Đời sống) – Một thanh niên thành người thực vật, một bệnh nhi tử vong hai ngày sau tuyên bố không được nhận phong bì trước, trong và sau quá trình điều trị của Bộ trưởng Y tế. Gia đình bệnh nhân cho rằng, vì bác sĩ tắc trách, bệnh nhân không được điều trị tốt dẫn tới hậu quả trên.
[links()]
Kể lại sự việc đau buồn của mình trên ANTĐ, bà Phạm Thị Phúc, mẹ đẻ bệnh nhân Đặng Đình Hải (xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) xót xa, sáng 12/4, thằng Hải kêu mệt, thấy con mình hơi sốt bà Phúc đưa con tới bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám tự nguyện.
Bệnh nhân Hải đang phải sống cuộc sống thực vật. Ảnh: ANTĐ. |
Sau khi khám, Hải được đưa về điều trị tại khoa Lao và bệnh phổi với chẩn đoán ban đầu là viêm phổi, phổi có hiện tượng tràn dịch, do bác sĩ Phó khoa Chu Bá Lợi phụ trách khám và chữa trị.
“Sau 6 ngày điều trị, con tôi bệnh tình không thuyên giảm mà có phần nặng hơn, đặc biệt là bắt đầu từ ngày 18/4 thì cháu có hiện tượng ho ra máu. Thấy vậy các bác sỹ chỉ định truyền nước, nhưng sau khi được truyền con tôi ngày càng khó thở. Đúng vào dịp này cả nước nghỉ lễ, bác sỹ Lợi nghỉ nên chỉ có bác sỹ Đỗ Văn Quang trực”, bà Phúc nhớ lại.
Cũng từ đây Hải hầu như luôn phải đi lại, ngửa cổ lên trời há miệng cố hít lấy chút không khí. Đêm thì cứ bắt mẹ ngồi quay lưng lại để Hải tỳ lên vai cho dễ thở.
Sáng 20/4, Hải không chịu nổi nữa. Bà Phúc nhiều lần lên phòng bác sỹ Quang đề nghị có biện pháp giúp đỡ. Tuy nhiên, lần nào lên gặp bác sỹ Quang cũng không xuống mà chỉ trả lời: “Không sao đâu, bảo nó cứ về phòng nằm và hạn chế cử động, đi lại”.
“Đến chiều, mặt Hải ngày càng sạm, tôi lên gọi bác sỹ Quang xuống cứu con tôi hàng chục lần, nhưng lần nào cũng bị mắng. Thậm chí bác sỹ Quang còn nói thẳng: “Đây là bệnh nhân của ông Lợi, tôi không biết. Tôi mà động vào nhỡ có làm sao thì lại rách việc. Chị cứ về phòng đi”, bà Phúc kể.
Lần lên cầu cứu cuối cùng, gắng hết lực tàn, Hải gượng vịn vai mẹ gõ cửa phòng bác sỹ trực rồi chắp tay lạy và thều thào: “Bác sỹ ơi, em không thở được. Bác sỹ cứu em không chết mất”. Chỉ đến lúc này, vị bác sỹ mới cho Hải thở oxy. Rồi các bệnh nhân cùng phòng xúm vào khênh Hải chuyển xuống khoa Hồi sức cấp cứu, nhưng đã muộn. Hải chìm vào hôn mê ngay sau đó… các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai kết luận, não của Hải đã chết do thiếu oxy quá lâu, khả năng hồi phục là rất tuyệt vọng.
Còn ông Đặng Đoàn Trọng, cha đẻ của Hải nức nở: “Lúc chúng tôi đưa cháu xuống đây, vị trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đã hút từ trong phổi con tôi ra rất nhiều dịch. Chính ông ấy còn trách gia đình sao lại đưa xuống quá muộn thế này? Tôi không hiểu các bác sỹ yếu chuyên môn hay quá vô cảm mà họ lại thờ ơ với bệnh nhân như thế?”.
Cùng thời gian đó, tại Bệnh viện Nhi Nghệ An Lê Thị T. (4 tháng tuổi, ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cũng tử vong sau khi điều trị tại bệnh viện, và gia đình cho rằng cháu T. tử vong do bác sĩ tắc trách.
Anh Vương Viết Phong (anh họ của cháu T.) là người chứng kiến sự việc cho biết, ngày 21/4 chị Hồng (mẹ bé T.) thấy bé có dấu hiệu mệt mỏi, nôn trớ gia đình đưa cháu tới bệnh viện Nhi Nghệ An để thăm khám. Sau khi thăm khám, xét nghiệm bác sĩ kết luận sức khỏe của cháu T. bình thường nên cho đưa về nhà để chăm sóc.
Chị Trần Thị Hồng (mẹ cháu T.) đau đớn vật vã trước cái chết của con gái. Ảnh: ANTĐ. |
Nhưng đến 13h chiều hôm sau (22/4) thì bé T. lại có biểu hiện nôn trớ, mệt mỏi, nên gia đình lại đưa cháu tới Bệnh viện Nhi Nghệ An khám lại. Lần này các bác sỹ đã cho cháu T. nhập viện vào Khoa Tiêu hóa để điều trị và thông báo cháu T. không sao.
Tối 22/4, thấy sức khỏe cháu T. vẫn không được cải thiện, gia đình đề nghị cho đưa cháu ra Hà Nội để điều trị nhưng các bác sỹ không đồng ý.
Sau đó, trong lúc cháu T. đang được truyền dịch thì có 3 y tá vào lấy máu đi xét nghiệm. Thấy cháu T. thở yếu nên các bác sỹ đã cho cháu thở ô xy, khi chiếc kim lấy máu được rút ra, cháu T. khóc thét và ngất lịm.
Ngay sau đó cháu T. được đưa vào phòng cấp cứu nhưng đến 2h sáng 23/4, gia đình nhận được thông báo cháu đã tử vong.
Trước đó, ngày 27/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tuyến bố: “Quà của bệnh nhân biếu bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi phần nhiều thể hiện tình cảm, sự biết ơn của họ với người thầy thuốc. Vì thế, không thể cấm họ biếu hay cấm bác sĩ nhận quà sau khi đã điều trị mà chỉ cấm nhận trước và trong điều trị”. Khi tuyên bố của Bộ trưởng được phát đi, báo chí không ghi nhận trường hợp tử vong nào xảy ra khiến người nhà bệnh nhân bức xúc.
Đến ngày 18/4, Bộ trưởng Y tế phải giải trình trước Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Trả lời câu hỏi nhận phong bì trước và sau khác nhau thế nào, Bộ trưởng phải tuyên bố “Tôi đâu có cho phép nhận phong bì sau điều trị”.
Hai ngày sau khi tuyên bố vừa được đưa ra, một bệnh nhân nhi tử vong, một thanh niên sống thực vật, và người nhà cho là lỗi tắc trách, vô cảm của bác sĩ.
- P.V (tổng hợp)