"Trong công văn Bộ GDĐT gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố không có câu chữ và không có ý nào ngăn cản đăng tải thông tin tiêu cực”. Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời về vấn đề tốt nghiệp PTTH và thi ĐH đang tới gần, trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 26/5/2013, trên VTV1.
Trong công văn mới đây, Bộ GDĐT yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tải thông tin tiêu cực, nhạy cảm. Một chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu làm như vậy là vi phạm Luật Báo chí và hạn chế các cơ quan báo chí chống tiêu cực.
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trong công văn, không có câu chữ nào ngăn cản và không có ý nào ngăn cản đăng tải thông tin tiêu cực.
Xuất phát từ thực tiễn trong những năm qua, trên phương tiện truyền thông, bên cạnh thông tin tốt, có thông tin chống tiêu cực đã được đăng tải. Tuy nhiên có một số thông tin được đăng vội vàng, không chính xác, thiếu cân nhắc.
Ví dụ thông tin lộ đề, trong lúc các cháu đang làm bài. Cả xã hội quan tâm mà đăng thông tin như vậy mà thông tin đó không được kiểm chứng, thiếu chính xác thì không có lợi cho thi cử, diễn biến tâm lý thí sinh cũng như đánh giá của xã hội với ngành giáo dục.
Do vậy, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương tạo điều kiện phối hợp trao đổi với báo chí khi thông tin và đề nghị cơ quan báo chí có trao đổi, cân nhắc kỹ trước khi đăng tải. Khi thông tin đã được cân nhắc kỹ, chính xác thì báo chí cứ đăng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. Ảnh: Cổng ĐT Chính phủ |
Trong cuộc trao đổi này, Bộ trưởng Luận đã nhấn mạnh việc chỉ nhắc báo chí cân nhắc khi đưa tin và trao đổi với tỉnh chứ không phải báo cáo với tỉnh. Vấn đề đáng nói là như thế nào là "trao đổi với tỉnh", và việc "trao đổi" với "báo cáo" trong trường hợp này có khác gì nhau?
Bởi lẽ, nếu không làm rõ vấn đề này báo chí sẽ có thể bị kìm hãm trong cuộc chiến chống tiêu cực thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục. Và quan trọng hơn, việc thông tin kịp thời, nhanh nhạy của báo chí cũng không còn, khi phải đợi cơ quan chức năng kiểm chứng, xử lý, báo chí trở thành cái “loa” của cơ quan ngành giáo dục, chỉ đua tin những cái gì mà ngành này muốn.
Báo chí là phương tiện đưa tin nhanh, nhạy và chính xác tới toàn xã hội, và thông tin chỉ có giá trị khi nó được đưa lên kịp thời, nếu áp dụng hình thức báo cáo với tỉnh như mọi người vẫn hiểu và như Bộ trưởng nói: “Không có gì vội trong vấn đề xử lý sai phạm, xử lý thông tin về sai phạm. Nếu đã có chứng cứ thì một hai ngày sau xử lý chứ có mất gì đâu. Còn nếu sau một ngày mà không thể xác minh được nữa thì đó là chúng ta phải rút kinh nghiệm về mặt nghiệp vụ”, “đưa ngay lên để người ta sốc thì không có lợi” thì quả thật mang lại những khó khăn lớn cho báo chí.
Một vấn đề nữa được đặt ra là: Năm nay là năm đầu tiên thực hiện quy định cho phép học sinh, thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Vậy liệu có đảm bảo kỳ thi nghiêm túc hay không?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, thực ra vấn đề cũng đơn giản ở chỗ không nên đặt vấn đề có quá nhiều loại thiết bị phức tạp mà chỉ đặt vấn đề ngăn chặn thiết bị phát hình, phát âm trực tiếp tại phòng thi.
“Chỉ cần nhìn thiết bị có màn hình không? nếu có màn hình, tức là phát hình trực tiếp, không được mang vào. Cũng như vậy, để phát hiện thiết bị phát thanh trực tiếp không, chỉ cần xem thiết bị có loa hoặc có tai nghe không. Nếu không có hai cái đó, không phát âm trực tiếp được”, Ông Luận nói.
Bộ sẽ hướng dẫn chi tiết việc này bằng văn bản. Chúng tôi tin rằng việc bổ sung quy chế này sẽ nâng cao trách nhiệm, nâng cao khả năng giám sát đối với các lực lượng tham gia kỳ thi.
Chỉ còn một tuần nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong muốn: “Các thầy các cô với tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, tuân thủ đầy đủ quy chế. Từng bước đấu tranh chống tiêu cực để giành lại niềm tin, trước hết là của các em học sinh, sau đó là của các bậc cha mẹ học sinh và cả xã hội”.
Về đề thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ năm nay, ông Luận cho biết, đề thi sẽ được ra trong chương trình THPT và nằm nhiều trong chương trình lớp 12. Đề thi sẽ được ra một cách căn bản, không đánh đố học sinh. Cũng theo Bộ trưởng, đề thi tuyển sinh đại học có yêu cầu khác nữa là phân loại trình độ học sinh để tuyển chọn nên có câu khó hơn. Những chủ trương trong đổi mới giáo dục sẽ được triển khai tốt. “Tôi nghĩ, thí sinh bình tĩnh học thực chất, căn bản, học và hiểu, chú ý khả năng vận dụng, khả năng sáng tạo thì bài thi tốt và đáp ứng yêu cầu”, ông Luận cho hay. |
- An Khanh (Tổng hợp từ Khám phá, Phunutoday)
[links()]