Chiều 3/2, có rất nhiều người đến nhà anh Dương Quốc Thái ở xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) để xem cát lợn. Đây là vật lạ mà gia đình thanh niên 31 tuổi phát hiện khi làm thịt con heo 300 kg vào sáng cùng ngày.
"Con heo nái gia đình mua về làm thịt cho bà con ăn Tết. Mổ đến bao tử heo thì mọi người giật mình vì thấy một cục đầy lông", anh Thái nói.
Nhiều người đến xem vật lạ đã cho anh Thái biết đây là cát lợn. Anh Thái tìm hiểu các thông tin và xác định vật trong bụng con heo giết thịt sáng nay là cát lợn.
"Nghe nói bên Trung Quốc có người mua cát lợn với giá nhiều tỷ đồng. Nếu được giá như vậy thì tôi sẽ bán", thanh niên 31 tuổi nói.
Hiện, anh Thái đang phơi cát lợn và lông bên ngoài đã chuyển từ màu xám sang vàng, phát ra mùi thơm.
Theo các tài liệu về Đông y: Cát lợn còn được gọi là "Trư cát" hoặc "Trư sa cát lợn" theo các nhà khoa học nó là một loại kết tụ vật chất trong hệ tiêu hóa của con lợn như trong dạ dày, trong ruột, trong mật được tích tụ theo thời gian. Đặc tính của Cát lợn là vị ngọt, tính mát, mùi thảo mộc có tác dụng đối với tâm và can được cho là có giá trị kinh tế, giá trị y học, chữa bệnh. Do sự kết tụ lâu ngày trong những điều kiện bất lợi nên loại vật chất này giống như một loại ngọc quý.
Trư Sa được tạo thành nếu thời gian đủ dài sẽ có mùi thơm thảo mộc nhẹ nhàng, đặc biệt khi để trong không khí. Đông Y cổ xưa đã sử dụng Trư Sa để hỗ trợ điều trị các bệnh như an thần, động kinh, hốt hoảng lo âu, trị mất ngủ, hôn mê, thanh nhiệt, giải độc, tiêu đàm và nhiều tác dụng khác.