Đời sống) – Nếu đề án chuyển ngược bệnh nhân vượt tuyến được thực hiện, có thể Bộ Y tế đang thực hiện “ép” bệnh nhân nghèo về tỉnh, còn người giàu thì vẫn ở lại tuyến Trung ương vì họ có thể lựa chọn khám dịch vụ, chữa theo yêu cầu.
Đề án bệnh viện vệ tinh: ’Lại béo các phòng mạch tư!’ |
Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 vừa được Bộ Y tế phê duyệt có quy định, nếu bệnh nhân tự vượt tuyến hoặc bệnh viện tuyến dưới chuyển lên thì bệnh viện tuyến trên sẽ “chuyển ngược” bệnh nhân về tuyến cơ sở, từ chối điều trị. Những bệnh nhân điều trị ổn định ở tuyến trên cũng sẽ được chuyển xuống tuyến dưới để điều trị tiếp. Bộ Y tế kỳ vọng biện pháp này có thể giải quyết tình trạng quá tải của bệnh viện tuyền Trung ương hiện nay.
Nhận xét về Đề án này, cả Phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương và bệnh viện Phụ sản Trung ương (2 trong số 5 chuyên khoa được ưu tiên điều chỉnh trước) đều có chung nhận định, biện pháp này sẽ “đẩy” bệnh nhân ra các phòng khám, bệnh viện tư xung quanh bệnh viện. Vì tâm lý người bệnh là chỉ tin tưởng bác sĩ ở các thành phố lớn, các bệnh viện Trung ương.
Tư nhân vắng vẻ
Theo quan sát của chúng tôi, xung quanh khu vực bệnh viện Nhi Trung ương (18/879 La Thành, Đống Đa, Hà Nội) chỉ có 2 phòng khám tư nhân hoạt động, nhưng chỉ có một phòng khám chuyên khám cho các bệnh nhân nhỏ tuổi nằm sâu trong ngõ bên cạnh lối vào bệnh viện, còn một phòng khám đa khoa ngay đối diện lối vào công chính. Cả hai đều có chung cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Quan sát hơn nửa giờ đồng hồ không một bệnh nhân ra vào.
Nếu đề án chuyển ngược bệnh nhân về tuyến dưới được thực hiện, có lẽ các phòng khám tư là ủng hộ nhiệt tình nhất. |
Trong khi đó, khu vực tiếp đón bệnh nhân và hành lang phòng khám của bệnh viện chật kín người đứng ngồi, trong đó có rất nhiều gia đình đưa con tới khám không bằng thẻ bảo hiểm ý tế, từ các tỉnh lên cũng có mà người Hà Nội cũng nhiều.
“Vợ chồng tôi lên đây làm việc trên này, nên tiện cho cháu vào đây khám dịch vụ không bảo hiểm. Cháu có bảo hiểm nhưng đăng ký ở Ninh Bình, chẳng nhẽ con ốm lại đem về đấy khám”, chị Nguyễn Thị Hà (quê Ninh Bình) cho biết, khi đưa con hơn 3 tuổi tới khám bệnh tiêu hóa tại bệnh viện Nhi.
Khi nói tới đề án mới của Bộ Y tế sẽ trả bệnh nhân khám vượt tuyến, chị Hà tỏ ra lo ngại, những gia đình như vợ chồng chị từ các tỉnh lẻ lên Hà Nội kiếm sống, con ốm ai chả muốn tới bệnh viện gần nhất, và tốt nhất để khám, chữa trị. “Chẳng nhẽ mỗi khi con ốm lại thuê xe đem con về Ninh Bình khám, khám xong, chữa trị khỏi lại quay lại Hà Nội”, chị Hà nói thêm.
Còn tại bệnh viện Phụ sản Trung ương (43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có 4, 5 phòng khám tư chuyên phụ sản nằm ở ngã tư Trang Thi – Triệu Quốc Đạt, nhưng cũng chẳng mấy người ra vào.
Theo nhân viên tư vấn của Phòng khám Thuận An cơ sở 2 (35 Tràng Thi, gần cổng bệnh viện Phụ sản), bình thường phòng khám cũng không đông lắm, nên người tới khám không phải chờ đợi, làm thủ tục xong là vào khám luôn.
“Các bác sĩ ở đây có cả bác sĩ riêng của phòng khám và bác sĩ của bệnh viện Phụ sản sang. Với những ca bình thường, không có biến cố gì thì sẽ do bác sĩ phòng khám trực tiếp làm, theo dõi, còn nếu gặp ca đặc biệt phức tạp phòng khám sẽ gọi điện cho các Giáo sư, Phó Giáo sư trong viện ra hội chẩn”, nhân viên phòng khám Thuận An quảng cáo.
Chị Phạm Thúy Vinh (ở Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, chị chọn khám tư vì không có nhiều thời gian cho việc đi khám, trong khi nếu vào khám trong bệnh viện thì rất đông, phải chờ đợi cả buổi may ra mới khám xong, nên ra ngoài khám cho nhanh.
“Rà ngoài đắt hơn chút, nhưng không phải chờ đợi, thái độ của bác sĩ, y tá cũng tận tình, chu đáo hơn. Vào bệnh viện mà lớ ngớ không khéo là ăn mắng liền”, chị Vinh cho biết thêm.
Khám theo yêu cầu, chữa tự nguyện tấp nập
Hiện nay, có một thực tế, hầu hết các bệnh viện công đều dành một phần cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ để phát triển các khu vực khám, chữa trị theo yêu cầu, tự nguyện. Những người tới đây chỉ cần có tiền, không bị ràng buộc bởi bảo hiểm y tế, nơi bệnh nhân tới…
Khu sân chơi với nhiều trò chơi nằm cạnh khu điều trị tự nguyên A của bệnh viện Nhi Trung ương. Đây là một trong những điều "rất khác" của khu điều trị tự nguyện so với các khu điều trị thông thường, bảo hiểm y tế. |
Như phòng khám 56 Hai Bà Trưng - phòng khám theo yêu cầu của bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tất cả cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ đều là của bệnh viện. Tuy chi phí khám bệnh ở đây đa phần gấp đôi trong viện, nhưng lúc nào cũng chật kín người tới khám, dọc hành lang hàng ghế cho người tới khám không mấy khi có chỗ trống, khu vực đăng ký, nộp tiền mọi người cũng phải xếp hàng.
“Nếu nói về khám sản phụ khoa thì ở đây có thể nói là thuộc hàng tốt nhất ở Hà Nội rồi, mình có thể yên tâm vì đây là bác sĩ của bệnh viện, lại là khám dịch vụ nên thái độ của họ cũng nhẹ nhàng, không khó chịu như khám trong viện”, chị Nguyễn Thị Thủy (quê huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) nhận xét.
Tới đây khám chị Thủy phải đi từ sáng sớm, nhưng chị xuống đây để yên tâm hơn về chất lượng, còn bệnh viện tuyến tỉnh chị chỉ đi nếu phải nhập viện để chữa trị, lúc đấy sẽ cần dùng tới bảo hiểm y tế để giảm chi phí.
TS. Vũ Bá Quyết, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng phải thừa nhận, Bệnh viện hiện có phòng khám theo yêu cầu chất lượng cao, trong 1.000 người tới viện khám thì có 1/4 bệnh nhân khám ở phòng khám dịch vụ theo yêu cầu này.
Còn nhân viên phòng khám tư nhân Thuận An cơ sở 2 (gần cổng bệnh viện Phụ sản Trung ương) khẳng định chắc nịch, phòng khám có cả bác sĩ từ trong bệnh viện ra nhưng chỉ theo diện làm thêm, nên chỉ làm ở phòng khám mỗi ngày vài giờ, và chỉ một số ngày trong tuần. Trừ trường hợp bất ngờ, đặc biệt thì phòng khám sẽ gọi các bác sĩ giỏi từ viện ra hội chẩn.
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, tuy các phòng khám tư nhân vắng bóng, nhưng khu vực khoa điều trị tự nguyện của bệnh viện lại rất đông dù chi phí nằm điều trị tai đây không hề rẻ. Khu vực điều trị này là hai tòa nhà thấp tầng, khang trang, nằm tách biệt hoàn toàn với các tòa nhà khác của bệnh viện. Khu vực này rất yên tĩnh và sạch sẽ, thậm chí còn cả một khoảng sân chơi nhỏ với nhiều trò chơi để các bé tới đây chữa trị có thể ra giải trí những lúc cảm thấy trong người khỏe mạnh.
Dù có bảo hiểm y tế, nhưng chị Lê Thị Thanh Hằng (quê Thanh Hóa) lại lựa chọn cho con nằm tại khoa điều trị tự nguyện vì ở tỉnh chị không yên tâm, khu vực điều trị bình thường và có bảo hiểm thì quá đông.
“Cho con nằm điều trị ở đây thì rất đắt, tại khu A tiền phòng một ngày đêm rẻ nhất là 1 triệu, cao nhất là 1,8 triệu đồng, tùy vào số lượng giường bệnh trong phòng, phòng đông nhất cũng chỉ 3 giường bệnh. Còn các chi phí khác cũng đều đắt hơn các khu vực điều trị bình thường, như phí tiêm, truyền, vì ở đây tiêm bằng máy chứ không phải y tá tiêm”, chị Hằng cho biết.
Chị Hằng nhẩm tính, nếu nằm bên khu tự nguyên chỉ cần 5-10 ngày đã hết mười mấy triệu đồng tiền phòng và tiền tiêm, truyền. Còn thuốc men thì phải mua ngoài. Tuy đắt là vậy, nhưng không phải lúc nào cũng có chỗ trống để ai muốn cũng có thể vào được.
Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bệnh nhân, bệnh viện Nhi Trung ương còn phát triển thêm khu điều trị tự nguyện B và C, những khu này có phí nằm viện và dịch vụ bằng khoảng một nửa (bình quân khoảng 600.000 đồng/ngày đêm) so với khu A. Cái khác là phòng không có điều hòa như khu A, chỉ dùng quạt, và số lượng giường cũng nhiều hơn và cũng không được sạch sẽ như khu A.
“Có điều kiện thì nên cho vào nằm trong khu này sạch sẽ dịch vụ, thái độ y bác sĩ lại tốt. Nói chung là “đắt xắt ra miếng”. Còn nếu ít tiền, bảo hiểm thì chỉ nằm ở khu đại trà, chữa trị thông thường, khu đó thì đông đúc, chật chội. Bên này bảo hiểm không có tác dụng gì cả. Ai vào cũng được, miễn là có tiền”, chị Hằng nói thêm.
- Lê Việt
[links()]