(Phunutoday) - Ba đứa trẻ là chị em ruột, hai gái một trai, đứa lớn nhất mới 14 tuổi bị bệnh viêm gan, vóc dáng nhỏ xíu như đứa trẻ lên 7, cân nặng chỉ có 25 kg, nhưng phải nghỉ học để hàng ngày mua mía róc vỏ, tiện đóng vô bịch nilon ướp đá bán kiếm tiền nuôi hai em ăn học vì cha chết, mẹ bỏ đi biệt xứ.
Căn nhà tình thương ngang 4m, dài 9m, nền xi măng, mái và vách đều bằng tôn, nóng hầm hập của UBND Phường 5, thành phố Sóc Trăng cấp cho ba đứa trẻ nằm sâu hút trong một khu tái định cư vắng vẻ ở hẻm 744 đường Tôn Đức Thắng, khóm 3.
Trước nhà những mương nước dơ bẩn đầy rác, hôi hám. Chị Nguyễn Bích Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Phường 5, người đang chịu trách nhiệm bảo trợ, chăm sóc cho ba đứa trẻ, nói: “Hoàn cảnh mấy đứa nhỏ này rất đáng thương. Từ ngày cha tụi nhỏ mất, người mẹ bỏ đi biền biệt để trốn nợ, nên ba chị em tụi nhỏ phải tự nương tựa, chăm sóc lẫn nhau”.
Hàng ngày cháu Phượng phải làm mía ghim bán lấy tiền lo lắng cho hai em nhỏ đang đi học. |
Bi kịch gia đình
Cô bé Huỳnh Thị Phượng, 14 tuổi, chị cả trong gia đình, da đen nhẻm, vóc dáng nhỏ xíu như đứa trẻ lên 7 tuổi, đang ngồi loay hoay róc từng khúc mía để tiện đóng ướp đá bán. Phượng vô tư khoe: “Mỗi ngày con mua một chục (10) cây mía với giá 35.000 đồng về róc vỏ, tiện đóng vô bịch nilon ướp nước đá cho lạnh rồi bán vòng trong xóm. Mỗi ngày bán mía lời được 10.000 đồng”.
Hỏi Phượng hai đứa em đâu, cô bé nói: “Tụi nó đi học rồi. Thằng Tùng (Triệu Tùng 9 tuổi) học ở trường của ma xơ, con Thanh (Triệu Thị Thanh, 6 tuổi) học lớp tình thương của khu phố”.
Tôi thắc mắc vì sao ba chị em ruột lại mang họ khác nhau, chị Liên giải thích: “Mấy đứa nhỏ có vấn đề về việc làm khai sinh. Phượng được khai sinh lúc cha của em còn sống nên mang họ cha. Đến hai đứa nhỏ khai sinh trễ, lúc đó cha mất rồi nên phải cho mang họ mẹ”.
Nhắc đến cha mẹ, Phương rưng rưng nước mắt. Chị Liên kể, trước đây cha mẹ của Phượng chuyên nghề làm thuê làm mướn, ai kêu gì cũng làm, thậm chí làm nguôn nghề bốc mộ cải táng hài cốt người chết.
Làm lụng đầu tắt mặt tối nhưng gia cảnh họ luôn túng thiếu, cả nhà phải cất mái chòi lụp xụp ở tạm bợ bên bờ kênh Sáu Thước của phường 5. Năm 2007, cha Phượng bị bạo bệnh qua đời lúc mới có 35 tuổi. Gánh nặng gia đình từ đó trút lên vai người mẹ là Triệu Mỹ Phụng.
Nhưng chỉ vài tháng sau khi cha qua đời, một hôm người mẹ dặn ba chị em Phượng ở nhà lo lắng chăm sóc cho nhau để bà đi cắt lúa mướn kiếm tiền trả nợ, sau đó đi biệt tích luôn đến nay.
Bé Phượng nghẹn ngào nói: “Mẹ con có về thăm mấy chị em con một lần vào ban đêm. Con hỏi sao mẹ bỏ đi thì mẹ con vừa khóc vừa nói: "Hôm cha mất phải mượn 8 triệu đồng lo đám tang cha, nay không có tiền trả nợ mà người ta đòi xiết quá nên phải bỏ đi, không dám về nhà”.
Theo chị Liên, ngày cha của bé Phượng mất, do gia đình nghèo không có tiền nên chị Phụng phải vay bạc nóng với lãi suất 30%/tháng của những kẻ chuyên cho vay nặng lãi để lo đám tang cho chồng. Sau đó lãi chồng nợ khiến số tiền nợ càng ngày càng lớn, bà Phụng đi làm thuê làm mướn suốt ngày vẫn trả không nổi nên phải bỏ con để đi trốn nợ.
Sau khi bà Phụng bỏ đi, ba chị em của bé Phượng sống cù bơ cù bất nương tựa chăm sóc lẫn nhau. Phượng nghỉ học, đi làm thuê cho các quán ăn trong vùng kiếm tiền nuôi hai em nhỏ, nhưng không chịu cho hai em nghỉ học ngày nào.
Những người hàng xóm của Phượng cho biết, hôm nào hai em không chịu đi học thì Phượng xách roi đánh, vừa đánh em bắt phải đi học vừa khóc. Tôi hỏi Phượng sao lại bỏ học, em buồn hiu nói: “Con phải lo cho hai đứa em. Chừng nào hết khổ thì con đi học lại”.
Chị Liên còn cho tôi biết thêm, hiện nay Phượng đang bị viêm gan nhưng không có tiền trị bệnh nên mỗi tháng 2 lần Trạm Y tế của phường cho thuốc uống miễn phí. Sau khi phát hiện ba chị em Phượng quá khổ sở, UBND Phường đã cho mấy chị em một căn nhà tình thương và cho tiền Phượng làm vốn bán mía ướp lạnh để em khỏi phải đi làm thuê cho các quán ăn.
Cần những tấm lòng hảo tâm
Ông Lâm Văn Tháo, Phó Chủ tịch UBND Phường 5, cho biết sau khi cất nhà tình thương cho ba chị em của Phượng, UBND phường tiếp tục xin cho các em được hưởng chính sách bảo trợ xã hội tổng cộng 540.000 đồng và 10 kg gạo/tháng.
UBND Phường đang thuyết phục ba chị em của bé Phượng vào sống trong Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh để được chăm sóc tốt hơn, nhưng cả ba đứa trẻ đều không chịu. Chỉ cho tôi xem di ảnh của cha và bà nội, Phượng nói: “Con xin các cô chú cho con được đưa hình của cha và bà nội vào trung tâm để con đốt nhang mỗi ngày nhưng mấy cô chú không chịu, nên tụi con không muốn vô trung tâm sống”.
Theo ông Tháo, mức trợ cấp tiền, gạo hàng tháng cho ba chị em của bé Phượng chỉ đủ xoay xở tạm thời, về lâu dài vẫn rất khó khăn. Trong khi đó chị Liên cho biết ngoài sự trợ cấp của phường, đi đâu gặp ai có tấm lòng hảo tâm thì chị cũng hỏi xin gạo, nước tương nước mắm, trứng vịt, cá khô mang về cho mấy đứa nhỏ tội nghiệp.
“Cứ năm ba bữa tôi phải chạy xuống tận nhà xem mấy chị em của cháu Phượng sống ra sao, đứa nào bệnh, đứa nào khỏe, thiếu thứ gì để đi xin các nhà hảo tâm giúp đỡ. Nhưng nói thiệt, vùng này dân còn nghèo, nhiều người có tấm lòng hảo tâm mà sức giúp đỡ có hạn, đâu thể giúp hoài. Tôi chỉ ước mong sao các nhà hảo tâm giúp cho ba chị em cháu Phượng được một cuốn sổ tiết kiệm để hàng tháng các cháu có tiền xoay xở cho cuộc sống bớt vất vả hơn, cháu Phượng lại có điều kiện đến trường học tập như những đứa trẻ khác”, chị Liên bùi ngùi nói.
- Thường Dân
[links()]