(Phunutoday) - Đã ở tuổi 102, xa rời cái khái niệm “bách niên giai lão” vốn là ước mơ ngàn đời của nhân loại về tuổi thọ của con người, cụ bà Hedda Bolda là một cái tên nổi bật ở Mỹ trong những ngày này. Dù cao tuổi, song cụ Bolgar vẫn hàng ngày miệt mài khám chữa bệnh cho các bệnh nhân, cụ hiện là bác sĩ danh dự tại một số bệnh viện và phòng khám. Bí quyết trường thọ theo như cụ chia sẻ là làm việc hăng say, không nên nghĩ quá nhiều đến cái chết và luôn tự mình đương đầu gánh vác các khó khăn trong công việc và cuộc sống.
[links()]
102 tuổi: làm việc 4 ngày mỗi tuần
Bác sĩ Hedda Bolgar, 102 tuổi, được chính phủ Mỹ công nhận là Công dân danh dự. |
Gần đây, tôi đã lội vào dòng thư từ của các độc giả, những người đang cận kề với cái chết. Một số người đang đấu tranh chật vật, số khác đang tỏ tâm trạng lo âu, sợ hãi và cũng có một số bệnh nhân nhắm mắt nói rằng họ đang sẵn sàng để đi về thế giới bên kia. Và sau đó, tôi nghe thông tin từ hai vị độc giả viết về con người của bà Hedda Bolgar.
Cách đây 3 tháng, tôi (một nhà báo) đã viết về Hedda Bolgar, nữ bác sĩ đến từ Brentwood, lúc bà Bolgar đã 99 tuổi nhưng vẫn không chịu an hưởng tuổi già mà vẫn đều đặn làm công tác thăm khám cho các bệnh nhân của mình. Hiện, ở tuổi 102, cụ bà Hedda Bolgar vẫn không ngơi tay làm việc. Ghi nhận những thành tích cống hiến của cụ bà Bolgar, mới đây cụ đã được vinh danh ở Washington, D.C., tại đó, cụ đã nhận được một trong 2 giải thưởng Công dân cao tuổi nổi bật nhất nước Mỹ, giải thưởng này được trao tặng hàng năm bởi Tổ chức Kinh nghiệm làm việc (OEW).
Vừa nhận được thông tin về giải thưởng cao quý đó, cụ Bolgar đã sung sướng nhảy cẫng lên và không quên chia sẻ thông tin này với một cụ ông 101 tuổi làm giám sát tại bưu điện Maryland.
Bất cứ khi nào tôi gọi điện thoại tới số nhà của cụ Hedda Bolgar thì y như rằng, đầu dây bên kia là giọng nói nhẹ nhàng của cụ, giọng nói ấy trong như sữa, mang lại cảm giác tin cậy với những người đối diện. Tuy đã 102 tuổi song lịch làm việc của cụ Bolgar khá bận rộn, trung bình 4 ngày/tuần, cụ Bolgar lại khám bệnh cho các khách hàng của mình.
Cụ Bolgar đang chuẩn bị một khoá học mùa xuân, nơi đó cụ sẽ đứng lớp và tham gia giảng dạy về chấn thương của áp lực di trú, một hiện tượng xã hội thời hiện đại mà cụ Bolgar tin rằng ngành Phân tâm học đã thất bại khi phải đối mặt. Một khoá học có thể nói là “khó xơi” song tôi tin rằng cách dạy hóm hỉnh của cụ bà cao tuổi chí ít sẽ đem lại niềm đam mê cho các học viên.
Làm việc hăng say là “liều thuốc” của sự trường thọ
Khi Adolf Hitler tiến vào xâm lược nước Áo, cô gái trẻ Hedda Bolgar cũng như những người đồng hương Áo khác đã tất tả chạy trốn khỏi châu Âu và trải qua những năm tháng thanh xuân cơ cực khi định cư và mưu sinh ở xứ người. Trong lần tôi đến thăm vào năm 2008, cụ Bolgar xuất hiện trong bộ quần áo thanh lịch, dù cao tuổi song trông cụ vẫn còn nét đẹp của ngày nào, đôi mắt tinh anh ngời sáng và nụ cười hiền hậu luôn thường trực trên môi.
Chia sẻ với tôi bằng giọng nói trong trẻo, cụ Bolgar nói: “Tôi đã sống sót qua các cuộc Cách mạng, nạn đói, chiến tranh và mất mát. Tôi nghĩ, tôi sinh ra trên trái đất này là để thực hiện một số sứ mạng. Trong những thời khắc nguy khốn nhất, tôi vẫn không cho phép mình đầu hàng. Tôi đã từng đối mặt với cái chết song lần nào cũng may mắn vượt qua. Không nhiều tác động ngoại cảnh có thể thay đổi cuộc đời tôi”.
Mặc dù giọng nói có phần chậm lại đôi chút so với thời trẻ song cụ Bolgar vẫn là nhân viên danh dự của Viện Wright, một trung tâm dịch vụ và huấn luyện sức khoẻ tâm thần, trung tâm này là thành quả của cụ Bolgar bởi do chính cụ bà cao tuổi là người đầu tiên sáng lập nên vào thập niên 1970, cùng với Viện nghiên cứu Los Angeles & Hiệp hội Tâm học Mỹ cũng do cụ bà Bolgar là người đồng sáng lập nên.
Ngoài những nơi này, dù cao tuổi song cụ bà Bolgar vẫn duy trì một phòng khám trị liệu mang tên mình, phòng khám được thành lập dành cho những khách hàng không có khả năng điều trị tại những nơi khác. Bản thân cụ Bolgar sẽ là nhân vật chính trong một bộ phim tư liệu nói về đề tài lão hoá bởi các nhà làm phim Laurie Schur và Lisa Thompson.
Không chỉ dồn sức cho việc điều trị bệnh nhân, cụ bà Bolgar còn dành nhiều thời gian để làm việc với các nhà nghiên cứu trong việc biên soạn 2 quyển sách mới mang tựa đề: “Thế kỷ thứ 2 của Tâm học: Phát triển triển vọng về hành động điều trị” của nhà nghiên cứu Michael J. Diamond và Christopher Christian; và quyển sách “Tâm bật gốc: Sống tốt sau chấn thương khủng bố ở Châu Mỹ” của nhà nghiên cứu Nancy Caro Hollander.
Ngay từ lúc 100 tuổi, cụ bà Hedda Bolgar “đột nhiên” trở thành một fan hâm mộ máy vi tính, khi cụ dành thời gian làm việc trong ngày để khám phá những danh mục nghiên cứu Phân tâm học rộng lớn trên mạng Internet, trên Internet. Cụ Bolgar đã khám phá ra rằng, nó là một cái kho khổng lồ về tri thức con người và có vô số kiến thức sẽ trở thành kho báu nếu một khi được sử dụng đúng mục đích.
Minh chứng về niềm đam mê Internet của cụ Bolgar, bà Lita Levine Kleger từ OEW, một tổ chức vận động phi lợi nhuận, đã hết lời khen ngợi cụ Bolgar: “Thật là một người phụ nữ tuyệt vời. Ở con người của cụ Bolgar theo chúng tôi quan sát đã thể hiện khả năng ứng khẩu và diễn thuyết hùng hồn”. Cũng theo bà Lita Levine Kleger thì ngay khi cụ Hedda Bolgar vừa chân ướt chân ráo đặt chân đến Washington thì thứ đầu tiên mà cụ hướng tới là kiếm việc để làm: luôn theo dõi sát sao đến các khách hàng bằng cách tiến hành các buổi trị liệu qua điện thoại.
Trong bài phát biểu ở Washington D.C trong buổi lễ trao giải, cụ Bolgar phấn khích nói rằng trong nghề y làm cách nào để có được nhân phẩm và làm gì để có thể đạt được mục đích chữa bệnh tới mức cao nhất? Song cụ Bolgar cũng phải thừa nhận rằng không phải ai cũng may mắn như mình. Cụ nói với tôi: “Tôi luôn giới thiệu cho những bài giảng của mình rằng tuổi già thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời cũng như khi thân thể ngày một già đi khiến cho bạn hãy cẩn thận bảo vệ và tránh làm những việc dại dột, mạo hiểm”.
Luôn một lòng kính yêu cha mẹ của mình
Càng lớn tuổi, cụ Bolgar nói rằng mình càng đánh giá cao cha mẹ của mình. Mẹ của cụ Bolgar là nữ nhà báo đầu tiên cũng là phóng viên chiến trường làm việc cho một tờ báo Thụy Sĩ, trong khi đó, cha của cụ Bolgar là một sử gia, một lãnh tụ lao động và đồng thời còn là một chiến sĩ bất khuất. Bằng một giọng nói khẳng khái, cụ Bolgar nói với tôi: “Khi tôi lớn dần lên, cha mẹ tôi đều hoạt động xa nhà, tôi hoàn toàn không lệ thuộc nhiều vào hai bậc sinh thành, mọi thứ quanh tôi đều lạ lẫm nhưng tôi hiểu, tôi đang phải dấn thân vào thế giới này.
Mỗi khi có sự cố xảy ra cho bản thân, thay vì khóc nhè, tôi phải một thân một mình tự xử lý nó, cứ thế lần hồi, rồi tôi cũng quen với các tình huống”. Hiện, ngôi nhà của cụ Bolgar là nơi gặp gỡ của các đồng nghiệp và bạn bè, họ đến đây để động viên nhau cùng giải quyết sự cố và cùng trưởng thành hơn trong nghề nghiệp của mình.
Vấn đề sức khoẻ và an ủi tinh thần cho bệnh nhân được nữ bác sĩ cao niên Bolgar đặt lên hàng đầu. Cụ nhớ lại rằng, mình từng có một bệnh nhân, lúc gặp cụ, ông khách ấy đã 80 tuổi, bệnh nhân ấy nói rằng, cơ thể mình luôn đau ốm, có cái gì đó bải hoải, thiếu sức sống và muốn chết quách cho rảnh nợ. Cụ Bolgar nhớ lại: “Sáng sớm, ông ấy thức dậy và gọi điện cho tôi nói rằng ông ấy muốn chết hoặc ngủ mãi mãi”.
Nhận thấy tâm trạng người bệnh đang có dấu hiệu xao động, cụ Bolgar liền ôn tồn động viên: “Tôi nói rằng ông đừng nghĩ quẩn, chẳng có phép thuật nào giúp ông hạnh phúc hơn. Sự thực không hề có phép thuật nhưng tôi tin phép thuật đang có trong ông, ông đừng vội bi quan, hãy tự tin và đừng một phút nào cho phép mình buông xuôi. Ông hãy tin rằng mình có khả năng đẩy lùi được bệnh tật”. Ông khách sau đó đã khỏi bệnh nhờ lời khuyên hiệu quả của cụ Bolgar.
Khi được hỏi cụ có sợ chết không vì con người không thể sống lâu mãi được? Cụ Bolgar không cần suy nghĩ mà rằng cụ không có tâm lý sợ chết. Cụ nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái chết, với tôi nó chỉ là một giấc ngủ khi đặt mình nằm xuống giường mỗi đêm, tôi mong là không cần phải cắn rứt suy nghĩ và không đau đớn nhiều quá. Nếu lúc nào tôi cũng nghĩ đến cái chết thì nói thật tôi sẽ không đủ dũng khí để làm tốt các công tác xã hội”.
Cách đây 3 năm, cụ Bolgar nói rằng sức khoẻ của mình có dấu hiệu giảm sút, có lẽ Thần Chết đang tới gần, song hiện nay, cụ tươi cười và hóm hỉnh nói: “Tôi sắp chết trong núi công việc của mình rồi đây. Cuộc đời thật tươi đẹp”.
- Nguyễn Thanh Hải (Theo New York Times)