Bí quyết nuôi con của mẹ dịch giả nhí Đỗ Nhật Nam

( PHUNUTODAY ) - và người có công rất lớn trong việc nuôi dưỡng dịch giả nhí này từ trong bụng mẹ chẳng ai khác chính là chị Phan Thị Hồ Điệp.

Có cậu con trai 11 tuổi nhưng đã nổi tiếng là thần đồng dịch giả nhí nổi tiếng của Việt Nam, là người sở hữu 2 kỷ lục Guiness Việt Nam, vợ chồng chị Phan Thị Hồ Điệp (cha mẹ của dịch giả nhí Đỗ Nhật Nam) rất tự hào về cậu con nhỏ tuổi, tài cao của mình. Rất hào hứng khi kể về con trai mình, nhưng chị Phan Thị Hồ Điệp rất ít khi nhắc đến chuyện có lẽ chính chị là người góp phần không nhỏ vào sự vượt trội về trí tuệ của thần đồng Đỗ Nhật Nam so với bạn bè cùng lứa.

[links()]

Chuyện của mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam: “nhắm mắt” sang Nhật vì “xuất giá tòng phu”

Dịch giả nhí Đỗ Nhật Nam –  11 tuổi đã sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam: năm 7 tuổi, Đỗ Nhật Nam là dịch giả nhí nhỏ tuổi nhất có sách xuất bản. Mới đây không lâu, khi mới 11 tuổi, Đỗ Nhật Nam giành thêm một kỷ lục mới “Người viết tự truyện nhỏ nhất Việt Nam”.

Ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi bố mẹ Đỗ Nhật Nam đang công tác, Nam là một cậu bé rất nổi tiếng, đồng nghiệp của bố mẹ, sinh viên của bố mẹ, không ai là không biết Nam. Chị Phan Thị Hồ Điệp – mẹ của dịch giả nhí Đỗ Nhật Nam kể rằng, nhiều lúc, chồng chị - PGS. TS Đỗ Xuân Thảo vẫn hay nói đùa:

“Nếu được chọn lại, thì chưa chắc đã chọn mẹ, nhưng chắc chắn sẽ chọn người mà sinh ra được thằng Nam” – mà người đã sinh ra được cậu bé Đỗ Nhật Nam, và có công rất lớn trong việc nuôi dưỡng dịch giả nhí này từ trong bụng mẹ chẳng ai khác chính là chị Phan Thị Hồ Điệp.

PGS.TS Đỗ Xuân Thảo, quê gốc Hà Nam, từng là sinh viên hệ đặc biệt của khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện là PGS.TS đang công tác tại trường.

Nhiều người nói, bé Đỗ Nhật Nam là con nhà nòi, được kế thừa tố chất của bố mẹ, đều là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội (bố Nam là Tiến sĩ Ngôn ngữ học, mẹ Nam là giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt), nên việc Đỗ Nhật Nam rất thông minh và nổi tiếng bởi khả năng ngôn ngữ đặc biệt của mình, không phải điều không lý giải được.

Gia đình hạnh phúc của dịch giả nhí Đỗ Nhật Nam
Dịch giả nhí Đỗ Nhật Nam hạnh phúc bên bố mẹ

Chị Phan Thị Hồ Điệp kể, anh Thảo hơn chị khá nhiều tuổi, vợ chồng chị quen nhau khi chị còn là học sinh của anh. Hồi sinh viên mộng mơ, chị vốn rất mê thơ, mà thầy giáo Đỗ Xuân Thảo khi ấy không chỉ dạy giỏi mà còn nổi tiếng có nhiều bài thơ tình hay.

Mấy đứa con gái lớp chị đều mong chờ đến tiết của thầy Thảo. Mỗi khi thầy đến lớp, chỉ cần đứng đọc thơ là bao nhiêu cô sinh viên đã nghiêng ngả vì thầy. Và chị cũng ở trong số những cô học trò bị thầy làm cho nghiêng ngả ấy.

Chính những vần thơ đã đưa anh chị đến với nhau. Nhưng hồi mới yêu nhau, bạn bè và người thân của chị nhiều người cũng phản đối vì sợ chênh lệch tuổi tác nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc sau này nhưng chị vẫn rất quyết tâm.

Năm 1998, anh chị kết hôn. Vừa kết hôn xong thì anh Đỗ Xuân Thảo sang làm chuyên gia bên Nhật, giảng dạy tại Đại học Osaka trong một thời gian khá dài. Vợ chồng mới cưới không nỡ xa nhau, anh thuyết phục chị đi theo, nhưng lúc đó chị cũng rất ngần ngại không muốn sang cùng.

Cứ nghĩ đến cảnh vừa lấy chồng đã phải đến sống ở một nước xa lạ, lại không được ở cạnh bố mẹ là chị thấy rất nản. Ở nhà, chị Hồ Điệp là con út, được bố mẹ, anh chị chiều chuộng, giờ một mình đất khách quê người, cả nhà đều lo lắng không biết chị sẽ làm thế nào xoay xở với cuộc sống mới xa lạ.

Nhưng chồng chị - anh Đỗ Xuân Thảo đã vừa thuyết phục, vừa năn nỉ, vừa “dọa dẫm” rằng là con gái thì “xuất giá phải tòng phu”.

Nỗi sợ vợ chồng mới cưới mà phải xa nhau biền biệt cuối cùng lấn át mọi nỗi sợ khác, cộng thêm nỗi sợ vì những lời “dọa dẫm” của chồng – kiêm cựu thầy giáo, nên cuối cùng, chị cũng đành nhắm mắt làm liều. Năm 1998, anh Đỗ Xuân Thảo sang trước, ổn định công việc và cuộc sống. 1 năm sau, chị Hồ Điệp sang theo.

Chị Hồ Điệp kể, thời gian đầu mới sang Nhật, chị khóc lóc ghê lắm, vì thấy cái gì cũng lạ, cái gì cũng khác, chị nằng nặc đòi chồng cho về Việt Nam. Nhưng sau này, chị dành thời gian rảnh đi học tiếng Nhật nên cũng nguôi ngoai phần nào.

Cưới nhau được gần 2 năm, chị mới mang bầu bé Nam. Lúc mang bầu bé Nam, chị bị nghén kinh khủng, đến bây giờ nghĩ lại chị vẫn còn cảm giác sợ khi nghĩ đến đồ ăn Nhật. Bình thường ăn thì không sao, nhưng lúc nghén, chị chỉ thèm ăn đồ Việt Nam, thèm ăn những món chế biến theo phong cách Việt Nam mà không có.

Cũng may là anh Đỗ Xuân Thảo là người rất tâm lý và rất thương vợ. Biết vợ là con út, được chiều từ nhỏ, đi theo chồng đã là một thiệt thòi, nên có khi đi dạy về đã 5 giờ chiều, thấy vợ thèm đồ Việt Nam mà không dám nói, anh vẫn lẳng lặng đi đến khu chợ Triều Tiên cách đó hơn 10km để mua đồ ăn mang hương vị Việt Nam về cho chị.

Những ngày mùa đông lạnh lẽo ở Nhật, tuyết rơi trắng xóa, chứng kiến những cử chỉ quan tâm, chăm sóc của chồng, chị rất xúc động. Những lúc ấy, dù có thể lại lên cơn nghén, bụng dạ nôn nao, chẳng muốn ăn cái gì, nhưng chị cũng phải cố nhắm mắt nhắm mũi nuốt bừa cho khỏi phụ công đi lại của chồng.

Phương pháp thai giáo của một bà mẹ có con thần đồng

Dịch giả nhí Đỗ Nhật Nam –  11 tuổi đã sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam
Dịch giả nhí Đỗ Nhật Nam – mới 11 tuổi đã sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam

Có rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học đã nói về việc áp dụng các phương pháp khoa học để giúp phát triển trí tuệ cho bé ngay từ trong bụng mẹ, được rất nhiều bà mẹ áp dụng theo. Chị Hồ Điệp cũng là một trong số đó, và có vẻ chị đã rất thành công: bí quyết của chị là vừa làm theo những gì sách dạy, nhưng vẫn phải chọn lọc, vận dụng sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Không biết bé Đỗ Nhật Nam thông minh như bây giờ là nhờ gen di truyền của bố mẹ, hay nhờ mẹ đã áp dụng các phương pháp thai giáo khi mang bầu Nam, nhưng chỉ biết là rất nhiều bà mẹ đã nhờ chị chia sẻ bí quyết để có cậu con trai thông minh như Nhật Nam.

Thời gian mang thai bé Nam, chị Hồ Điệp chỉ ở nhà. Lúc đó chị tình cờ đọc cuốn sách về phương pháp thai giáo và thử áp dụng, cũng không quá kỳ vọng mình sẽ thành công mà gần như là một cách để mình đỡ buồn trong những ngày mang bầu, chẳng đi đâu được.

Chị uống sữa, rất nhiều sữa, vì theo thai giáo, uống nhiều sữa sẽ bổ sung tốt những chất dinh dưỡng mà mẹ thiếu. Bất kể lúc nào không ăn được, chị cố gắng thay bằng sữa, dù cho việc uống sữa trong giai đoạn bị nghén cũng kinh khủng không kém việc ăn uống.

Chị luôn tin rằng hai mẹ con có thần giao cách cảm với nhau. Đứa trẻ ở trong bụng mẹ, chắc chắn sẽ có sự liên lạc với mẹ bằng một cách nào đó. Nên chị đặc biệt chú trọng đến việc nói chuyện với con, bất kể lúc nào, bất kể vui buồn.

Chị coi con như một người bạn, chứ không phải là một bào thai trong bụng. Chị kể cho con mọi chuyện, từ chuyện vui đến chuyện buồn, từ chuyện nhớ Việt Nam, đến chuyện nhớ ông bà, đến chuyện chị mong mỏi bé Nam ra đời như thế nào. Chị kể cho con chị đang dọn nhà, đang nấu ăn, đang rửa bát.

Khi chuẩn bị đi chợ, chị nhắc: “Con ơi, chuẩn bị dậy đi chợ”. Trên đường đi thấy cái gì hay, đẹp, chị cũng dừng lại miêu tả, giải thích cho con. Khi đến siêu thị, dù mua gì hay muốn con ăn gì cùng mẹ cũng miêu tả cho con nghe, chị miêu tả sao cho thật hấp dẫn và tin như vậy sẽ làm con thích những món ăn đó.

Sách thai giáo có nói khi mang bầu, mẹ nên nghe nhạc. Chị cũng dành thời gian để nghe nhạc. Nhưng sách thường nói là nên nghe nhạc cổ điển. Chị thì không cứng nhắc như thế. Chị nghĩ âm nhạc nào cũng có những cái hay, cũng có những ưu điểm, và mỗi người đều thích nghe một loại nhạc khác nhau, không nhất thiết phải là nhạc cổ điển.

Chị tin con chị cũng như chị, nên chị thích gì nghe nấy, đôi lúc nghe cả nhạc Rock, để thử xem biết đâu con sẽ nói cho chị biết đâu là loại nhạc con thích nhất. Có điều chị thường nghe vào một giờ cố định, để rèn thói quen cho con.

Chị Hồ Điệp bảo rằng, không biết có phải vì Nam cảm nhận được âm nhạc từ trong bụng mẹ không hay là do chị tưởng tượng mà chị thấy đến khoảng tháng thứ sáu, nếu hôm nào, chỉ cần đến giờ nghe nhạc mà chị chưa nghe là Nam đã đạp rất quyết liệt. Đến lúc mẹ bật nhạc lên nghe, Nam lại nằm im ngoan ngoãn.

Bất cứ ông bố, bà mẹ nào chị nghĩ cũng đều mơ ước về một tương lai đẹp cho đứa con của mình từ khi con còn trong bụng mẹ. Nhưng khi mang bầu, chị Hồ Điệp nghén kinh khủng, sức khỏe rất yếu. Mang thai Nam đến tháng thứ 3 thì chị ốm nặng.

Vừa xa bố mẹ, vừa mệt vì nghén, lại bị ốm, lo cho sức khỏe của Nam, chị tủi thân vô cùng, chỉ biết bật khóc. Lúc đó thương vợ quá, chồng chị cũng không biết làm thế nào, ôm lấy vợ khóc theo. Hai vợ chồng cứ thế ôm nhau khóc.

Chính vì quãng thời gian mang bầu rất hãi hùng như thế, chị cũng có lúc nghĩ khôn nghĩ dại và chỉ cầu trời sao cho con mình sinh ra được khỏe mạnh, lành lặn. Anh Đỗ Xuân Thảo cũng luôn nói, chỉ cần khỏe mạnh thôi, khỏe mạnh và mẹ tròn con vuông.

Có lẽ vì cả hai vợ chồng chị đều có nỗi lo riêng, nỗi lo đơn thuần như bất cứ ông bố bà mẹ nào trên thế gian này, vì thế mà khi sinh Nam xong, việc đầu tiên mà bố Thảo làm là cầm ngón tay lên đếm, rồi thở phào vì thấy con mình hoàn toàn lành lặn.

Cả bố Thảo và mẹ Điệp đều thực sự không kỳ vọng sau này con mình lớn lên sẽ thành thần đồng, thành dịch giả nhí nổi tiếng. Với anh chị, Nam lớn lên, khỏe mạnh, lành lặn, không ốm đau là vui rồi.

Chị Hồ Điệp kể, mùa đông ở Nhật rất khắc nghiệt và là một thử thách lớn với cả hai mẹ con chị. Nam bị bệnh về đường hô hấp nên mùa đông hay bị ốm. Mỗi lần Nam ốm, vợ chồng chị đều mất ăn mất ngủ. Những lúc đó, chị nhìn các bà mẹ Nhật, mà thấy ngưỡng mộ vô cùng.

Trong mắt chị Hồ Điệp, những bà mẹ Nhật Bản rất tuyệt vời. Họ yêu chồng con và phụng sự với một tình yêu lớn lao. Điều chị cảm phục là các bà mẹ Nhật rất chú trọng việc dạy con cách giữ thể diện của bản thân khi ở nơi công cộng hay nói cách khác là dạy con biết tôn trọng người khác.

Trong công viên, khi một đứa trẻ giành đồ chơi của trẻ khác, các bà mẹ Nhật sẽ ngay lập tức bắt con dừng lại chứ không cho phép trẻ tự giải quyết theo kiểu, bạn nào nhanh tay hơn sẽ được.

Các bà mẹ cũng rất bản lĩnh khi chăm sóc con. Họ không hề lo lắng (hoặc cố tỏ ra không lo lắng) khi con bị ngã. Trời lạnh nhưng họ không mặc nhiều quần áo cho con mà để trẻ cứ tự chơi lăn lê bò toài trên sân.

Chị Hồ Điệp đã thực sự rất ấn tượng khi nhìn cảnh những bà mẹ trùm khăn, áo, mũ kín bưng, xuýt xoa co cụm nói chuyện với nhau trong khi những đứa con ăn mặc đơn giản, thậm chí là quần cộc chơi cát trên sân với nhau.

Ở Nhật, hàng sáng, chị vẫn thường đứng từ trên ban công nhìn những em nhỏ mặc quần đùi, trong gió rét xếp hàng đứng đợi xe đến lớp. Các em ấy đều từ những ngôi nhà biệt thự quanh đó, có xe hơi xịn, nhưng vẫn tự đến trường. Những hình ảnh ấy tác động đến chị rất nhiều khi dạy con sau này.

Mỗi lần bé Nam ốm, hay mỗi lần bối rối trong cách dạy con, chị đều nghĩ đến câu chuyện của các bà mẹ Nhật, mà dặn mình phải là một bà mẹ dù tình cảm, nhưng cũng phải đủ cứng rắn, can đảm, để rèn luyện con sống mạnh mẽ, tự lập, không phụ thuộc vào cha mẹ.

Hạnh phúc vì trước khi con là thần đồng, con đã biết yêu thương

Từ khi Nhật Nam mới chào đời, chị Hồ Điệp đã rất chú ý đến việc trò chuyện với con. Chị làm thế vừa với bản năng của một người mẹ, vừa vì ý thức được rằng việc trò chuyện với con, sẽ là một cách giúp con nhanh chóng kết nối với thế giới xung quanh.

Khi ở nhà chăm con, làm việc, hay nghe một bản nhạc nào đó, chị vẫn nói với con vì sao chị thích bản nhạc này, dù chẳng biết con có hiểu hay không. Chị Hồ Điệp có thói quen ghi nhật ký cho Nhật Nam. Chị ghi lại những câu nói của Nam, những hành động của Nam mỗi ngày, những lúc rảnh rỗi đọc lại, chị thấy rất buồn cười.

Nam từ bé đã có khả năng ngôn ngữ. Nam nói rất nhanh và nói rất sõi, không hề bị ngọng như nhiều trẻ nhỏ khác. Có nhiều câu nói của Nam ở mỗi độ tuổi rất đáng yêu và ngộ nghĩnh như khi Nam 1 tuổi rưỡi, khi lần đầu tiên được xuống hầm địa đạo Củ Chi, bà ngoại đang bế Nam, thấy hầm địa đạo tối, bà ngoại kêu sợ quá, Nam ôm chặt bà và nói: “Bà đừng sợ, nơi hầm tối là nơi sáng nhất”.

Lúc đó mọi người đi cùng ồ lên ngạc nhiên. Không ai có thể nghĩ là một bé con có thể vận dụng thơ đúng chỗ như thế. Nhưng chị thì chị không ngạc nhiên lắm vì ở nhà, hai mẹ con thường chơi trò đào hầm. Chị chui vào chăn cùng Nam và đọc cho Nam nghe câu thơ đó, vì thế Nam nhớ và trong hoàn cảnh tương tự, Nam lập tức “vận dụng” ngay.

Từ lúc ở Nhật, Nam vẫn còn bé, nhưng đã có suy nghĩ rất người lớn. Có lần chị Hồ Điệp giải thích cho con về các bộ phận trong cơ thể. Chị bảo: “Cái miệng để ăn, cái tai để nghe, cái mũi để ngửi, thế mẹ đố Nam cái rốn để làm gì?”, Nhật Nam trả lời ngay: “Dạ, để nhắc là con đã được mẹ sinh ra vì khi con nằm trong bụng mẹ, con nối với mẹ bằng cái rốn. Có cái rốn thì không ai quên được bụng mẹ mình!”.

Chị Hồ Điệp kể rằng, Nhật Nam là một cậu bé sống rất tình cảm. Những ngày mùa đông ở Hà Nội, gương nhà tắm mờ hơi nước, hàng ngày sau khi tắm xong, Nhật Nam luôn vẽ trái tim và ghi bằng tiếng Anh câu: “Con yêu mẹ” để mỗi khi mẹ Nhật Nam vào sau luôn luôn thấy câu ấy.

Nam thừa hưởng rất nhiều từ bố: tinh thần làm việc, sự cần cù và yêu khoa học, trái tim nhân hậu, luôn yêu thương mọi người và sống rất có trách nhiệm. Ở nhà, tuy là mẹ, nhưng nhiều lúc chị thấy cậu con trai nhỏ của mình mới là người lớn, người trưởng thành.

Nam rất ý chí, đã làm gì là cực kỳ bản lĩnh và quyết tâm. Nam vui vẻ, lạc quan, ít khi buồn hoặc giận dỗi. Điều này Nam hơn hẳn mẹ, vì mẹ rất hay nản chí. Có những lúc chị Điệp ốm, mệt, hay lo lắng chuyện gì đó, Nhật Nam ôm mẹ và nói:

“Mẹ đừng lo, con sẽ bảo vệ mẹ. Mẹ đừng buồn vì không có con gái. Con sẽ làm mọi việc con gái làm được cho mẹ”. Những câu nói đó của Đỗ Nhật Nam, làm mẹ Hồ Điệp vừa hạnh phúc, vừa cảm động, vừa tự hào về đứa con nhỏ tuổi, nhưng rất biết quan tâm đến người xung quanh.

Đỗ Nhật Nam không chỉ quan tâm đến bố mẹ, không chỉ yêu quý ông bà, mà còn rất biết yêu quý những người xung quanh. Trong một lần do chẩn đoán nhầm, bác sĩ đã nghi ngờ Nhật Nam bị bệnh ung thư và đưa Nam vào khoa ung bướu bệnh viện Nhi Trung ương.

Đỗ Nhật Nam đã có những ngày sống bên cạnh các bệnh nhân ung thư nhí, gần gũi với các bạn có hoàn cảnh bất hạnh. Mấy tháng sau, Nam ra khỏi viện sau khi đã xác định là không hề bị bệnh, nhưng chính những tháng ngày sống chung với các bạn nhi bị bệnh đã thôi thúc Nhật Nam viết cuốn tự truyện “Lớp 1 ơi lớp 1” (sau này đổi thành “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?”) với mục đích quyên góp tiền cho các bạn khoa ung bướu chữa bệnh.

Từ sau lần nhập viện hụt đó, Nhật Nam luôn dành tình cảm đặc biệt cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Mỗi lần đi đến đâu có đặt hòm từ thiện, dù là đang mải chơi hay đang vội, Nhật Nam đều không quên xin tiền bố mẹ bỏ vào đó.

Nam rất thường xuyên đến thăm các bạn bệnh nhi, nhưng có lần, cách đây không lâu, khi mẹ rủ đi, Nam từ chối. Nam bảo: “Có lẽ con không nên đi đâu mẹ ạ. Việc con đi chỉ làm cho bố mẹ các bạn bệnh nhi buồn thêm. Con thấy họ nhìn con với ánh mắt rất buồn…”. 

Những suy nghĩ chín chắn, trưởng thành, và trái tim nhân hậu của Nam là điều khiến mẹ Hồ Điệp hạnh phúc và tự hào hơn cả, tự hào hơn cả những thành tích mà Nhật Nam đạt được trong học tập, bởi dù có trở thành ai  trong tương lai thì trước hết, Nhật Nam đã trở thành một người tốt thực thụ.

(Còn tiếp)

  • Quang Đản
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn