Báo động: Ngày càng nhiều vụ án giết người thân

13:55, Thứ ba 19/06/2018

( PHUNUTODAY ) - Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do sự lỏng lẻo của sợi dây kết nối bằng huyết thống và hôn nhân trong mỗi gia đình. Con người ngày càng vô cảm hơn ngay cả đối với người thân của mình. Họ dễ dàng dùng bạo lực ngay với chính người thân để giải quyết những mâu thuẫn nhỏ nhặt nhất.

 Một thống kê của Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.200 vụ giết người. Trong số đó, có đến 18-20% số vụ là người thân trong gia đình giết nhau.

Đó là những con số đáng báo động về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, minh chứng cho việc chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống đang bị phá vỡ nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều đáng buồn những vụ án mạng liên quan đến người dân chưa dừng lại.

Mới đây, ngày 17/6, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang truy bắt Nguyễn Hồng Phong (33 tuổi, ngụ Đồng Nai) để điều tra làm rõ về hành vi cố ý gây thương tích. Chỉ do mâu thuẫn vặt trong sinh họa, Phong đã dùng dao nhọn đâm sau lưng vợ mình là chị Nguyễn Thị Bích Thảo sau đó bỏ trốn, để mặc vợ trong tình trạng nguy kịch.

tham-sat-5-nguoi-trong-gia-dinh-o-binh-tan_jryd

Trước đó ít ngày, chỉ vì mâu thuẫn với mẹ ruột, Nguyễn Văn Me (SN 1977, ngụ ấp Kiến Bình 1, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã dùng đòn gánh đến gặp bà Nguyễn Thị Vết (73 tuổi) – mẹ của Me chửi bới và xô ngã bà xuống đường. Chứng kiến cảnh tượng trên, chị Trần Thị Huyền Trân (cùng địa phương) đến chở bà Viết đi lánh nạn. Bà Viết vừa lên xe, Me chạy theo dùng cây đòn gánh đánh vào tay chị Trân, khiến cả 2 ngã sấp xuống đường. Không dừng lại ở đó, Me tiếp tục chạy đến đánh gãy tay chị Trân. Kết quả giám định chị này bị thương tật 13%.

Vụ việc khác khiến dư luận tỉnh Trà Vinh chấn động khi ngày 10/6, Nguyễn Văn Chất Em (26 tuổi) đã dùng dao đâm tử vong cha vợ là ông Nguyễn Văn B. (43 tuổi, ngụ xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) khiến ông B. tử vong sau đó. Nguyên nhân chỉ đơn giản do vợ Chất Em sinh con nhỏ nên gia đình ngoại đón về nhà. Khi Chất Em đến đón vợ con về nhưng gia đình nhà ngoại giữ lại vì muốn đứa trẻ cứng cáp thêm mới cho về.

Đó chỉ là những ví dụ nhỏ nhưng đủ minh chứng cho việc các vụ án liên quan đến người thân trong gia đình tăng cao với thủ đoạn dã man, tàn bạo, thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức, lối sống của một số đối tượng, gây bức xúc trong xã hội. Nó chứng minh cho việc sử dụng hành vi bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình không còn là hiện tượng đơn lẻ, mà đã như một xu hướng lan rộng ra nhiều nhóm xã hội kể cả thành niên và vị thành niên, nam giới hay nữ giới, già hay trẻ.

images1434001_mauthuan

Đó là báo động đỏ về sự xuống cấp, băng hoại về đạo đức, văn hóa ứng xử giữa con người với nhau trong xã hội hiện nay. Trong đó, có thể nhận thấy sự cố kết trong gia đình Việt Nam theo chuẩn mực truyền thống, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án giết người thân, theo Trung tá Nguyễn Trung Hiếu, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về giá trị đạo đức truyền thống gia đình, xóm, làng, truyền thống dân tộc... Định hướng cho giới trẻ xây dựng, hình thành nhân cách đúng đắn; ứng xử phù hợp đạo đức truyền thống của người Việt Nam; phản bác, lên án mạnh mẽ những người có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, đi ngược lại truyền thống gia đình Việt và vi phạm pháp luật… Từ đó, các thành viên trong xã hội nâng cao nhận thức, ứng xử phù hợp hơn, phòng ngừa tội phạm.

Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nhằm hạn chế xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm cá nhân có hành vi vi phạm để làm gương, đồng thời  đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là pháp luật hình sự. Bên cạnh đó, mỗi gia đình phải chú trọng giáo dục về đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho con em mình, tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên, kịp thời phát hiện và hóa giải các xung đột, không để dồn nén kéo dài. Ngoài ra, ở các khu vực dân cư, khi phát hiện mâu thuẫn trong các gia đình, các ban ngành đoàn thể cấp cơ sở cần tổ chức ngay việc  hòa giải, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng".

Dư luận đặt ra câu hỏi, đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều vụ án mạng xảy ra, ngành giáo dục nước nhà có vô can?

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc