền mỗi lần bỏ vào hòm công đức. Có cụ còn trao đổi oang oang giữa sân đình với du khách: “Muốn mua bao nhiêu ấn cũng có”. Có cụ gọi điện vào trong khu vực phát ấn để điều tiết lượng ấn phát ra, hoặc điều đình việc phát ấn cho người quen.
Một số người chịu khó xếp hàng hoặc chen ngang thành nhiều đợt để buôn ấn, dẫn đến cảnh hỗn loạn, giẫm đạp nhau, treo mình vào song cửa để có được ấn.
Thậm chí nhiều du khách sững sờ vì các bản ấn đều giống hệt nhau kể cả vết mực nhòe bên lề trái của ấn.
Trong khi đó, ngoài cổng đền, các cò mồi là các hàng đổi tiền lẻ, vàng mã, tiền cổ tranh nhau mời chào mua ấn. Giá ấn được phát với mức 200.000 đồng/chiếc, sau đó, giá ấn giảm xuống 100.000 đồng/chiếc, không mặc cả. Nếu mua ấn với số lượng lớn thì được hạ xuống 80.000 đồng/chiếc.
Đáng lưu ý là 6 chiếc ấn mua tại các cửa hàng khác nhau trước cổng đền Trần đều có dấu hiệu khác lạ. Những lá ấn này có phiến giấy mỏng hơn, mặt ấn không giáp, mực dâu nhạt và nhòe. Các hoa văn trên ấn cũng đều mờ hơn. Nhân viên phát ấn nhanh chóng xác định đây là ấn giả. Như vậy, có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người vì không chờ được nhà đền bán ấn đã mua phải ấn giả.
- NQ (Tổng hợp)